(ĐN) - Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính từ ngày 1-1 đến 15-2 (chỉ mới 45 ngày) toàn tỉnh đã có hơn 500 ca mắc sởi phải nhập viện điều trị, trung bình mỗi ngày có 10 ca sởi nhập viện, cá biệt có ngày có tới 32 ca nhập viện và nhiều ca biến chứng nặng.
(ĐN) - Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính từ ngày 1-1 đến 15-2 (chỉ mới 45 ngày) toàn tỉnh đã có hơn 500 ca mắc sởi phải nhập viện điều trị, trung bình mỗi ngày có 10 ca sởi nhập viện, cá biệt có ngày có tới 32 ca nhập viện và nhiều ca biến chứng nặng.
Trẻ bị sởi được điều trị trong Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai |
Điều đáng nói là số ca bệnh sởi không chỉ nằm trong nhóm trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng ngừa sởi (9 tháng tuổi) mà cả những trẻ đã tiêm chủng, không ít người lớn cũng bị mắc sởi. Bác sĩ Trần Minh Hòa, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho hay, ở Đồng Nai tỷ lệ tiêm chủng ngừa bệnh sởi đạt tỷ lệ rất cao, nhưng số người mắc bệnh sởi vẫn đang gia tăng nhanh chóng.
Để khống chế tình trạng lây lan của dịch sởi, năm 2018, tỉnh đã chi gần 400 triệu đồng để mua vaccine ngừa sởi tiêm chủng miễn phí cho tất cả trẻ từ 1-14 tuổi trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc trở lại và diễn biến phức tạp của bệnh sởi đang gây những khó khăn cho công tác khống chế dịch bệnh.
Theo bác sĩ Hòa, người dân vẫn nên tiếp tục cho trẻ đi tiêm vaccine phòng sởi, các bà mẹ trước khi mang thai cũng nên tiêm ngừa bệnh sởi – rubella để tạo kháng thể cho trẻ khi được sinh ra. Vì bệnh sởi là bệnh lây lan nhanh và dễ lây qua đường hô hấp nên các gia đình cần chú ý vệ sinh thân thể cho trẻ, cho người trông trẻ, vệ sinh môi trường, hạn chế đưa trẻ đến chỗ người bệnh. Khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt, chảy nước mũi, phát ban nên đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Phương Liễu