Ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Nai đã được đầu tư trên 1,6 ngàn tỷ đồng xây dựng trường lớp, mua sắm đồ dùng dạy học cho năm học 2022-2023. Đây chính là động lực giúp toàn ngành tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, đặc biệt là thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Nai đã được đầu tư trên 1,6 ngàn tỷ đồng xây dựng trường lớp, mua sắm đồ dùng dạy học cho năm học 2022-2023. Đây chính là động lực giúp toàn ngành tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, đặc biệt là thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cô và trò Trường mầm non Xuân Thành (xã Xuân Thành, H.Xuân Lộc) đã sẵn sàng cho năm học mới. Ảnh: C.Nghĩa |
Năm học 2022-2023, cô và trò Trường mầm non Xuân Hòa (xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc) đón niềm vui lớn khi chuyển đến học tập ở cơ sở mới khang trang với diện tích lên tới 8,5 ngàn m2, tổng số vốn đầu tư lên đến 35 tỷ đồng.
* An tâm vào năm học mới
Trường mầm non Xuân Hòa có kiến trúc 1 tầng trệt, 1 tầng lầu với quy mô 20 phòng học. Ngoài ra, còn có 4 phòng chức năng như mỹ thuật, âm nhạc, y tế và khu nhà hiệu bộ.
Cô Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Cô và trò nhà trường rất phấn khởi khi được chuyển về ngôi trường mới với cơ ngơi khang trang, thoáng mát và sạch đẹp. Đây chính là niềm mong ước từ lâu, vì vậy cô và trò đều rất mong chờ ngày khai giảng đến nhanh hơn để bắt đầu buổi học đầu tiên của năm mới”.
Chị Vũ Thị Ngân, làm việc tại Khu công nghiệp Xuân Lộc, có con sắp vào lớp mầm tại Trường mầm non Xuân Hòa cho hay: “Nhờ được Nhà nước quan tâm nên trường lớp của xã đều khang trang, sạch đẹp, được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Nếu so với thời chúng tôi đi học thì nay đã phát triển vượt bậc, vì vậy phụ huynh rất yên tâm gửi con đến trường để đi làm”.
Tiếp tục đầu tư trường học tiên tiến cho năm học mới Dự án Xây dựng trường học tiên tiến giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua, đồng thời giao cho Sở GD-ĐT tham mưu thực hiện. Theo đó, Sở đã đăng ký nhu cầu sử dụng vốn đầu tư công năm 2022 với kinh phí trên 100 tỷ đồng, được dùng vào việc mua sắm đồ dùng dạy học phục vụ dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trang bị phòng máy tính, thí điểm dạy học STEM robotics cho 6 trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. |
Trưởng phòng GD-ĐT H.Xuân Lộc Thân Anh Thiết cho biết, năm học mới này, ngoài Trường mầm non Xuân Hòa được đầu tư xây mới, huyện còn đưa vào sử dụng bổ sung 34 phòng học mới với số tiền trên 10 tỷ đồng, đồng thời chuẩn bị khởi công 9 công trình trường học mới với tổng số vốn dự kiến 71 tỷ đồng ngay trong năm học này.
Là một huyện có dân số cơ học tăng nhanh, tốc độ đô thị hóa cao nên nhu cầu trường lớp của H.Nhơn Trạch hằng năm là khá lớn.
Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Nhơn Trạch Nguyễn Bảo Nam cho biết, mỗi năm huyện tăng thêm khoảng 2 ngàn học sinh. Vì vậy, huyện đặc biệt ưu tiên cho những địa phương phát triển nóng về công nghiệp như: TT.Hiệp Phước và các xã: Long Thọ, Phú Hội, Phước Thiền để xây dựng cơ sở vật chất trường học.
Chỉ tính riêng năm học mới này, H.Nhơn Trạch đã xây dựng cơ sở 2 cho Trường mầm non Long Thọ và Trường mầm non Phú Hội với quy mô mỗi cơ sở từ 8-10 phòng học. Điều này giúp phụ huynh không phải đi quá xa đến trung tâm xã gửi trẻ. Dịp khai giảng năm học mới, huyện còn có thêm 4 trường được đón nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường công lập đạt chuẩn quốc gia lên 41/43 trường, đạt tỷ lệ 95%. H.Nhơn Trạch là một trong những địa phương có trường chuẩn quốc gia cao nhất tỉnh.
