Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong trường học mới đây lại dấy lên những lo ngại sau vụ hàng trăm học sinh Trường Ischool Nha Trang (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tại trường, trong đó có 1 em tử vong.
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong trường học mới đây lại dấy lên những lo ngại sau vụ hàng trăm học sinh Trường Ischool Nha Trang (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tại trường, trong đó có 1 em tử vong.
Học sinh Trường tiểu học Kim Đồng (P.Xuân An, TP.Long Khánh) được phục vụ suất ăn tại trường vào buổi trưa . Ảnh: C.NGHĨA |
Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc về ngộ độc thực phẩm trong trường học trên địa bàn tỉnh, Sở GD-ĐT đã quán triệt đến các trường THPT thuộc Sở và các phòng GD-ĐT tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo ATVSTP trong trường học. Từng khâu trong cung cấp, chế biến và phục vụ bữa ăn cho học sinh phải chặt chẽ theo đúng quy định.
Cẩn trọng trong việc tìm nơi cung cấp thực phẩm
Đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, nhiều cơ sở giáo dục đã triển khai dịch vụ bán trú, học sinh được ăn bữa sáng, bữa trưa tại trường. Bữa ăn có thể được chế biến ngay tại bếp ăn của trường, do nhà trường tự tổ chức hoặc hợp đồng với công ty thực phẩm chế biến sẵn rồi đưa đến phục vụ cho học sinh tại trường. Tuy nhiên, phần lớn các trường, nhất là các trường TH-THCS-THPT công lập đều chọn hình thức hợp đồng với doanh nghiệp chế biến thực phẩm do không có bếp ăn.
Kiểm soát chặt chẽ thực phẩm cung cấp cho trường học Ngày 21-11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT NGÔ THỊ MINH thay mặt Bộ trưởng GD-ĐT đã ký Công văn 6141/BGDĐT-GDTC về tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm ATVSTP trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Nghiêm cấm, không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học. |
Theo hiệu trưởng một số cơ sở giáo dục đang tổ chức phục vụ bữa ăn bán trú tại trường, việc đầu tư bếp ăn bán trú là không dễ dàng, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết là những khó khăn về mặt bằng, do trường học được thiết kế xây dựng ngay từ ban đầu đã không có bếp ăn dành cho học sinh. Việc đầu tư cơ sở vật chất bếp ăn phục vụ chế biến thực phẩm đòi hỏi số tiền không nhỏ để mua sắm bếp công nghiệp, dụng cụ chế biến, tủ đông, tủ mát bảo quản thực phẩm... Việc tuyển dụng đầu bếp và nhân viên cấp dưỡng cũng làm phát sinh thêm chi phí và công tác quản lý. Bên cạnh đó, những vấn đề đặt ra trong công tác phòng cháy, chữa cháy cần được đầu tư nhiều hơn nếu như vận hành hệ thống bếp ăn trường học.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Tiến (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) Đào Thị Kim Phượng cho biết, nhiều phụ huynh mong muốn cho con em mình được bán trú tại trường nên nhiều năm nay nhà trường đã tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh. Điều này mang lại nhiều thuận tiện cho phụ huynh khi giảm thời gian đưa rước, học sinh cũng có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi sau buổi học sáng và chuẩn bị buổi học chiều. Thuận tiện cho phụ huynh, tốt cho học sinh nhưng những áp lực và vất vả cho thầy cô thì nhiều hơn. Một trong những yêu cầu được đặt lên hàng đầu là phải tìm được đối tác cung cấp suất ăn đảm bảo chất lượng, vệ sinh thực phẩm, bởi chỉ cần một chút lơ là thì rủi ro rất lớn với sức khỏe học sinh.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) Hoàng Thị Ngọc cho biết, nhà trường đang triển khai bán trú, học sinh được học 2 buổi/ngày, nhiều học sinh được ăn bữa trưa ngay tại trường. Tuy nhiên, ngay từ khi xây dựng, trường đã không có bếp ăn, do đó hiện nay nhà trường hợp đồng cung cấp bữa ăn với một công ty cung cấp thực phẩm. Hằng ngày, nhà trường đều lấy mẫu thức ăn của học sinh để lưu mẫu trong tủ lạnh theo quy định. Nói về áp lực của ban giám hiệu trong đảm bảo ATVSTP cho học sinh, Hiệu trưởng Hoàng Thị Ngọc cho biết: “Hiểu được những nguy cơ về ATVSTP nên nhà trường rất khắt khe trong việc tìm nhà cung cấp thực phẩm. Các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn gốc thực phẩm chế biến rõ ràng và phải có giấy chứng nhận ATVSTP của cơ quan quản lý nhà nước”.
