(ĐN) - Sáng 16-11, Học viện Chính trị khu vực II đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Trường Đảng miền Nam và chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.
(ĐN) - Sáng 16-11, Học viện Chính trị khu vực II đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Trường Đảng miền Nam và chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại buổi lễ |
Tới dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các cơ quan Trung ương; các tỉnh, thành phố phía Nam và cán bộ, giáo viên, học viên của nhà trường qua các thời kỳ.
Trong diễn văn ôn lại truyền thống của trường, PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho biết, năm 1949, Hội nghị xứ ủy Nam Bộ quyết định mở các lớp bồi dưỡng chính trị cho cán bộ lãnh đạo của Đảng và các đoàn thể. Quyết định này đã đưa đến thành lập Trường Đảng miền Nam.
Sự ra đời của Trường Đảng miền Nam gắn với sứ mệnh quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ miền Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong năm 1961 và giai đoạn 1974-1975, trường do cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh làm hiệu trưởng.
Sau khi hòa bình, thống nhất đất nước, trường được sắp xếp, hợp nhất để phù hợp tình hình thực tế từng thời kỳ và đã trải qua nhiều lần đổi tên, đến nay là Học viện Chính trị khu vực II.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng trao Huân Chương Lao động hạng Nhất cho Học viện Chính trị khu vực II |
70 năm qua, Học viện Chính trị khu vực II đã đào tạo, bồi dưỡng hơn 167 ngàn học viên là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp ở khu vực Nam bộ, có trình độ lý luận, năng lực tổ chức thực tiễn, có bản lĩnh và phẩm chất cần thiết, đáp ứng kịp thời và hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng.
Ngoài ra, Học viện Chính trị khu vực II đã giúp Campuchia đào tạo, bồi dưỡng hơn 4.600 cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh và cấp huyện. Hiện nay nhà trường đang thực hiện đa dạng hóa các hệ đào tạo nhưng đào tạo cao cấp lý luận chính trị được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Bên cạnh công tác giảng dạy, học viện ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị và tư vấn chính sách cho các tỉnh, thành phố vùng Nam bộ.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh biểu dương những thành tích trong 70 năm của Trường Đảng miền Nam, nay là Học viện Chính trị khu vực II.
Đồng chí cho rằng, để tiếp tục vững bước đi lên, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đặc biệt là yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Học viện Chính trị khu vực II phải ưu tiên hàng đầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, lý luận Chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch để bảo vệ thành quả, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tham dự buổi lễ |
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường phải bám sát yêu cầu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đổi mới đồng bộ các khâu trong giảng dạy, từ phương pháp giảng dạy, đến công tác tuyển sinh, kiểm tra đánh giá chất lượng học tập. Giảm dần tỷ lệ đào tạo tại chức, nâng dần đào tạo tập trung. Chương trình đào tạo phải phù hợp từng hệ đào tạo, từng nhóm, đối tượng học viên và phù hợp thực tiễn từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Học viện Chính trị khu vực II phải là một trong những đơn vị đi đầu trong việc kiên quyết khắc phục tình trạng lười học lý luận chính trị, học để đối phó, học cốt để lấy bằng, chứng chỉ. Học viện cũng nên quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các địa phương trong vùng, nhất là trước yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Dịp này, Học viện Chính trị khu vực II đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng Nhất.
Tin, ảnh: Phương Hằng