Để phòng ngừa tự tử ở trẻ em, thanh thiếu niên thì vai trò của tham vấn tâm lý và công tác xã hội ở trường phổ thông là vô cùng quan trọng.
Để phòng ngừa tự tử ở trẻ em, thanh thiếu niên thì vai trò của tham vấn tâm lý và công tác xã hội ở trường phổ thông là vô cùng quan trọng. Mặc dù vậy, hoạt động này vẫn chưa được ngành Giáo dục quan tâm đúng mức.
Các bậc cha mẹ cần trang bị kiến thức về tâm lý lứa tuổi để đồng hành cùng con trong quá trình trưởng thành. Ảnh: T.Vi |
Các nhà chuyên môn, các cơ sở giáo dục đã nhiều lần lên tiếng nhưng cho đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa có lời giải về “bài toán” nhân sự chuyên trách công tác tham vấn tâm lý trong trường học.
* “Bơ vơ” tìm nơi trút bầu tâm sự
Khi gặp khó khăn, trở ngại, không phải học sinh nào cũng tìm đến thầy cô, bạn bè hoặc người thân để được hỗ trợ, giúp đỡ. Rất nhiều em đã chọn cách âm thầm chịu đựng và cố gắng vượt qua theo cách riêng của mình.
Em Chung Quế Trân, học sinh lớp 11B5, Trường THPT Võ Trường Toản (H.Cẩm Mỹ) kể, đầu năm lớp 10, bản thân em đã từng gặp khó khăn về mặt tâm lý. Khi đó mới chuyển cấp, em còn bỡ ngỡ với môi trường mới, cách học mới nên kết quả học tập không được như mong đợi.
Hiện nay, số lượng chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, công tác xã hội trường học còn hạn chế, gây trở ngại cho việc triển khai các dịch vụ tâm lý học đường. Cùng với đó, việc kết nối đội ngũ chuyên gia còn khó khăn, thiếu bóng dáng và vai trò kết nối của các hiệp hội, hội chuyên ngành liên quan. |
“Thực ra, sự việc không quá nghiêm trọng, em vẫn là học sinh khá giỏi của lớp, chỉ là kết quả không như ý khiến cho em bị áp lực. Hồi đó em rất buồn, tự ti và khóc rất nhiều. Em cũng không hiểu tại sao mình lại như vậy. Em muốn tìm người để chia sẻ, tâm sự nhưng không biết chia sẻ với ai. Thật may là dần dần em cũng vượt qua được cảm giác tồi tệ đó” - Quế Trân nhớ lại.
Quế Trân cũng cho rằng, không phải học sinh nào cũng có thể tự vượt qua được nỗi buồn của chính mình, đặc biệt là khi gặp phải những vấn đề liên quan đến gia đình, chuyện tình cảm cá nhân… “Em có 1 người bạn thân. Cha mẹ bạn ấy thường hay cãi nhau. Thỉnh thoảng, bạn có tâm sự với em. Nhưng khi em khuyên bạn mới được 1-2 câu là bạn lập tức ngắt lời, không muốn nghe nữa. Em không đủ kiến thức, kinh nghiệm để chia sẻ, hỗ trợ cho bạn. Em nghĩ rằng, những trường hợp như bạn rất cần có chuyên gia tâm lý hỗ trợ” - Quế Trân chia sẻ.
Từ năm 2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Theo đó, nhà trường có tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Thành phần tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh gồm: đại diện lãnh đạo nhà trường làm tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội. Mặc dù vậy, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong nhà trường khó đạt được hiệu quả vì đội ngũ làm công việc này đều kiêm nhiệm nên năng lực không thể đáp ứng được yêu cầu của công việc đặc thù này.
* Kết nối từ xa với chuyên gia
Hiệu trưởng Trường THPT Đắc Lua (H.Tân Phú) Phan Thanh Sơn cho biết, nằm ở vùng sâu, vùng xa, trường ít có cơ hội được tiếp cận trực tiếp với đội ngũ chuyên gia tư vấn tâm lý học đường. “Thông thường, mỗi năm nhiều lắm thì trường cũng chỉ được đón một đoàn của Sở GD-ĐT về trường để tổ chức nói chuyện chuyên đề, tư vấn cho học sinh. Những chương trình này đều được thầy cô và học trò đón nhận rất hào hứng” - thầy Sơn cho hay.
Khó khăn trong tiếp cận với đội ngũ chuyên gia, Trường THPT Đắc Lua đành phải tự thân vận động trong công tác tư vấn tâm lý học đường, giống như các trường học khác. Mong muốn của các thầy, cô giáo ở đây là các chuyên gia giáo dục kỹ năng sống, tư vấn tâm lý cho học sinh về với trường nhiều hơn để giúp được cho thầy cô và học sinh ở đây nhiều hơn.
Thầy Sơn gợi mở thêm: “Qua 2 năm học online, học sinh của trường đã có kỹ năng công nghệ thông tin tốt, trường cũng có đầy đủ cơ sở vật chất để kết nối các lớp học online. Vì vậy, nếu các nhà chuyên môn có thể tổ chức được các hoạt động tư vấn, tham vấn online thì học sinh sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và chia sẻ hơn”.
Anh Trương Nguyễn Khải Phong, giảng viên thỉnh giảng Khoa Tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng cần đưa nội dung giáo dục cảm xúc vào nhà trường, giáo viên cần được trang bị kiến thức về trí tuệ cảm xúc để hỗ trợ học sinh tốt hơn. Hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong trường học cần chú ý khía cạnh năng lực cảm xúc xã hội nhằm giúp học sinh ứng phó được với các vấn đề về sức khỏe tinh thần chứ không nên chỉ quan tâm đến các kỹ năng sinh tồn.
Anh Phong đề xuất xây dựng hệ thống chuyên viên tâm lý học đường, kết nối online để hỗ trợ cho các trường vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, các bậc cha mẹ cũng cần học cách giao tiếp với con (cả ngôn từ lẫn phi ngôn từ), trang bị kiến thức về tâm lý lứa tuổi để đồng hành cùng con trong quá trình trưởng thành.
Tường Vi