Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp nào để quản lý, khai thác đất công hiệu quả?

02:08, 29/08/2022

Theo thông tin trong Quyết định phê duyệt phương án quản lý và khai thác sử dụng quỹ đất công trên địa bàn tỉnh vào tháng 8-2018, Đồng Nai có gần 29,1 ngàn thửa đất công, với tổng diện tích trên 13,1 ngàn ha đang được quản lý, sử dụng. Để tránh thất thoát đất công, Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp siết chặt công tác quản lý.

Theo thông tin trong Quyết định phê duyệt phương án quản lý và khai thác sử dụng quỹ đất công trên địa bàn tỉnh vào tháng 8-2018, Đồng Nai có gần 29,1 ngàn thửa đất công, với tổng diện tích trên 13,1 ngàn ha đang được quản lý, sử dụng. Để tránh thất thoát đất công, Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp siết chặt công tác quản lý.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (bìa trái) đi kiểm tra đất công H.Nhơn Trạch
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (bìa trái) đi kiểm tra đất công H.Nhơn Trạch. Ảnh: H.GIANG

Quỹ đất công trên có hơn 15,3 ngàn thửa đất nông nghiệp và gần 13,7 ngàn thửa đất phi nông nghiệp. Trong đất phi nông nghiệp gồm có đất ở; đất trụ sở cơ quan; đất công trình sự nghiệp; đất sản xuất kinh doanh; đất có mục đích công cộng; đất kênh ngòi, sông, rạch; đất chuyên dùng… Những địa phương có nhiều đất công là các huyện Định Quán, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Long Thành và TP.Biên Hòa.

Cắm mốc, cấp giấy chứng nhận

Thời gian qua, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở TN-MT phối hợp với các đơn vị, địa phương để tiến hành cắm mốc các thửa đất công và rà soát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Như vậy, công tác quản lý sẽ chặt chẽ, rõ ràng hơn và tránh được tình trạng tranh chấp, lấn chiếm gây thất thoát đất công.

Theo UBND tỉnh, tính đến nay, tỉnh đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý khai thác hơn 1,1 ngàn thửa đất công, có diện tích gần 750ha. Trong đó, hơn 380ha sử dụng vào mục đích nông nghiệp và gần 370ha sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp.

Qua rà soát của các địa phương đến năm 2018, cấp xã đang trực tiếp quản lý, sử dụng hơn 5,7 ngàn thửa; gần 20,4 ngàn thửa do các tổ chức, hộ gia đình sử dung; cho thuê mượn gần 1,6 ngàn thửa; lấn chiếm, tranh chấp gần 1,4 ngàn thửa. Từ đó đến nay, tỉnh tiếp tục yêu cầu các địa phương kiểm tra về nguồn gốc đất công để có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và diện tích đất công có biến động. Trong đó, có huyện, thành phố đề xuất bổ sung thêm hoặc loại bỏ bớt số thửa đất công.

Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Cao Tài cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện còn hơn 1 ngàn thửa đất công, giảm gần 40 thửa so với trước đây. Nguyên nhân là do đo đạc nhập thửa, nằm trong dự án thu hồi đất và một số thửa đất đã đưa ra đấu giá để thêm nguồn vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật của tỉnh, huyện. H.Vĩnh Cửu đã tiến hành cắm mốc với các thửa đất và đang hoàn tất hồ sơ để cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhằm đảm bảo cho công tác quản lý không bị tranh chấp, lấn chiếm”.

Về đo đạc, cắm mốc, xác định ranh giới đất thì trên địa bàn Đồng Nai có gần 4,3 ngàn thửa đất công cần phải cắm mốc, hiện các địa phương đã cơ bản hoàn thành. Bên cạnh đó, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và Trung tâm Kỹ thuật TN-MT đã bàn giao cho phòng TN-MT, UBND xã, phường, thị trấn để kê khai đăng ký đất đai để quản lý hoặc đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ đạt gần 45% số lượng theo yêu cầu.

Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh (Sở TN-MT) Lưu Thị Mai Hương chia sẻ, các thửa đất công giao cho UBND cấp xã  quản lý, sử dụng đã được thực hiện xuất hồ sơ kỹ thuật thửa đất (khu đất) hoặc trích lục, biên vẽ bản đồ địa chính. Nếu các thửa đất trên có ranh giới ổn định, rõ ràng, không tranh chấp, lấn chiếm, hiện trạng đang quản lý, sử dụng phù hợp với bản đồ địa chính, chưa được cấp ciấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì bàn giao cho địa phương kê khai đăng ký và cấp giấy chứng nhận.

