Báo Đồng Nai điện tử
En

[Nóng] Một thanh niên ở Định Quán tử vong có liên quan đến bệnh sởi

Hạnh Dung
11:59, 28/12/2024

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vừa có báo cáo về một trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi trên địa bàn huyện Định Quán.

Đây là ca tử vong thứ 3 có liên quan đến dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2024 đến nay. Qua đó cho thấy tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch bệnh sởi, tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho người dân.

Đoàn công tác của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh làm việc tại Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch bệnh sởi. Ảnh: Hạnh Dung
Đoàn công tác của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh làm việc tại Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch bệnh sởi. Ảnh: Hạnh Dung

Bệnh nhân bị nhiều bệnh nền

Trường hợp tử vong là anh H.M.N., 26 tuổi, ngụ xã Phú Cường, huyện Định Quán. Bệnh nhân mắc hội chứng Down, tim thông liên thất, vảy nến từ nhỏ, không đi học, giao tiếp khó khăn nên ở nhà với cha mẹ, không được tiêm ngừa các loại vaccine phòng bệnh, trong đó có vaccine sởi.

Ngày 1-12, bệnh nhân khởi phát các triệu chứng: sốt, ho, người nhà tự mua thuốc về cho bệnh nhân uống và theo dõi tại nhà.

Ngày 3-12, bệnh nhân phát ban toàn thân, ban nổi từ ngực đến chân, nốt ban dạng chấm đỏ nhỏ, nổi thành từng mảng. Vào khoảng 20h ngày 3-12, bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, người nhà đưa bệnh nhân đến khám và nhập viện điều trị tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai với chẩn đoán ban đầu là suy hô hấp.

Đến 22h ngày 4-12, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm sởi và đặt ống thông tiểu, đặt ống nội khí quản, đồng thời được tiêm một mũi thuốc an thần.

Ngày 5-12, bệnh nhân được tiên lượng nặng, gia đình đã xin về nhà. Bệnh viện cho bệnh nhân xuất viện lúc 11h với chẩn đoán ra viện là suy hô hấp cấp (viêm phổi nặng), choáng nhiễm trùng từ phổi, theo dõi sởi bội nhiễm, vảy nến, hội chứng Down. Đến khoảng 12h cùng ngày, bệnh nhân được xác định tử vong trên đường về nhà.

Khu vực điều trị bệnh sởi người lớn tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung
Khu vực điều trị bệnh sởi người lớn tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung

Ngày 23-12, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh trả kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với virus sởi.

TS-BS Trần Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân người lớn tử vong có liên quan đến bệnh sởi. Bệnh nhân bị nhiều bệnh nền nặng, nguy hiểm trước đó như tim thông liên thất, hội chứng Down, vảy nến trong khi chưa được tiêm vaccine sởi. Do đó, khi mắc bệnh, bệnh diễn tiến nhanh, tử ngày khởi phát bệnh đến khi tử vong chỉ 5 ngày.

Tăng cường truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh sởi

Ngay sau khi nhận được kết quả của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm y tế huyện Định Quán, Trạm y tế xã Phú Cường tiến hành điều tra, xác minh thông tin dịch tễ. Đồng thời tiến hành khử trùng tại nhà bệnh nhân và các hộ gia đình xung quanh. Bao gồm sàn nhà, vật dụng, bàn ghế, tay nắm cửa, đồ chơi, khu vệ sinh chung bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn.

Bên cạnh đó, đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tối đa việc quệt tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường.

Đặc biệt, tuyên truyền cho người nhà bệnh nhân và cộng đồng các biện pháp phòng, chống bệnh sởi – rubella bằng vaccine. Những trẻ từ 1-10 tuổi nếu chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine có thành phần sởi cần đến trạm y tế hoặc các trung tâm tiêm chủng để được tiêm chủng đầy đủ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị Trung tâm y tế huyện Định Quán tiếp tục phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo huyện, các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn, tiếp tục rà soát những học sinh trong độ tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine có chứa thành phần sởi, để thực hiện tiêm chủng vaccine theo hướng dẫn.

Đặc biệt, Trung tâm y tế huyện Định Quán cần chỉ đạo các trạm y tế phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát những trẻ em trên địa bàn chưa được tiêm chủng và chưa tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine, nhất là các đối tượng nguy cơ cao, có bệnh nền để thực hiện tiêm chủng nhằm tăng tỷ lệ bao phủ miễn dịch trên địa bàn.

Riêng Trạm y tế xã Phú Cường có trách nhiệm cập nhật thông tin ca bệnh lên hệ thống giám sát Bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế.

Năm 2025, ngành y tế Đồng Nai đề ra mục tiêu chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch đồng bộ, khống chế và dập tắt dịch kịp thời, không để xảy ra dịch bệnh lớn, bùng phát trên địa bàn tỉnh, hạn chế ca tử vong. Đặc biệt, giám sát chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh nguy hiểm như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng…

Tiếp tục nâng tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi

Một bệnh nhân Dowd bị bệnh sởi nặng phải thở oxy, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung
Một bệnh nhân Dowd bị bệnh sởi nặng phải thở oxy, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2024, số ca bệnh sởi trên cả nước tăng đột biến, gấp 130 lần so với năm 2023. Một số địa phương có số ca bệnh sởi cao như: Đồng Nai hơn 6,3 ngàn ca, Thành phố Hồ Chí Minh hơn 4,7 ngàn ca, Bình Dương hơn 4,7 ngàn ca, Cà Mau hơn 2,4 ngàn ca.

Cả nước cũng đã ghi nhận 13 trường hợp tử vong do sởi, tăng 13 trường hợp so với năm 2023. Những địa phương đã ghi nhận ca tử vong do sởi gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Phú Yên, Thanh Hóa.

Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm vaccine sởi tại 30 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, trong đó có Đồng Nai. Kết quả, các địa phương đã tiêm được gần 785 ngàn liều vaccine sởi – rubella/hơn 920,2 ngàn đối tượng từ 1-10 tuổi và nhân viên y tế, đạt tỷ lệ 85,3%.

Riêng tại Đồng Nai, tính đến ngày 20-12 đã có hơn 94,6 ngàn trẻ từ 1-10 tuổi được tiêm vaccine sởi – rubella, đạt 97% đối tượng cần tiêm chủng trong chiến dịch lần này.

Bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, qua khảo sát cho thấy đa số phụ huynh đã có ý thức phòng bệnh cho con bằng việc tiêm đầy đủ các loại vaccine, đúng lịch tiêm. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận phụ huynh chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc tiêm vaccine phòng bệnh nên còn tâm lý thờ ơ, chưa đưa con đi tiêm chủng đầy đủ. Điều này rất đáng lo ngại vì khi cơ thể trẻ không có đề kháng, đến khi chẳng may nhiễm bệnh sẽ có nguy cơ bệnh nặng, phải điều trị lâu dài, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Do vậy, ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tiêm đúng, tiêm đủ các loại vaccine để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều