Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực thực hiện thành công "mục tiêu kép"

09:07, 01/07/2021

(ĐN) - Ngày 1-7, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị lần thứ 4 (khóa XI) thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy 6 tháng đầu năm và Chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm cùng một số nội dung trọng tâm khác.

(ĐN) - Ngày 1-7, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức hội nghị lần thứ 4 (khóa XI) thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy 6 tháng đầu năm và Chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm cùng một số nội dung trọng tâm khác.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh:H.Anh

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh trong 6 tháng đầu năm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cho rằng: “6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế. Minh chứng cho sự nỗ lực đó là tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng khá, thu ngân sách, thu hút đầu tư tiếp tục tăng”.

* Nhiều tín hiệu tích cực

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, bức tranh KT-XH của tỉnh 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng nổi bật dù gặp rất nhiều khó khăn và áp lực do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại. Cụ thể, tỉnh chỉ đạo, thực hiện kịp thời, nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) được liên tục, không đứt gãy, góp phần lớn vào sự phát của tỉnh. Ở một số ít DN khi có ca liên quan đến dịch Covid-19 đều được xử lý khoanh vùng, truy vết kịp thời, không để dịch lây lan trong khu công nghiệp (KCN).

5 “mũi giáp công” để phục hồi kinh tế

- Thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài.

- Đẩy mạnh xuất khẩu.

- Thúc đẩy đầu tư công, cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai 4 dự án đường cao tốc qua địa bàn, các dự án đường vành đai 3-4, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

- Khuyến khích tiêu dùng nội địa.

- Đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch Covid-19.

6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 5,74%, tăng trưởng xuất khẩu tăng 34,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,9 tỷ USD. Điều đáng phấn khởi là thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đạt gần 37.850 tỷ đồng (đạt 80% dự toán năm và tăng 46% so với cùng kỳ). Bằng nhiều giải pháp, tỉnh tiếp tục thu hút khá mạnh các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt khoảng 800 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Có 1.912 DN đăng ký thành lập mới, tăng 4,82% so với cùng kỳ.

Một tín hiệu đáng mừng nữa là Đồng Nai tiếp tục nâng hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 ở vị trí 20/63 tỉnh, thành, tăng 3 bậc so với năm 2019. Đây là tín hiệu vui, củng cố thêm niềm tin cho các DN đang có ý định đầu tư tại Đồng Nai, đồng thời là động lực để tỉnh tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, phục vụ người dân và DN.

Đối với Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số hiệu quả quản trị công và hành chính công (PAPI) năm 2020, Đồng Nai tiếp tục ở nhóm tỉnh có chỉ số cao và khá cao.

Trong khi đó, tình hình quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội của tỉnh tiếp tục được giữ vững, người dân cảm thấy an tâm và phấn khởi. Đặc biệt, Công an tỉnh đã triệt phá được nhiều vụ án có quy mô lớn, tính chất liên vùng. Điển hình là đại án mua bán xăng giả, buôn bán ma túy quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Các loại tội phạm “xã hội đen”, cho vay nặng lãi, bảo kê đã được kiểm soát, đảm bảo phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH, nhất là các sự kiện chính trị diễn ra trong đầu năm đến nay như: Đại hội XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Công an tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân.

* Khắc phục khó khăn

Theo Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, bên cạnh những mặt đạt được, trong 6 tháng đầu năm, tình hình phát triển KT-XH của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, đồng thời có những hạn chế cần có giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới. Có như vậy mới đảm bảo được các mục tiêu tăng trưởng bền vững của tỉnh.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 5,74%, chỉ đứng sau TP.HCM, Hà Nội và cao hơn mức bình quân chung của cả nước (cả nước 5,64%), dù cao hơn nhưng không đáng kể.

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh:H.Anh

Trong khi đó, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công được đánh giá còn chậm, chưa đạt yêu cầu kế hoạch đề ra. Các dự án trọng điểm của tỉnh hiện vẫn còn chậm trong triển khai do những vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Lĩnh vực xuất khẩu tăng 34,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng ước tính xuất siêu 1,9 tỷ USD, tuy nhiên do giá trị xuất siêu đến hoàn toàn từ khu vực FDI, nên giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế và tác động lan tỏa đến khu vực DN trong nước chưa nhiều.

Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng: “Trong dài hạn, đến một lúc nào đó DN FDI chuyển lợi nhuận về nước thì khoản “Tiết kiệm, để dành” của Việt Nam nói chung và tỉnh nói riêng sẽ không còn gì”.

