Vụ xe đưa rước học sinh va chạm khiến một học sinh lớp 3 Trường tiểu học Hà Huy Giáp (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) tử vong đã làm dấy lên những lo ngại về việc quản lý các xe ô tô đưa rước học sinh.
Vụ xe đưa rước học sinh va chạm khiến một học sinh lớp 3 Trường tiểu học Hà Huy Giáp (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) tử vong đã làm dấy lên những lo ngại về việc quản lý các xe ô tô đưa rước học sinh.
Lực lượng thanh tra giao thông (Sở GT-VT) kiểm tra xe đưa rước học sinh tại TP.Biên Hòa trong năm học 2022-2023. Ảnh: T.Nhân |
Ngày 14-2, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã tổ chức họp thống nhất các biện pháp đảm bảo ATGT xe đưa rước học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các giải pháp nâng cao trách nhiệm nhà trường và kiểm soát chặt hoạt động đưa rước học sinh.
* Còn nhiều băn khoăn
Theo thống kê của Sở GT-VT và ngành GD-ĐT các địa phương, năm học 2022-2023, có 907 xe ô tô tham gia đưa rước học sinh trên toàn tỉnh. Riêng TP.Biên Hòa hiện có 100 ngàn học sinh tiểu học, trong đó có 46 ngàn em được phụ huynh gửi nhà giáo viên buổi trưa (số học sinh có nhu cầu đi xe đưa rước là 36 ngàn), hiện có 2 ngàn giáo viên ký hợp đồng với các nhà xe.
Với nhu cầu đi lại bằng xe đưa rước học sinh rất cao nhưng phần nhiều các xe hiện nay gần như không có phụ xe đi cùng, chỉ một số ít trường bố trí giáo viên, quản sinh đi kèm theo xe. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là khi học sinh hiếu động có thể mở cửa sổ xe thò đầu, tay ra ngoài hoặc chạy giỡn bên trong xe...
Bên cạnh việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ xe đưa rước học sinh, Giám đốc Sở GT-VT, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh Lê Quang Bình còn đề nghị lực lượng công an tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đưa rước học sinh bằng xe máy không bảo đảm ATGT như: chở quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm; đi ngược chiều; sai làn đường, phần đường… |
Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện (Sở GT-VT) Lê Văn Đức cho hay, thực tế hiện nay về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô được quy định tại Điều 13 Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô lại không yêu cầu đối với xe kinh doanh vận tải hành khách trên 30 chỗ (cả chỗ ngồi, chỗ đứng và giường nằm) phải có nhân viên phục vụ trên xe. Do đó, việc có phụ xe hay không lại phụ thuộc vào thỏa thuận bên trong hợp đồng giữa các bên. Việc này từ phía phụ huynh, giáo viên, nhà trường cần chú ý đưa vào ràng buộc khi ký hợp đồng.
Bên cạnh đó, tại một số trường học trên quốc lộ, đường tỉnh lại không có không gian an toàn cho học sinh qua đường (lượng xe lưu thông rất đông); một số trường tại đô thị lại không bố trí được khu vực cho xe dừng, đậu trước cổng trường. Việc này không chỉ gây mất an toàn mà còn gây ùn tắc giao thông.
Trung tá Võ Ngọc Vương, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cũng chỉ rõ, hiện tại một số khu vực trường học còn có tình trạng xe đưa rước học sinh chạy lên vỉa hè để đưa đón học sinh như: Trường tiểu học Hà Huy Giáp, Trường tiểu học Trảng Dài, Trường THCS Trường Sa (đều thuộc P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa). Một số trường như: Trường tiểu học Nguyễn Du (P.Quyết Thắng), Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức và Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) không có chỗ dừng, đậu xe khiến phụ huynh đứng tràn ra đường, mất an toàn.
Một xe đưa rước học sinh dừng ngay giữa giao lộ Nguyễn Ái Quốc - Lê Thoa (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) và thản nhiên để học sinh bước từ trên xe xuống, rất nguy hiểm. Ảnh: Đ.TÙNG |
Mặt khác, lãnh đạo Công an H.Long Thành cũng bày tỏ lo ngại tình trạng các xe đưa rước học sinh “chạy show” khi vội vàng đưa tốp học sinh này tới trường rồi đi rước nhóm học sinh khác cho kịp giờ, dẫn tới chạy ẩu.
