Ngày 31-3, tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh diễn ra lễ tổng kết phong trào Thi đua yêu nước năm 2022, ký kết giao ước thi đua năm 2023 và tôn vinh các điển hình tiên tiến.
Ngày 31-3, tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh diễn ra lễ tổng kết phong trào Thi đua yêu nước năm 2022, ký kết giao ước thi đua năm 2023 và tôn vinh các điển hình tiên tiến.
Đồng chí Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy trao Cờ thi đua xuất sắc hạng Nhất cho đại diện các cụm khối thi đua của tỉnh tại lễ ký kết giao ước thi đua năm 2022 |
Trong số những điển hình được tuyên dương, có rất nhiều người là nông dân, công nhân, chiến sĩ, người lao động trực tiếp... Nỗ lực và thành quả mà họ tạo nên từ tinh thần thi đua đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Những công nhân, nông dân nhạy bén, sáng tạo
Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, chị Bùi Thị Diệu An, công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (TP.Biên Hòa) đã đóng góp gần 100 sáng kiến lớn nhỏ tại nơi mình làm việc. Các sáng kiến của chị giúp giảm nhân công, rút ngắn thời gian thao tác, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm. Từ đó, đã làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm, được công ty đánh giá cao và nhân rộng trong sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - khen thưởng tỉnh CAO TIẾN DŨNG cho rằng, công tác thi đua, khen thưởng trong năm 2022 được thực hiện tốt, đảm bảo kịp thời, có tác động sâu rộng. Đặc biệt là các gương điển hình tiên tiến được tuyên dương đời thường hơn, gắn với những việc làm cụ thể hơn… |
Nhiều năm nay, anh Trần Thanh Nhàng luôn được bình chọn là công nhân ưu tú của Công ty TNHH Saite Power Source Việt Nam (H.Long Thành). Cũng như chị An, bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, anh Nhàng còn luôn tìm tòi, đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến làm lợi cho công ty. Có thể kể đến sáng kiến cải tiến vị trí xuống giàn ắc quy nạp điện đã mang lại hiệu quả sản xuất cao, giúp số nhân công tại vị trí cũ giảm đi một nửa so với trước. Cùng với đó là sáng kiến cải tiến dụng cụ bù axit và bù keo. Theo đó, trước đây công đoạn tra axit và keo của bình ắc quy lớn phải làm thủ công và mất nhiều thời gian, công nhân khi thao tác có thể bị axit dính vào tay, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Sáng kiến của anh ra đời đã giảm đáng kể thời gian, công sức của công nhân, cải thiện được khuyết điểm của cách làm thủ công trước kia, giúp làm lợi cho công ty 280 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân ở xã Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu) được biết đến là người đi đầu trong ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Ông Thanh đã chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ men sinh học IMO để tự làm phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong trồng trọt và xử lý môi trường làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Ông Thanh cho biết, khi ông áp dụng cho vườn cây bưởi, khổ qua, dưa leo, bầu, bí… sản phẩm làm ra dù không sử dụng chất bảo quản vẫn tươi ngon, đảm bảo chất lượng.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh đang nghiên cứu hồ sơ về tội phạm ma túy. Đây là một trong những đơn vị được tôn vinh điển hình tiên tiến tỉnh Đồng Nai năm 2023. Ảnh: HỒ THẢO |
Theo nông dân Nguyễn Văn Thanh, kết quả của việc ứng dụng men sinh học IMO vào nông nghiệp là rất lớn, giúp người nông dân vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư, vừa chủ động về nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại chỗ mà không gây hại sức khỏe. Năm 2022, ông Thanh đã hỗ trợ 2 ngàn lít IMO cho các hộ dân trên địa bàn sử dụng. Ông còn tham gia và đoạt giải ba hội thi Nông dân giỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật do Sở KH-CN tổ chức. Hàng năm, ông tích cực hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho các nông dân xã nhà và các huyện khác đến học tập.
Là Tổ trưởng Tổ hợp tác lúa Bàu Kiên (xã Thanh Sơn, H.Định Quán), thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Hùng đã tích cực vận động các thành viên tổ hợp tác tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa. Qua đó đã giúp năng suất trung bình trên 1ha của các hộ trong tổ hợp tác tăng 1,5 lần so với trước đó; doanh thu của các hộ cũng nâng lên gần 36 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn nhiều so với các hộ không tham gia. Ngoài ra, ông cùng với Phòng Nông nghiệp huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân phun xịt thuốc bằng máy bay không người lái giúp giảm chi phí nhân công, đảm bảo an toàn sức khỏe…
Nông dân Trần Minh Thái từng phạm tội cố ý gây thương tích và bị xử phạt tù. “Trong quá trình chấp hành án, tôi đã nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình, quyết tâm cải tạo tốt để trở về cộng đồng” - anh Thái bày tỏ. Chấp hành xong án phạt tù và trở về với gia đình tại xã Cây Gáo (H.Trảng Bom), được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Công an xã Cây Gáo và Công an H.Trảng Bom, anh đã nhiều lần được vay vốn từ Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự tỉnh để làm ăn. Nhờ kiên trì và chăm chỉ, đến nay anh đã có trong tay trại gà khoảng 75 ngàn con. Không chỉ vươn lên ổn định kinh tế gia đình, anh còn tạo việc làm cho 7 người dân tại địa phương.