Đáng lưu ý, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường và Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đều cho rằng, Tổng cục Thống kê cần xem xét lại các chỉ số thống kê về KT-XH của tỉnh được công bố mới đây. Bởi theo các đồng chí, với nhiều chỉ số phát triển kinh tế của tỉnh có kết quả tốt nhưng chỉ số tăng trưởng GRDP của tỉnh chỉ đạt 5,74% là có mâu thuẫn, chưa chính xác và đầy đủ.

Liên quan đến tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hiện nhiều DN dịch vụ du lịch đang phải chịu thiệt hại nặng nề, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống… Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho rằng: “Nhiều DN du lịch lữ hành của tỉnh đang rất khó khăn vì không có khách đi du lịch đoàn, mà chủ yếu đi theo dạng gia đình tự túc, do đó nếu dịch Covid-19 còn kéo dài thì nhiều DN du lịch lữ hành sẽ khó cầm cự. Để các DN lữ hành của tỉnh có thêm động lực vượt qua khó khăn, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ bằng giải pháp hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0% để khi hết dịch, các DN này có điều kiện hoạt động, đóng góp lại cho ngân sách”.

* Nhiều thách thức trong 6 tháng cuối năm

Với tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, dự báo tình hình phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức. Thị trường đầu ra cho sản xuất, kinh doanh sẽ có những hạn chế, đặc biệt là với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho rằng, để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh phát triển kinh tế, ngay lúc này tỉnh cần phải có những hành động nhanh, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ với phương châm vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển KT-XH.

Cụ thể, tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, kiến nghị Chính phủ quyết liệt đàm phán, trao đổi với tất cả các đối tác có thể để đẩy nhanh việc mua, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch. Ưu tiên những vùng có nguy cơ cao, công nhân, chuyên gia, người lao động trực tiếp sản xuất ở các KCN, các chức sắc tôn giáo thường có mối quan hệ tiếp xúc nhiều người…

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn thì cho rằng: “Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cần xây dựng các kịch bản vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Các kịch bản này phải sát với tình hình, phải có các phương án để bảo vệ cuộc sống của người dân, của công nhân các KCN. Nếu dịch bùng phát mạnh, khó kiểm soát, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, an sinh xã hội, an ninh trật tự”.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ thì cho biết, để hạn chế những tác động bất lợi của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư này đến phát triển KT-XH của tỉnh, Sở Y tế đang chỉ đạo quyết liệt khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm nhanh tại địa bàn H.Thống Nhất, nơi đang bùng phát các ca dương tính với Covid-19 có nguồn gốc lây nhiễm từ chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM).

Cùng với đó, Sở tham mưu cho tỉnh các kịch bản phòng, chống dịch theo từng tình huống dịch bùng phát. Cụ thể là, chuẩn bị đủ vật tư y tế, năng lực xét nghiệm nhanh, chuẩn bị các khu cách ly tập trung, thành lập các khu điều trị Covid-19 riêng biệt, không để dịch lây nhiễm chéo trong bệnh viện, khu cách ly.

Là tỉnh có nhiều KCN lớn, do đó Sở Y tế cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp mạnh để ngăn dịch Covid-19 bùng phát trong KCN. Đặc biệt, Đồng Nai sẽ hỗ trợ tập huấn để DN có thể tự kiểm tra nhanh Covid-19 trong chính DN mình.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đặc biệt nhấn mạnh, việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ tư này là rất quan trọng, không để dịch tiếp tục lây lan ra diện rộng, nhất là ở các KCN. Bằng mọi giải pháp phải kiểm soát dịch, trước hết phải truy vết nhanh các ca nhiễm Covid-19, chuẩn bị nhanh các khu cách ly và điều trị. Đặc biệt, phải có biện pháp mạnh không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện, khu cách ly. Các huyện chưa phát hiện ca bệnh cũng phải chuẩn bị sẵn sàng như đã có ca bệnh, không được chủ quan coi nhẹ trong công tác phòng dịch.

Chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 4 (khóa XI) có các đồng chí: Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy; Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tại hội nghị, các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thảo luận và góp ý vào báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy 6 tháng đầu năm 2021 và Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2021. Thảo luận về dự thảo các kế hoạch của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về kinh tế - văn hóa - xã hội; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025; phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025.

Hội nghị cũng đã thảo luận và cho ý kiến về cụ thể hóa Quy chế làm việc nhiệm kỳ 2020-2025 đối với các dự án đặc biệt quan trọng chấp thuận theo chủ trương đầu tư; cho ý kiến về tiếp tục thực hiện Kết luận số 43-KL/TU ngày 30-9-2016 của Tỉnh ủy; đề án Tăng cường lãnh đạo, quản lý phát huy vai trò của phụ nữ trên địa bàn tỉnh, Kết luận số 55-KL/TL ngày 18-6-2014 và đề án Công tác lãnh đạo và quản lý thanh niên trên địa bàn tỉnh đến năm 2025...

Công Nghĩa

Tin xem nhiều