* Gắn trách nhiệm với nhà trường
Trên thực tế, ngay từ đầu năm học 2022-2023, cả Sở GT-VT và Sở GD-ĐT đã ban hành nhiều kế hoạch, đôn đốc các trường, các ngành chức năng địa phương rà soát, kiểm tra các hợp đồng, xử lý xe/nhà xe đưa rước học sinh vi phạm. Bên cạnh đó, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện (Sở GT-VT) cũng cho hay, ngay đầu năm học đã cung cấp danh sách các HTX, doanh nghiệp vận tải, nhà xe cho nhà trường. Đồng thời, tiếp nhận hợp đồng, biển số xe để rà soát điều kiện hoạt động, phản hồi thông tin cho các trường, đề nghị các trường kiểm tra chấm dứt hợp đồng với các nhà xe vi phạm, các xe hết niên hạn sử dụng.
Để ngăn chặn các sự việc đau lòng như tại Trường tiểu học Hà Huy Giáp có thể tái diễn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh đã lưu ý Phòng GD-ĐT các địa phương phải chỉ đạo các trường cần chú ý quản lý xe đưa rước học sinh. Đặc biệt, phải ràng buộc điều khoản có phụ xe trong hợp đồng, hoặc cử giáo viên đi kèm xe, nhất là ở các địa phương như: Biên Hòa, Trảng Bom - nơi học sinh có nhu cầu đi lại bằng xe đưa rước lớn.
Đội Thanh tra giao thông số 3 (Thanh tra Sở GT-VT) tiến hành kiểm tra xe đưa đón học sinh tại khu vực cổng Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa). Ảnh: Thành Nhân |
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa kiến nghị, nếu quy định cho phép, Công an TP.Biên Hòa có thể chỉ đạo công an các xã, phường hỗ trợ các trường học trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của xe đưa rước học sinh. Bên cạnh đó, các trường phải thường xuyên tuyên truyền cho học sinh, giáo viên các quy định về ATGT đường bộ, nhất là việc lên xuống xe an toàn.
Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom Nguyễn Văn Hoàng Long cho biết, H.Trảng Bom có nhiều trường học nằm dọc các tuyến quốc lộ, đường tỉnh đông đúc, việc đưa rước học sinh ngoài các loại xe cá nhân hiện có 99 xe đưa rước học sinh đang hoạt động trên toàn huyện. Thời gian qua, để đảm bảo ATGT khu vực cổng trường, Phòng GD-ĐT H.Trảng Bom đã phối hợp thực hiện mô hình Cổng trường ATGT tại 30 trường. Mỗi ngày, vào lúc học sinh đến lớp/ra về, đoàn viên, dân quân địa phương cùng giáo viên ở trường sẽ luân phiên nhau trực tại cổng trường để nhắc nhở, hướng dẫn giao thông cho học sinh, phụ huynh.
Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Não Thiên Anh Minh: Nghiên cứu ban hành quy trình hoạt động của xe đưa rước học sinh
Tôi đã kiến nghị Sở GT-VT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng quy trình chung thống nhất, hướng dẫn các trường thực hiện việc đưa rước học sinh bằng xe ô tô. Ban ATGT tỉnh sẽ khảo sát, tổ chức cắm biển dừng, đậu cho xe đưa rước học sinh trước các cổng trường. Đồng thời, tham mưu tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho người lái xe và người phục vụ trên xe đưa rước học sinh. Để đảm bảo an toàn hơn, công an các huyện, thành phố cần chỉ đạo công an các xã, phường, thị trấn hỗ trợ học sinh đi bộ băng qua đường sau giờ tan học.
Chị Trần Thanh Thảo (người dân P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa): Bố trí khu vực đậu xe cho phụ huynh
Hiện nay, nhiều trường học tại TP.Biên Hòa có cổng trường nằm sát đường, khoảng không gian trên vỉa hè rất hẹp. Do đó, phụ huynh khi chờ đón con phải đứng tràn ra lòng đường, thậm chí chen chúc với các loại xe ô tô, rất nguy hiểm.
Tôi cho rằng, cơ quan chức năng các địa phương cần có phương án bố trí nơi dừng, đậu xe cho phụ huynh. Có thể cho phép phụ huynh đi xe máy vào đậu trong sân trường, hạn chế nguy cơ va chạm với các loại xe ô tô, giảm bớt ùn tắc trước cổng trường.
Minh Thành (ghi)
Đăng Tùng