Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề phòng 'bà hỏa' hoành hành trong cao điểm mùa khô

08:03, 30/03/2023

Đồng Nai đang vào cao điểm mùa khô. Thời gian qua, trên địa bàn liên tiếp xảy ra các vụ cháy, nhất là trong các khu công nghiệp (KCN), khu dân cư. Nhờ công tác chữa cháy kịp thời nên ngành chức năng ngăn được các vụ cháy lan, cháy lớn.

Đồng Nai đang vào cao điểm mùa khô. Thời gian qua, trên địa bàn liên tiếp xảy ra các vụ cháy, nhất là trong các khu công nghiệp (KCN), khu dân cư. Nhờ công tác chữa cháy kịp thời nên ngành chức năng ngăn được các vụ cháy lan, cháy lớn.

Lực lượng chữa cháy của tỉnh và TP.Biên Hòa dập tắt đám cháy cỏ khiến hơn 200 hộ dân ở P.Tân Hiệp mất điện ngày 25-2. Ảnh: Đ.Tùng
Lực lượng chữa cháy của tỉnh và TP.Biên Hòa dập tắt đám cháy cỏ khiến hơn 200 hộ dân ở P.Tân Hiệp mất điện ngày 25-2. Ảnh: Đ.Tùng

Trong cao điểm nắng nóng này, ngành chức năng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp (DN) cần tăng cường công tác phòng cháy.

* Liên tiếp xảy ra cháy

Là tỉnh công nghiệp phát triển nên công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong các KCN luôn được ngành chức năng, DN quan tâm. Tuy nhiên, trong cao điểm nắng nóng từ đầu năm 2023 đến nay, vẫn xảy ra các sự cố cháy trong KCN.

Gần nhất, vào ngày 15-3, tại Công ty TNHH Kỹ nghệ Stand Dragon (KCN Bàu Xéo, H.Trảng Bom, chuyên sản xuất linh kiện cơ khí) đã xảy ra sự cố cháy 180m2 tại khu vực để thùng phuy (có chứa dầu hỏa) dùng để vệ sinh linh kiện cơ khí trước khi sơn. Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cùng Công an H.Trảng Bom đã xuất 5 xe đặc chủng đến hiện trường chữa cháy. Sau hơn 1 giờ chữa cháy, đám cháy đã được dập tắt, ngăn lan rộng, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty.

Đáng chú ý, từ giữa tháng 3-2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện một số đám cháy giữa khu dân cư đông đúc. Phần lớn các đám cháy xảy ra ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho xưởng trong khu dân cư. Thời gian xảy ra vào buổi trưa, đêm khuya.

Gần nhất, vào chiều 24-3, tại Nhà máy xử lý chất thải Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) của Công ty CP Môi trường Thiên Thanh đã xảy ra vụ cháy bãi tập kết rác rộng 150m2.

Trước đó, rạng sáng 21-3, bãi phế liệu rộng hơn 500m2 của Công ty TNHH MTV Trà Đăng Khôi nằm trên đường song hành quốc lộ 51 (xã Long Đức, H.Long Thành) bốc cháy dữ dội. Lực lượng Cảnh sát PCCC gần đó phải huy động hơn 25 cán bộ, chiến sĩ và 4 xe chữa cháy, mất 3 giờ liên tục mới dập tắt, đám cháy không lan rộng ra khu dân cư gần đó.

Hay trưa 16-3, tại P.Thanh Bình (TP.Biên Hòa) xảy ra vụ cháy tại một ngôi nhà ở kết hợp kinh doanh băng đĩa nhạc trên đường Phan Đình Phùng, ngay trung tâm TP.Biên Hòa nhưng may mắn người dân, chính quyền địa phương kịp thời khống chế bước đầu (trước khi xe chữa cháy đến), không để phát sinh cháy lan sang các hộ liền kề. Nguyên nhân ban đầu được xác định do sự cố về điện.

Với các cơ sở trong KCN, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh lưu ý phải liên tục tự rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, thiếu sót trong PCCC; đặc biệt là cần bố trí, sắp xếp hàng hóa, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu… trong nhà xưởng và nhà kho đảm bảo an toàn PCCC theo đúng quy định, từ đó kéo giảm nguy cơ cháy lan.

Đặc biệt, các sự cố cháy từ việc đốt cỏ rác vẫn diễn ra nhiều, đáng báo động. Đơn cử, chiều tối 16-3, tại P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) xảy ra đám cháy bãi cỏ hơn 500m2 trong một kho phế liệu. Công an TP.Biên Hòa đã phối hợp với Trường đại học PCCC cơ sở 3 (đóng tại P.Tam Phước) dập tắt kịp thời, không để lan sang các công trình gần đó.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, tình hình mùa khô năm 2023 còn diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra cháy cao, trong đó nguy cơ cháy rừng đáng báo động. Do vậy, cần đề cao cảnh giác, chủ động mọi tình huống để công tác PCCC rừng tiếp tục được đảm bảo.

Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) Hoàng Đình Long cho biết, đơn vị được giao quản lý hơn 10,3 ngàn ha rừng (hơn 10 ngàn ha thuộc địa phận H.Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và hơn 300ha thuộc địa phận các huyện: Tánh Linh và Hàm Tân của tỉnh Bình Thuận). Vào mùa khô, lá cây rừng rụng nhiều khiến tầng thảm mục trên bề mặt đất rừng rất dày. Hơn nữa, người dân hoạt động trong rừng để thu hoạch nông sản, dọn dẹp thực bì chuẩn bị vụ mùa tới diễn ra rất nhộn nhịp, phức tạp và dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.

Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (H.Vĩnh Cửu) được giao quản lý, bảo vệ trên 100 ngàn ha rừng và hồ Trị An. Địa bàn rộng và trải dài, giao thông đi lại khó khăn, cuộc sống người dân ở trong và ven Khu bảo tồn còn khó khăn. Thời gian qua, có tình trạng người dân lén lút xâm nhập vào rừng, lợi dụng thời gian cao điểm lực lượng kiểm lâm tập trung cho phòng, chống cháy để xâm nhập vào rừng săn bắn động vật hoang dã, khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng gặp nhiều áp lực.

* Nguy cơ cháy rình rập

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh nhận định, trên toàn tỉnh hiện có gần 44,5 ngàn cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC (trong đó có hơn 5,4 ngàn cơ sở thuộc diện quản lý của lực lượng công an; 39 ngàn cơ sở thuộc diện quản lý của UBND cấp xã). Trong đó, nhiều cơ sở là các nhà liền kề, nằm san sát nhau, trong thời điểm mùa khô hiện nay, các nhà trên tiêu thụ lượng điện lớn để sử dụng các thiết bị làm mát dễ dẫn đến chập điện hoặc thu gom các loại cỏ rác để đốt, thiếu kiểm soát dẫn đến cháy lớn. Do đó, thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC toàn tỉnh đã tăng cường ứng trực chữa cháy, tuyên truyền sâu rộng các biện pháp thực tế đảm bảo PCCC với các khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư.

Đặc biệt, công an các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền hướng đến lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, các đội PCCC tại chỗ trong các KCN, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó nâng cao hiệu quả của việc xử lý bước đầu các vụ cháy, đám cháy, hạn chế phát sinh cháy lan, cháy lớn.

Đại tá Trần Anh Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh, để tiếp tục đảm bảo an toàn PCCC với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư, lực lượng công an cần phối hợp kiểm tra, rà soát, nắm tình hình thực tế đối với các cơ sở xây dựng không đúng quy hoạch mục đích sử dụng đất, các cơ sở chưa nghiệm thu PCCC đã đi vào hoạt động, các chợ, công trình xây dựng đi vào hoạt động trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC. Từ đó, đề xuất UBND các cấp có biện pháp xử lý dứt điểm đối với các cơ sở nêu trên. Đặc biệt, tiếp tục duy trì thực hiện, nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và mô hình Điểm chữa cháy công cộng để củng cố công tác phòng cháy ngay từ cơ sở.

Với trách nhiệm bảo vệ rừng mùa khô, các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện kế hoạch tác nghiệp, phương án tác chiến PCCC rừng. Cụ thể, bố trí lực lượng trực, tuần tra, kiểm tra canh phòng lửa trong rừng được thực hiện ngay từ đầu mùa khô kết hợp với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tại các phân trường đều bố trí người trực chòi canh, đồng thời với bố trí lực lượng tiểu khu, nhân viên bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra mặt đất để kiểm soát người ra vào rừng.

Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú) Nguyễn Thanh Long cho hay, ngoài tổ chức lực lượng trực cháy 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao, hoàn thành các hạng mục phát dọn, thiết bị phòng chống cháy, đơn vị còn tăng cường ứng dụng công nghệ để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng. Trong đó, sử dụng flycam có thể giúp cho lực lượng kiểm lâm kiểm soát được lửa trong rừng, phát hiện các hành vi vi phạm.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT còn có bộ phận thường xuyên theo dõi cảnh báo nguy cơ cháy rừng để cập nhật tình hình diễn biến PCCC của các chủ rừng gửi lên hàng ngày, hàng tuần. Qua đó, giúp lãnh đạo Sở nắm bắt thông tin và có sự chị đạo kịp thời, hiệu quả. 

Phó giám đốc Sở NN-PTNT LÊ VĂN GỌI: Chú trọng PCCC rừng

Hiện Đồng Nai có khoảng 200 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp. Ngoài bảo vệ rừng, công tác PCCC rừng cũng được đặt lên hàng đầu nên các đơn vị chủ rừng tại Đồng Nai rất chủ động trong công tác này.

Vào mùa khô hàng năm, các đơn vị chủ rừng đã chủ động lập các phương án PCCC rừng và được Sở NN-PTNT giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh thẩm định các phương án này. Trên cơ sở phương án đã được phê duyệt, các chủ rừng sẽ triển khai lực lượng làm các việc từ công tác tổ chức, trang bị các dụng cụ, thiết bị, công trình cho đến công tác tuần tra, chốt trực PCCC rừng.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa NGUYỄN NGỌC LIÊN: Củng cố các đội PCCC tại chỗ

Ban chỉ đạo PCCC các cấp của TP.Biên Hòa cần thường xuyên củng cố, kiện toàn các đội phòng PCCC trong các cơ quan, DN và phường, xã; hướng dẫn, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng chữa cháy tại chỗ sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, tăng cường công tác thường trực, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, đảm bảo xử lý kịp thời các sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra trên địa bàn thành phố. Minh Thành - An Nhân (ghi)

Đăng Tùng - Thành Nhân

Tin xem nhiều