Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai có hơn 46 ngàn ha rừng nguyên liệu

Vương Thế
17:54, 29/09/2023

(ĐN)-Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Kết nối vùng nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” do Sở NN-PTNT phối hợp Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai tổ chức ngày 29-9.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi phát biểu tại hội thảo
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi phát biểu tại hội thảo

Theo Sở NN-PTNT, ngành chế biến gỗ có vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp của tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, trong khi Đồng Nai có diện tích 46 ngàn ha rừng sản xuất thì nguồn nguyên liệu trong tỉnh chỉ đáp ứng được hơn 14% nhu cầu sản xuất. Nguồn gỗ trong nước đa số chưa có chứng chỉ FSC - một chứng nhận để đảm bảo nguồn gốc gỗ khi xuất khẩu. Chuỗi liên kết hình thành một cách tự phát và chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị. Do đó, việc liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ với các tổ chức, hộ gia đình trồng rừng nhỏ lẻ để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lớn đạt chuẩn rừng bền vững (FSC) gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm gỗ là rất cần thiết.

Tại hội thảo, đại diện Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai và các doanh nghiệp đã giới thiệu về định hướng phát triển chuỗi giá trị gỗ rừng trồng và liên kết sản xuất giữa công ty với vùng nguyên liệu trồng rừng và nhà máy chế biến gỗ. Giới thiệu xu hướng sử dụng nguyên liệu gỗ trên thế giới; nguyên liệu gỗ Hông và tiềm năng sử dụng ở Việt Nam.

Công bố vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt tiêu chuẩn rừng bền vững FSC từ sự hợp tác giữa Công ty CP Tân Vĩnh Cửu và Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc.
Công bố vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt tiêu chuẩn rừng bền vững FSC từ sự hợp tác giữa Công ty CP Tân Vĩnh Cửu và Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc.

Hội thảo cũng dành thời gian để các doanh nghiệp, người trồng rừng trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng chuỗi liên kết, hệ sinh thái cho ngành gỗ của Đồng Nai, đồng thời kiến nghị những giải pháp đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ bền vững cho ngành gỗ…

Vương Thế

Tin xem nhiều