Cô và trò Trường mầm non Xuân Thành (xã Xuân Thành, H.Xuân Lộc) đã sẵn sàng cho năm học mới. Ảnh: C.Nghĩa |
Anh Huỳnh Ngọc Thắng, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Hwaseung Vina (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, H.Nhơn Trạch) chia sẻ, vợ chồng anh đều làm công nhân, thu nhập và đời sống còn nhiều khó khăn nhưng chuyện học hành của 2 con anh không quá “nặng gánh” vì các con đều được học ở trường công lập.
“Chuyện học của các con bớt áp lực nên vợ chồng tôi cũng dành ra được chút tiền tích góp mua mảnh đất xây nhà” - anh Thắng bộc bạch.
* Trường vùng xa không thiệt thòi
Đắc Lua (H.Tân Phú) là một trong những xã vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh, nhưng nhờ được tỉnh và huyện quan tâm đầu tư nên học sinh của xã không bị thiệt thòi.
Chị Nguyễn Thị Hội, công chức văn hóa xã Đắc Lua cho biết trong 3 trường của xã, Trường THCS-THPT Đắc Lua được công nhận trường chuẩn quốc gia, 2 trường còn lại đang tiếp tục phấn đấu. Trong đó, Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc đã xây mới hoàn toàn từ 3 năm trở về trước, đang khai thác và sử dụng hiệu quả.
Địa bàn xã Đắc Lua khá rộng nên để thuận tiện cho phụ huynh đưa rước con em đến trường, H.Tân Phú đang tiếp tục xây dựng thêm cơ sở cho 1 trường mầm non và 1 trường tiểu học. Trong đó, Trường mầm non Đắc Lua đang xây dựng cơ sở 1 cách trung tâm xã khoảng 3km, còn cơ sở 2 cách trung tâm xã 10km. Tương tự, Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cũng đang xây dựng cơ sở 2 cách trung tâm xã khoảng 18km, cơ sở 3 cách trung tâm xã khoảng 7km.
Bí thư Đảng ủy xã Đắc Lua Nguyễn Thành Truyên cho biết, đời sống của người dân trong xã ngày một khấm khá nên chuyện học hành của con em vì thế được quan tâm hơn. Một nhân tố quan trọng là hệ thống trường lớp từng bước đầu tư khang trang, tiện nghi không thua kém so với các trường ở trung tâm huyện. Xã cũng đang tranh thủ nguồn lực đầu tư của Nhà nước để xây dựng thêm cơ sở cho trường mầm non, tiểu học ở một số khu vực, nhất là vùng giáp với tỉnh Bình Phước, để học sinh và phụ huynh hằng ngày bớt phải đi lại khó khăn.
Thanh Sơn là xã xa nhất H.Định Quán nhưng lại là xã có đầy đủ các cấp học từ mầm non đến THPT. Hiện các trường học trên địa bàn xã Thanh Sơn đều đã kiên cố hóa khang trang. Năm học này, đường giao thông bê tông hóa, nhựa hóa, tạo thuận lợi trong đi lại nên một số trường đã giảm bớt điểm lẻ, tập trung về điểm chính, từ đó quản lý tốt hơn, chất lượng dạy và học nâng lên.
Trước thềm năm học mới 2022-2023 đang đến gần, Hiệu trưởng Trường tiểu học Liên Sơn (xã Thanh Sơn) Nguyễn Văn Lăng phấn khởi chia sẻ: “Hơn 10 năm về trước, nhà trường có biệt hiệu “trường 3 không”: không điện, không nước, không nhà vệ sinh, còn hiện tại mọi thứ đều đã có, thậm chí nhờ internet phát triển mà ngày nay, trường đã ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học khá tốt. Dù còn khó khăn nhưng chúng tôi sẽ quyết tâm để không tạo ra khoảng cách quá xa so với các khu vực khác”.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho hay, các địa phương vùng sâu, vùng xa, huyện miền núi tuy có những khó khăn nhất định nhưng cũng có nhiều lợi thế, cộng thêm với các chính sách quan tâm của tỉnh. Chính vì vậy, nhiều địa phương hiện đã có mạng lưới trường lớp khá ổn định, không có tình trạng quá tải về trường lớp. Thậm chí, chính những địa phương này đang là điểm sáng về xây dựng trường lớp nhờ những yếu tố thuận lợi, chẳng hạn có quỹ đất rộng, áp lực dân số thấp, nguồn lực đầu tư lớn từ tỉnh và địa phương.
Công Nghĩa