Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiến kế phát triển công nghiệp chế biến nông sản

05:02, 21/02/2020

(ĐN) – Ngày 21-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp...

(ĐN) – Ngày 21-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời gian qua, ngành nông nghiệp đạt những thành tựu vượt bậc, nhất là đã xuất khẩu được hơn 41 tỷ USD nông sản/năm, với nhiều mặt hàng thế mạnh như: gỗ, thủy sản… Nông nghiệp Việt Nam rất giàu tiềm năng; dư địa để phát triển còn rất lớn và Việt Nam đang phấn đấu lên vị trí tốp 10 của thế giới. Tuy nhiên, những hạn chế cần khắc phục cũng không ít như: thất thoát lớn trong nông nghiệp vẫn còn cao do yếu ở các khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản; cơ giới hóa còn thấp...

Cũng theo Thủ tướng, phát triển ngành xuất khẩu tươi quan trọng nhưng phát triển công nghiệp chế biến sâu còn quan trọng hơn vì giúp gia tăng giá trị, giải bài toán tiêu thụ nhờ chủ động hơn với thị trường toàn cầu. Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn chủ trì cùng các Bộ, ngành sớm nghiên cứu, soạn thảo, trình Thủ tướng chỉ thị về chiến lược phát triển công nghiệp chế biến, cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030 và nghị định về chính sách cho công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp… Thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội về việc tích tụ đất đai, vì đây là khúc mắc lớn cho sự phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương, các Bộ ngành cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp, tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ, kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất cho vay nông nghiệp. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu nông sản; đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ quản lý; liên kết 5 nhà...đều cần được chú trọng.

Các địa phương phải quan tâm, tìm ra cách làm phù hợp để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để xây dựng được một nền nông nghiệp tín nhiệm bằng sự minh bạch về chất lượng. Vai trò triển khai của các địa phương rất quan trọng, vì bên cạnh các chính sách của Trung ương thì việc chủ động ứng dụng, triển khai chính sách phù hợp với thực tế mới phát huy được hiệu quả.

Việc tiếp tục tìm kiếm thị trường, mở rộng thị trường cũng rất quan trọng. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thị trường trong nước; ưu tiên làm ra thực phẩm sạch, gạo sạch để bảo vệ sức khỏe của người dân Việt Nam. 

Hội nghị cũng dành rất nhiều thời gian lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp về những nút thắt khiến nông nghiệp Việt Nam chưa xứng tầm và xứng với tiềm năng như: nông sản chủ yếu là sản phẩm thô hoặc sơ chế do chế biến sâu chưa phát triển; chất lượng vùng nguyên liệu chưa đáp ứng được yêu cầu cho cả thị trường xuất khẩu và cho ngành chế biến; thương hiệu nông sản còn yếu và thiếu…

Dịp này, đại diện các doanh nghiệp cũng tập trung hiến kế để khuyến khích đầu tư vào chế biến, phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp như: đem ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là chìa khóa để phát triển; phải đưa khoa học, công nghệ hiện đại, nhất là khoa học quản trị để thay đổi tư duy của cả doanh nghiệp và nông dân; quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp trở thành đầu tàu trong lĩnh vực chế biến, cơ giới; cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn nông sản quốc gia; hỗ trợ phát triển về khâu giống; đào tạo nguồn nhân lực…

Tin, ảnh: Bình Nguyên

Tin xem nhiều