(ĐN)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 28-10-2021, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về hai dự án: Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Luật Điện ảnh (sửa đổi)....
(ĐN)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 28-10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - khen thưởng Trung ương phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu |
Trong phiên làm việc buổi sáng, thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), các đại biểu nhất trí cao với việc cần thiết sửa đổi dự án luật này và đóng góp cụ thể, sâu sắc nhằm xây dựng dự luật, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thi đua - khen thưởng.
Nhiều ý kiến đã ghi nhận chất lượng dự thảo luật sửa đổi lần này, nhất là những quy định về cải cách thủ tục hành chính, mở rộng diện đối tượng khen thưởng, cũng như tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong thi đua - khen thưởng. Một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ, đối chiếu với các quy định hiện hành để tránh trùng lắp về đối tượng khen thưởng, thêm thủ tục rườm rà, đồng thời thực sự tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua, nhất là thi đua tại cơ sở, khu vực vùng sâu, vùng xa…
Đối với Luật Điện ảnh (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, thực tiễn sau 15 năm thi hành Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cho thấy nhiều quy định hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, không tương thích với hệ thống pháp luật liên quan. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, việc ban hành luật là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Trước đó, trong 2 phiên thảo luận tổ về 2 dự án luật này, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đã tích cực thảo luận đóng góp nhiều ý kiến. Đối với Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), các ĐBQH Đồng Nai phân tích những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng; đồng thời, cho rằng việc sửa đổi luật này là rất cần thiết, phù hợp với các quy định trong điều kiện hiện nay. Đối với Luật Điện ảnh (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, luật cần phải làm sao khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng VH-TTDL giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Hồ Thảo