Nỗ lực thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ
Ông Vòng A Sam là Trưởng ban Công tác Mặt trận KP.6, TT.Tân Phú (H.Tân Phú), đồng thời là người uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa trên địa bàn. Ông Sam chia sẻ, nhiều năm qua, ý thức được vị trí, vai trò của mình, ông đã tích cực cùng các ban, ngành địa phương tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tới đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Phó giám đốc Sở Nội vụ, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - khen thưởng tỉnh Phạm Minh Phước và Trưởng ban Thi đua - khen thưởng tỉnh Thái Bình Dương trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho bà Võ Thị Tuyết Hương (ngụ H.Nhơn Trạch) vì có hành động đẹp nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất. Ảnh: H.THẢO |
Ông Sam còn phối hợp với cộng đồng người Hoa hỗ trợ quà Tết cho người cao tuổi đồng bào DTTS và các hộ khó khăn nói chung trên địa bàn. Ông quan tâm rà soát, lập danh sách các nhân khẩu thuộc đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn không tham gia bảo hiểm y tế để hỗ trợ; vận động hỗ trợ kinh phí mai táng; xây nhà tình thương cho hộ nghèo; tặng quà cho thanh niên dân tộc lên đường nhập ngũ… Ông còn phối hợp với địa phương trong xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi…
Những nỗ lực ấy của ông đã góp phần giúp đồng bào DTTS trên địa bàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật nhà nước, các quy định tại địa phương, nỗ lực cải thiện đời sống. Những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan không còn, người dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật, các chính sách y tế, giáo dục. Đời sống và trình độ dân trí của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao.
Ở vai trò là một giáo viên, nhiều năm qua, cô Chu Thị Hằng, công tác tại Trường THPT Long Thành (H.Long Thành) luôn đi đầu trong đăng ký sáng kiến kinh nghiệm; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy. Cô từng đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh.
Cô Hằng còn là Bí thư Đoàn trường năng động, nhiệt huyết. Cô tạo được dấu ấn cho Đoàn trường bởi nhiều hoạt động, công trình nổi bật, trong đó có mô hình Cột mốc chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa được xây dựng ngay tại sân trường, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, sinh động về chủ quyền biển, đảo cho học sinh. “Khi làm bất kỳ việc gì, ở bất kỳ vai trò nào, bản thân tôi đều nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhất có thể” - cô giáo trẻ bộc bạch.
Là cán bộ Hội nông dân ở cơ sở, Chủ tịch Hội Nông dân P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh) Nguyễn Thành Ngọc luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông cùng Hội Nông dân xã đã vận động nông dân và nhân dân trên địa bàn tham gia các mô hình nông nghiệp đô thị, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao trên cùng diện tích.
Điển hình là mô hình chuyển đổi trồng dưa lưới theo công nghệ cao; mô hình sản xuất hữu cơ trên cây măng cụt… Cùng với đó, thành lập mô hình điểm thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật; mô hình tổ nông dân tự quản về an ninh trật tự gắn với phòng chống dịch bệnh trên người…
Nhờ nỗ lực của ông Ngọc và tổ chức Hội đã góp phần đổi mới các hình thức sản xuất; tăng cường và đưa các hình thức HTX, tổ hợp tác, kinh tế trang trại trên địa bàn đi vào hoạt động hiệu quả. Năm 2022, Hội Nông dân P.Bảo Vinh được công nhận là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được xếp hạng nhất toàn Hội Nông dân TP.Long Khánh.
Hồ Thảo
Thượng tá TRẦN VĂN HÙNG, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh:
Kịp thời động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ
Trong thực hiện nhiệm vụ, cấp ủy, Ban lãnh đạo đơn vị luôn thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh cho cán bộ, chiến sĩ; làm tốt công tác TĐKT nhằm động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực bám tuyến, bám địa bàn, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh trấn áp mạnh mẽ tội phạm ma túy.
Nhờ đó, năm qua, nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia, liên tỉnh với số lượng lớn đã bị triệt phá; số lượng ma túy thu giữ năm sau cao hơn năm trước...
Luật sư LÊ QUANG Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đồng Nai - Đơn vị Khối trưởng Khối thi đua 11 năm 2023:
Tránh khen thưởng mang tính hình thức, không thực chất
Thời gian qua, Khối thi đua 11 đã nỗ lực vượt qua những khó khăn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Để có được kết quả đó, việc phát động thi đua của khối được triển khai một cách bài bản. Ngay khi có chương trình hành động, từ khối đến các thành viên của khối đã phát động thi đua đến các đơn vị trực thuộc và toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong từng cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, đơn vị, từng cá nhân đã xây dựng kế hoạch để phấn đấu nhằm thực hiện được mục tiêu đã đề ra.
Công tác khen thưởng cũng được khối chú trọng đổi mới, quan tâm khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc, thực sự có sáng tạo, đóng góp trong công việc, tránh khen thưởng mang tính hình thức và không thực chất.