Báo Đồng Nai điện tử
En

Trả hồ sơ, điều tra lại vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh

01:11, 14/11/2017

(ĐN)- Như tin đã đưa, sáng 14-11, Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với hai bị cáo trong vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh xảy ra vào tháng 3 năm 2016...

[links()](ĐN)- Như tin đã đưa, sáng 14-11, Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với hai bị cáo: Phan Thế Thượng (63 tuổi, ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa) và Trần Văn Giang (36 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) bị Viện kiểm sát nhân dân TP.Biên Hòa truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn và giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy.

Hai bị cáo Thượng và Giang tại phiên tòa ngày 14-11.
Hai bị cáo Thượng và Giang tại phiên tòa ngày 14-11.

Sau một buổi sáng xét xử, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa nhận thấy còn một số vấn đề không thể làm rõ tại phiên tòa như: xác định giá trị thiệt hại của cầu Ghềnh; các mối quan hệ của một số đơn vị liên quan thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam đòi bồi thường trong vụ án này nên đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP.Biên Hòa xác định, Phan Thế Thượng là chủ tàu SG-3745 biết rõ phương tiện của mình không đảm bảo kỹ thuật nhưng vẫn giao cho Trần Văn Giang là người không có bằng lái điều khiển chở cát từ Trà Vinh lên TP.Biên Hòa.

Cầu ghềnh sau khi bị sà lan húc sập
Cầu ghềnh sau khi bị sà lan húc sập (ảnh tư liệu)

Khoảng 11 giờ 30 ngày 20-3-2016, Giang điều khiển tàu SG-3745 đẩy sà lan mang số hiệu SG-5984 chở cát từ tỉnh Trà Vinh dọc theo sông Đồng Nai đến TP.Biên Hòa để bán. Khi đến đoạn sông ở chân cầu Ghềnh, Giang đã không biết cách điều khiển cho tàu và sà lan đi qua khoang thông thuyền của cầu nên đã để sà lan đâm vào trụ số 2 của cầu Ghềnh làm sập 2 nhịp.

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định, vụ việc trên đã gây thiệt hại trị giá hơn 21 tỷ đồng. Cáo trạng cũng xác định, vu sập cầu Ghềnh tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã làm tuyến đường sắt Bắc – Nam tê liệt trong thời gian hơn 3 tháng. Quá trình điều tra, đại diện Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã yêu cầu các bị cáo và những người liên quan phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền gần 9 tỷ đồng.

Chiếc xà lan bị lật úp và bị kẹt lại trên sông sau khi húc sập Cầu Ghềnh (ảnh Đăng Tùng)
Chiếc xà lan bị lật úp và bị kẹt lại trên sông sau khi húc sập Cầu Ghềnh (ảnh tư liệu)

Trước đó, trong quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, khi vụ việc xảy ra trên tàu còn có Trần Văn Lẹ. Tuy nhiên qua điều tra, cơ quan công an xác định người này chỉ làm thuê phụ tàu nên không xem xét trách nhiệm.

Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng đã yêu cầu trả hồ sơ vụ án để điều tra lại do việc xác định thiệt hại trong vụ việc này là chưa chính xác. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng phải xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc bảo vệ cầu Ghềnh. Cụ thể, khi xảy ra vụ tai nạn, hệ thống bảo vệ trụ cầu không có. Luật sư của bị cáo cho rằng, nếu trụ cầu Ghềnh được bảo vệ an toàn thì sẽ không có vụ tai nạn đáng tiếc nói trên.

Trần Danh

 

Tin xem nhiều