Trong 5 tháng đầu năm 2022, thu hút đầu tư trong nước của tỉnh chỉ bằng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn của doanh nghiệp (DN) đầu tư vào Đồng Nai giảm mạnh có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn do thủ tục và thiếu đất cho thuê.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, thu hút đầu tư trong nước của tỉnh chỉ bằng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn của doanh nghiệp (DN) đầu tư vào Đồng Nai giảm mạnh có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn do thủ tục và thiếu đất cho thuê.
Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào xây dựng nhà xưởng, máy móc để sản xuất quần áo xuất khẩu. Ảnh: H.GIANG |
Theo UBND tỉnh, 5 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư trong nước vào Đồng Nai là 11,6 ngàn tỷ đồng, nhưng năm nay chỉ đạt gần 390 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn đăng ký thành lập DN mới và điều chỉnh tăng vốn cũng chỉ bằng gần 60% so với cùng kỳ năm trước.
* Thủ tục, đất đai gây nghẽn dòng vốn đầu tư
Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai liên tục mời gọi DN đầu tư vào tỉnh ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: công nghiệp, nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, thương mại dịch vụ, logistics, bất động sản, du lịch. Tuy nhiên, số dự án được cấp phép đầu tư mới, bổ sung thêm vốn rất ít và nguồn vốn để thực hiện nhỏ, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh. Dòng vốn đầu tư của DN trong nước vào tỉnh thấp không phải vì môi trường đầu tư kém hấp dẫn mà do vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho hay: “Trong gần 6 tháng đầu năm 2022, nhiều DN trong nước đăng ký triển khai dự án tại Đồng Nai nhưng vì vướng các thủ tục liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng... nên DN chưa hoàn thiện xong hồ sơ để cấp phép đầu tư, dòng vốn để triển khai các dự án đạt thấp. Tỉnh đã tổng hợp những khó khăn để kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ để DN có thể hoàn thành thủ tục đầu tư”.
Cũng theo ông Hà, nếu những vướng mắc liên quan đến thủ tục được tháo gỡ nhanh, trong những tháng cuối năm dòng vốn của DN trong nước đầu tư vào tỉnh sẽ tăng cao.
Riêng 8 khu công nghiệp được quy hoạch mới và mở rộng trên địa bàn Đồng Nai, nếu thủ tục hoàn tất sớm sẽ thu hút được vài chục ngàn tỷ đồng của DN trong nước đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, khi hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh sẽ thu hút cả trăm ngàn tỷ đồng của DN thứ cấp thuê xây dựng nhà xưởng, sản xuất công nghiệp. |
Tại Đồng Nai, lĩnh vực nhiều DN Việt nhắm đến là hạ tầng kỹ thuật, bất động sản, logistics. Tỉnh cũng đã quy hoạch từng khu vực theo lợi thế của địa phương để DN lựa chọn đầu tư cho phù hợp.
Bên cạnh đó, nhiều DN bị ách tắc ở khâu đất đai nên dự án bị chậm lại, kế hoạch bổ sung vốn để thi công bị kéo dài ảnh hưởng chung đến cả DN lẫn tỉnh. Cụ thể, trong dự án có sử dụng đất lúa, đất rừng, các chủ đầu tư phải chuyển đổi và thời gian hoàn tất các thủ tục từ 2-3 năm. Cá biệt có những dự án chỉ riêng khâu chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải mất 4-5 năm. Nhiều DN vì phải chờ đợi lâu đã luân chuyển nguồn vốn đi thực hiện dự án ở các tỉnh, thành khác. Theo đó, Đồng Nai mất đi nhiều cơ hội trong thu hút dòng vốn trong nước.
Ông Lê Việt Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay: “Các dự án sử dụng đất rừng diện tích nhỏ do tỉnh quyết định, còn diện tích lớn thuộc thẩm quyền của trung ương. Để không ảnh hưởng đến diện tích rừng của địa phương, DN buộc phải tìm diện tích đất khác trồng rừng bù lại. Nếu chủ đầu tư không phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để hoàn tất thủ tục chuyển đổi dự án sẽ bị kéo dài và chậm lại”.