Xử lý dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm

Từ năm 2017, các địa phương trong tỉnh đã tổng hợp được gần 1,4 ngàn thửa đất công bị tranh chấp, lấn chiếm nhưng đến nay chưa thửa đất nào xử lý xong để đưa vào khai thác, sử dụng. Các khu đất đang tranh chấp, lấn chiếm đa số có liên quan đến đất của các nông, lâm trường.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (giữa) đi kiểm tra đất công tại H.Vĩnh Cửu
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (giữa) đi kiểm tra đất công tại H.Vĩnh Cửu. Ảnh: H.GIANG

Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài khẳng định: “Các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất công trên địa bàn huyện chủ yếu khu vực giáp ranh đất nông, lâm trường, sông, suối đã xảy ra nhiều năm, rất khó giải quyết. Nguyên nhân là do trước đây, các nông, lâm trường không cắm mốc và quản lý lỏng lẻo dẫn đến nhiều hộ dân tranh chấp, lấn chiếm. UBND huyện đang rà soát lại nguồn gốc của từng thửa đất để có hướng giải quyết dứt điểm”.

Thực tế, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất công ở Đồng Nai đã tồn tại và kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được dứt điểm. Vì thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, các địa phương, đặc biệt cấp xã phải tăng cường công tác quản lý, rà soát từng trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất công để có phương pháp xử lý cho xong.

Ngoài ra, theo yêu cầu của UBND tỉnh các huyện, thành phố phải thông báo chấm dứt việc cho thuê, cho mượn đất công trước ngày 31-12-2019 và hoàn thành việc thu hồi lại đất, đề xuất việc khai thác sử dụng trước ngày 30-6-2020. Thế nhưng, kết quả các địa phương thực hiện việc chấm dứt cho thuê, mượn và thu hồi các thửa đất công còn rất thấp, không đảm bảo thời gian theo yêu cầu. Kết quả rà soát đến năm 2018, toàn tỉnh có gần 1.150 thửa đất với diện tích 760ha đang cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê và 412 thửa đất cho mượn có diện tích hơn 300ha.

Thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai, việc quản lý đất công tại một số địa phương chưa chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng lãng phí, thất thoát và một số cán bộ, người đứng đầu doanh nghiệp đã bị khởi tố, bắt giam. Bên cạnh đó, một số thửa đất công là “đất vàng” đã sử dụng sai mục đích hoặc khai thác chưa hiệu quả. Hiện giá đất tại Đồng Nai tăng cao nên việc quản lý không tốt sẽ rất dễ xảy ra tranh chấp, lấn chiếm.

Đồng Nai có diện tích đất công khá lớn và nằm ở tất cả các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh. Ngoài đất công do cấp xã, huyện, các sở ngành đang quản lý sử dụng thì nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng đang quản lý sử dụng nhiều diện tích đất công. Trong tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn việc tính toán phương án sử dụng, định giá đất công cũng được tỉnh rà soát kỹ lưỡng từng khâu để đảm bảo đúng quy định của pháp luật và khai thác đất công hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Hương Giang


Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh QUẢN MINH CƯỜNG:

Chú ý đến đất công trong cổ phần, thoái vốn

Trong cổ phần hóa, thoái vốn, các doanh nghiệp nhà nước phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và không được để xảy ra tình trạng biến đất công, tài sản của Nhà nước thành tài sản cá nhân. Đất công phải thu hồi để đấu giá có thêm nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật để tạo ra đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội hoặc dùng đất công thực hiện các công trình công cộng”. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI:

Các địa phương xử lý nhanh các tồn tại, hạn chế về quản lý và sử dụng đất công

Những năm qua, việc quản lý đất công tại nhiều địa phương còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng tranh chấp, lấn chiếm còn nhiều. Do đó, UBND các huyện, TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa xử lý nhanh các vấn đề còn tồn tại như: đo đạc để xác định diện tích khu đất, thửa đất, cắm mốc ranh giới khu đất, rà soát hiện trạng sử dụng đất để lập thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ giao đất để quản lý, xử lý tranh chấp đất đai, xử lý đất đã cho thuê cho mượn. Đồng thời, các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để xử lý các vấn đề còn tồn tại của đất công, xác định rõ công việc cần thực hiện, thời gian hoàn thành, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân.

Phó giám đốc Sở TN-MT TRẦN THẾ VINH:

Cho thuê đất công để tăng thu cho ngân sách

Diện tích đất công trên địa bàn tỉnh khá nhiều nên những khu đất chưa sử dụng có thể tiến hành cho thuê để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và khai thác hiệu quả của đất đai. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định của Nhà nước về cho thuê ngắn hạn với đất công nên nhiều địa phương, đơn vị đang quản lý đất công còn e ngại trong việc cho thuê.

Vừa qua, khi làm việc với tỉnh, kiểm toán nhà nước đã khuyến khích nên cho thuê đất công ngắn hạn. Do đó, các địa phương lập danh sách chi tiết các thửa đất công để quản lý, khai thác theo phương án sử dụng đất công. Với diện tích đất công chưa đưa ra đấu giá hoặc triển khai thực hiện các công trình, dự án nếu phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có thể cho thuê ngắn hạn.     

Uyển Nhi (ghi)


 

Tin xem nhiều