(ĐN) – Ngày 23-3, ông Triệu Trung Tính, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) cho biết, việc đổ đất ven sông Đồng Nai đoạn dưới chân cần Bửu Hòa thuộc địa bàn ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa chỉ là để chống sạt lở đất ở phía chân cầu và đất của người dân sống gần khu vực này.
(ĐN) – Ngày 23-3, ông Triệu Trung Tính, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) cho biết, việc đổ đất ven sông Đồng Nai đoạn dưới chân cần Bửu Hòa thuộc địa bàn ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa chỉ là để chống sạt lở đất ở phía chân cầu và đất của người dân sống gần khu vực này.
Hơn 19 ngàn m3 đất đá được đổ gần chân cầu Bửu Hòa để chống sạt lở bờ sông |
Bà Nguyễn Kim Thảo, ngụ ấp Nhị Hòa sinh sống gần chân cầu Bửu Hòa cho hay, mấy năm gần đây, đất ở khu vực ven bờ sông sạt lở rất nhanh nên các hộ dân ở khu vực này đều kiến nghị xã, thành phố đổ đất để chống sạt lở, giữ đất cho dân và bảo vệ an toàn chân cầu.
Nhiều người dân ở gần sông, đoạn thuộc ấp Nhị Hòa đều khẳng định, gần 10 năm nay khu vực ven sông thuộc ấp Nhị Hòa bị nước thủy triều lên xuống cuốn mất hơn 30 mét và càng những năm gần đây, tàu thuyền đi lại nhiều nên sạt lở nhanh hơn.
Ông Châu Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Hòa nói, khoảng giữa năm 2017, thấy tình trạng sạt lở đất khá nhanh người dân Tổ 24, ấp Nhị Hòa đã làm đơn đề nghị UBND xã cho đổ đất ven sông để gia cố, khắc phục tình trạng sạt lở, chứ không phải là lấn sông làm dự án. Từ cuối tháng 12-2017, sau khi được đổ đất đá ven sông, tình trạng sạt lở đã giảm đi rất nhiều.
Ngày 23-10-2017, UBND tỉnh có văn bản số 10843 chấp thuận cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam liên hệ với UBND TP.Biên Hòa để được hỗ trợ khảo sát vị trí tập kết đất đá từ Dự án thanh thải các bãi đá ngầm trên sông Đồng Nai.
Ngày 25-12-2017, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có văn bản đề nghị thay đổi vị trí tập kết đất đá thanh thải đến khu vực bờ trái sông Đồng Nai gần trụ T9 của cầu Bửu Hòa thuộc xã Hiệp Hòa. Việc đổ đất đá gần chân cầu Bửu Hòa là trên cơ sở đề nghị của UBND xã Hiệp Hòa vào ngày 28-11-2017 nhằm mục đích khắc phục tình trạng sạt lở tại khu vực trên.
Cũng theo ông Tính, chỉ trong vòng 3 năm (từ năm 2015-2017), ven bờ sông Đồng Nai, gần chân cầu Bửu Hòa thuộc ấp Nhị Hòa đã lở mất hơn 10 mét (trung bình hơn 3 mét/năm). Do đó, việc đổ đất đá để bảo vệ chân cầu là rất cần thiết. Lượng đất đá đổ xuống chân cầu để hạn chế việc sạt lở là hơn 19 ngàn m3.
Khánh Minh