* Tháo gỡ nhanh để hút vốn lớn
Đồng Nai nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ phát triển nhanh nên nhiều chính sách về đất đai, quy hoạch, xây dựng không theo kịp với yêu cầu thực tế. Tỉnh đã có văn bản gửi Chính phủ đề xuất tháo gỡ những vướng mắc để khơi thông các dự án, đón dòng vốn của DN trong nước, nước ngoài vào phát triển kinh tế - xã hội. Riêng Luật Đất đai, Đồng Nai kiến nghị sửa đổi, bổ sung hơn 60 vấn đề vướng mắc. Ngoài ra, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương hỗ trợ DN rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, vừa qua, tỉnh đã tổ chức cuộc họp để nghe các DN phản ảnh những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất lúa, đất rừng và yêu cầu các sở, ngành có những giải đáp cụ thể xem vướng ở khâu nào. Nếu những vướng mắc thuộc thẩm quyền của tỉnh sẽ được giải quyết nhanh, còn liên quan đến trung ương sẽ được tổng hợp và kiến nghị Chính phủ sớm giải quyết, giúp DN triển khai dự án. Dự án thi công đúng tiến độ sẽ góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Sau đại dịch Covid-19, các tỉnh, thành đều tăng tốc trong xúc tiến đầu tư để thu hút dòng vốn vào các lĩnh vực, từng bước phục hồi nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Đồng Nai là nơi có nhiều tiềm năng và không ít DN sẵn sàng chi ra hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư các dự án lớn trên lĩnh vực bất động sản công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, nhà ở, cảng, thương mại dịch vụ... Vấn đề nằm ở việc làm sao để tháo gỡ những nút thắt trong đầu tư để DN có thể đưa vốn vào khởi công xây dựng dự án.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (TP.HCM) Đặng Thành Tâm chia sẻ: “Công ty chuyên phát triển mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ ở nhiều địa phương. Đồng Nai là nơi có nhiều lợi thế để triển khai các dự án theo mô hình của công ty nên công ty dự tính sẽ liên kết đầu tư vào tỉnh. Hiện nay, trong đầu tư, các DN mong muốn nhất là các bộ, ngành, địa phương giải quyết nhanh các hồ sơ thủ tục để dự án triển khai nhanh. Mới đây, công ty đã ký kết hợp tác với một số tập đoàn của Hàn Quốc để triển dự án ở các địa phương”.
Đồng Nai đã quy hoạch sử dụng đất cho hơn 2 ngàn dự án trong giai đoạn 2021-2030 và nhiều DN rất muốn đầu tư vào tỉnh. Do đó, các thủ tục về đầu tư được giải quyết nhanh, trong năm 2022 và những năm tới, tỉnh sẽ thu hút được hàng chục ngàn tỷ đồng của DN có vốn đầu tư trong nước.
Hương Giang
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT TRẦN DUY ĐÔNG:
Tháo gỡ nhanh vướng mắc, tăng tốc dự án
Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình hành động, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, DN trên cả nước cùng nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, tăng cường tự chủ về khoa học, công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Chính phủ khuyến khích DN có vốn đầu tư trong nước, nước ngoài triển khai các dự án trên các lĩnh vực.
Về phía Chính phủ, sẽ nhanh chóng kiện toàn các chính sách đầu tư để phát triển kinh tế một cách đột phá, bền vững dựa vào nền tảng công nghệ cao. TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… sở hữu nhiều lợi thế về địa lý, giao thông phát triển hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Đây cũng là những địa phương linh hoạt trong cải thiện môi trường đầu tư. Những vướng mắc đang “cầm chân” các nhà đầu tư sẽ được Bộ KH-ĐT tổng hợp kiến nghị Chính phủ giải quyết nhanh để triển khai các dự án, tăng tốc khôi phục kinh tế.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG:
Tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư
Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài của tỉnh trong gần 6 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là do các khu công nghiệp của Đồng Nai còn ít diện tích đất cho thuê. Các dự án trên lĩnh vực khác như: logistics, thương mại dịch vụ, du lịch… đang trong quá trình giải quyết hồ sơ. Vừa qua, tỉnh đã làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, các địa phương và các công ty hạ tầng khu công nghiệp để tìm giải pháp đẩy nhanh việc hoàn thành các thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng để kịp thời đầu tư mới, mở rộng các khu công nghiệp, có diện tích đất lớn cho DN thuê làm nhà máy, văn phòng hoạt động. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ kết nối hạ tầng giao thông ở những khu công nghiệp vùng xa còn nhiều đất, tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư và tạo môi trường thuận lợi để DN đầu tư vào tỉnh.
Khánh Minh (ghi)