Cần ngăn ngừa từ xa
Trường mầm non tư thục Thái Quang (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) do Công ty CP TKG Taekwang Vina đầu tư chuyên phục vụ trẻ em là con công nhân. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề ATVSTP nên ngay từ đầu trường đã được đầu tư bếp ăn công nghiệp hiện đại, có đầy đủ các loại tủ bảo quản thực phẩm và quy trình nghiêm ngặt về ATVSTP. Đầu bếp và nhân viên cấp dưỡng của trường phần lớn có kiến thức về dinh dưỡng và kinh nghiệm chế biến thức ăn. Ban giám hiệu nhà trường cho biết, tất cả nguồn thực phẩm đầu vào đều được nhà trường kiểm soát chặt. Các đối tác cung cấp phải là nhà sản xuất thực phẩm lớn, có uy tín và phải được cấp phép đủ điều kiện về ATVSTP. Nhà trường cũng tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ với những người làm công việc cấp dưỡng.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng (P.Xuân An, TP.Long Khánh) Lê Thị Phương Thùy: Khi thiết kế trường học cần tính toán có bếp ăn Khó khăn của các trường nói chung hiện nay là không có công trình phụ trợ bếp ăn học sinh, dẫn đến trường muốn tự tổ chức nấu ăn phục vụ học sinh cũng không được. Do đó, khi thiết kế trường học cần tính toán có bếp ăn cho học sinh một cách hoàn thiện. Nếu trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất thì chắc chắn chất lượng bữa ăn và ATVSTP sẽ được đảm bảo hơn. |
Trưởng phòng GD-ĐT H.Long Thành Nguyễn Văn Toàn cho rằng, sẽ phải trả giá đắt cho sức khỏe của học sinh nếu không đảm bảo tốt vấn đề ATVSTP. Những nguy cơ này không chỉ có trong các bữa ăn trưa của học sinh ở trường mà còn xuất phát từ các mặt hàng thực phẩm bày bán trong các căn tin ngay tại trường học, các cửa hàng tạp hóa, gánh hàng rong…
Theo ông Toàn, phải siết chặt các tiêu chuẩn về ATVSTP đối với tất cả các đối tác cung cấp bữa ăn và nguồn thực phẩm cho nhà trường. Với các căn tin trong trường học, phải cam kết với nhà trường không được bày bán các thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm đã hết hạn sử dụng…
Ngoài các cơ sở giáo dục đã được cấp phép hoạt động, việc quản lý ATVSTP ở các nhà trẻ, nhóm trẻ quy mô nhỏ trong các khu dân cư cũng đang là những vấn đề khá nan giải. Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ của nhiều nhà trẻ, nhóm trẻ hiện nay đang cạnh tranh thu hút phụ huynh là công nhân gửi trẻ với mức phí thấp, nếu đầu tư cơ sở vật chất tốt và các điều kiện về ATVSTP theo tiêu chuẩn sẽ không có lãi. Bên cạnh đó, kiến thức về dinh dưỡng và ATVSTP của các chủ nhà trẻ, nhóm trẻ cũng có những điều đáng lo ngại. Để giảm chi phí đầu vào và có lãi, không loại trừ việc chủ cơ sở nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình sẽ tận dụng nguồn thực phẩm giá rẻ, kém chất lượng để phục vụ bữa ăn cho trẻ em. Điều này cũng dẫn đến những nguy cơ tiềm tàng với sức khỏe của trẻ.
Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) Trương Thủy Ngân cho biết, thời gian qua, phòng đã chủ động phối hợp với các phòng GD-ĐT địa phương tăng cường công tác kiểm tra vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục mầm non, đối tượng dễ bị ảnh hưởng sức khỏe nếu không thực hiện tốt vấn đề ATVSTP. Với những nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu không đảm bảo về cơ sở vật chất, vệ sinh và ATVSTP thì phải kiến nghị với địa phương để đình chỉ hoạt động. Bên cạnh đó, định kỳ trong năm học, Sở cũng tiến hành phối hợp với các chuyên gia dinh dưỡng và ATVSTP tập huấn cho hiệu trưởng các cơ sở giáo dục, chủ các nhà trẻ, nhóm trẻ về kiến thức dinh dưỡng và đảm bảo ATVSTP.
Công Nghĩa