Khi gặp phải một số trường hợp bị tai nạn, người dân ngoài việc la lớn để nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh cần biết cách sơ cấp cứu đúng cách
BS CKII Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ, khi gặp phải một số trường hợp bị tai nạn, người dân ngoài việc la lớn để nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh cần biết cách sơ cấp cứu đúng cách để giúp bệnh nhân qua cơn nguy hiểm, đồng thời không làm cho tình trạng bệnh của bệnh nhân nặng hơn.
Nhân viên y tế hướng dẫn cách sơ cứu tai nạn hóc dị vật. Ảnh: A.Yên |
Cụ thể, với những trường hợp bị rách da hoặc trầy xước, nếu có chảy máu cần sử dụng bông gạc sạch để ấn chặt vào vết thương cho đến khi hết chảy máu. Sử dụng các dung dịch sát khuẩn thông thường như nước muối sinh lý để rửa vết thương. Nếu vết thương dính bụi bẩn hoặc do động vật cào, cần rửa bằng dung dịch oxy già để làm sạch bụi bẩn trong các ngóc ngách của vết thương. Đồng thời, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chích ngừa và điều trị.
Nếu bị lóc một mảng da lớn hoặc bị đứt lìa một bộ phận nào đó trên cơ thể, cần tiến hành cầm máu đoạn gần của chi bằng phương pháp garo, phần chi đứt lìa bỏ vào túi ny-lông sạch, kín nước, bọc lại bằng khăn sạch, bỏ vào lớp túi ny-lông thứ 2 sau đó cho vào thùng đá và chuyển tới cơ sở y tế để khâu nối.
Trường hợp bị bỏng, ngay lập tức để vết bỏng dưới vòi nước mát, đắp một chiếc khăn ướt, mát lên vết bỏng. Sau đó che những nốt phỏng nhỏ bằng băng gạc, nếu vết bỏng nguy hiểm cần khẩn trương đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị. Tuyệt đối không được chọc vỡ các nốt phỏng để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng.
Trường hợp trẻ bị điện giật, cần ngắt ngay nguồn điện bằng cách tắt cầu dao, phích cắm điện. Dùng những vật khô, cách điện như gậy khô, cán chổi để đẩy người bị nạn ra khỏi nguồn điện. Trường hợp trẻ bất tỉnh, ngưng tim, ngưng thở cần tiến hành cấp cứu hà hơi, thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực, đồng thời gọi sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Trên đường chuyển viện, nếu trẻ chưa tỉnh thì tiếp tục hà hơi thổi ngạt, ép tim.
An Yên