Tính đến nay, toàn tỉnh mới có hơn 1,4 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, đạt 58,3% trên tổng số người dân trong độ tuổi. Các địa phương đang rất nỗ lực để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 3.
Tính đến nay, toàn tỉnh mới có hơn 1,4 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, đạt 58,3% trên tổng số người dân trong độ tuổi. Các địa phương đang rất nỗ lực để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 3.
Bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm vaccine mũi 3 cho người dân trên địa bàn xã Thanh Sơn (H.Định Quán). Ảnh: HẠNH DUNG |
Mục tiêu nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, không để vaccine quá hạn gây lãng phí.
* Cơ sở còn gặp khó khăn
TP.Biên Hòa là địa phương có số dân từ 18 tuổi trở lên đông nhất tỉnh với hơn 868,6 ngàn người. Tuy nhiên, toàn thành phố mới có hơn 434,7 ngàn người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, đạt tỷ lệ 50%, thấp nhất tỉnh.
Ông Nguyễn Duy Tân, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho hay, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm vaccine ở thành phố đạt thấp chủ yếu do tâm lý của người dân. Nhiều người dân tiếp cận những thông tin không chính thống cho rằng tiêm vaccine mũi 3 gây ra những tác dụng phụ như: rụng tóc, giảm trí nhớ, suy giảm sức khỏe tình dục nên không muốn tiêm.
Giám đốc Sở Y tế PHAN HUY ANH VŨ cho biết, mới đây, tỉnh Đồng Nai đã chuyển 6 ngàn liều vaccine phòng Covid-19 nhờ TP.HCM tiêm cho người dân ở TP.HCM. Hiện, Đồng Nai còn 267 ngàn liều vaccine phòng Covid-19 có hạn sử dụng là tháng 5-2022 đang gửi kho ở TP.HCM. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trên giấy chứng nhận tiêm chủng có đến 7 liều vaccine. Do đó, người dân không nên lo lắng về những tác dụng phụ của vaccine chưa có chứng cứ khoa học hoặc chủ quan là dịch đã giảm, đã mắc Covid-19 hay đã tiêm 2 mũi vaccine thì không tiêm nữa. Bởi vaccine khi vào cơ thể sẽ suy giảm theo thời gian, đến khi xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có độc lực cao hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn, nếu trong cơ thể không có kháng thể thì sẽ bị tấn công khiến sức khỏe suy yếu, thậm chí bệnh nặng và tử vong. |
Trong khi đó, tại H.Tân Phú, đến nay tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 3 cũng mới đạt 55,4%, tức là có hơn 62 ngàn người/tổng số hơn 111,8 ngàn người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3.
Ông Bùi Thanh Nam, Phó chủ tịch UBND H.Tân Phú cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm vaccine không đạt như kế hoạch đề ra. Trước hết phải kể đến tâm lý chủ quan của người dân. Nhiều người cho rằng đã tiêm 2 mũi vaccine là đủ, không cần tiêm mũi 3 hoặc đã mắc Covid-19, khỏi bệnh thì không cần tiêm mũi 3.
Trước đây, khi tổ chức tiêm mũi 1, mũi 2, H.Tân Phú đang là “vùng xanh”, là nơi lý tưởng để người dân đi làm ăn xa, con em địa phương đi học xa về quê để tránh dịch. Do đó, khi huyện triển khai tiêm vaccine mũi 1, mũi 2, người dân đến tiêm vaccine rất nhiều, đạt tỷ lệ lần lượt là 98,7% và 95,7%. Đến khi triển khai tiêm vaccine mũi 3 là thời điểm toàn tỉnh đã trở về trạng thái “bình thường mới”, nhiều người lao động, các em học sinh, sinh viên tại địa phương quay trở lại nhà máy, doanh nghiệp, trường học ở các địa phương khác ngoài huyện nên số người đi tiêm vaccine mũi 3 giảm rất nhiều.
Không những thế, theo lãnh đạo H.Tân Phú, hiện tại huyện đang thiếu nhân lực y tế bởi phải chia đôi làm 2 nhiệm vụ song song là tiêm chủng và lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh, giáo viên tại các trường học. Một số xã không còn lực lượng hỗ trợ nhập liệu như giáo viên, thanh niên tình nguyện nên sau khi kết thúc buổi tiêm, nhân viên y tế mới có thể nhập thông tin lên hệ thống tiêm chủng. Do vậy, số liệu cập nhật lên hệ thống chưa kịp thời và có sự chênh lệch giữa số mũi tiêm thực tế và số liệu cập nhật lên phần mềm tiêm chủng.
Đang là một trong 3 địa phương có tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 3 thấp trong tỉnh, ông Trần Đức Hòa, Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất cho biết, thời gian qua, huyện đã rất nỗ lực để triển khai tiêm phủ mũi 3 cho người dân nhưng số lượng người tiêm không nhiều. Đến nay, toàn huyện mới có hơn 68,2 ngàn người/hơn 121 ngàn người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 3, đạt 56,2%.
Qua rà soát dân cư trên địa bàn, có khoảng 15,2 ngàn người dân trong huyện đã tiêm mũi 3 ở những nơi khác, chủ yếu là công nhân lao động tiêm ở các doanh nghiệp. Trước đây, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, trường học quy định những người nào đã tiêm đủ 2 mũi vaccine mới được đi làm, đi học nhưng đến nay không có chế tài nào bắt buộc người dân phải tiêm vaccine mũi 3 nên nhiều người chủ quan, không mặn mà đi tiêm.
* Đi gần 30km để tiêm vaccine cho dân
Huyện Định Quán có tổng số 17 cơ sở tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19, gồm 14 trạm y tế, trung tâm y tế, Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán và 1 phòng khám đa khoa. Thời điểm giữa tháng 3-2022, H.Định Quán là 1 trong 3 địa phương có tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 3 thấp nhất tỉnh. Đến ngày 9-4, H.Định Quán đã vươn lên đứng hàng thứ 5 trong tổng số 11 huyện, thành phố về tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 với 63,4%.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho người dân trong tỉnh. Ảnh: HẠNH DUNG |
Trong số 14 xã, thị trấn của H.Định Quán, xã Thanh Sơn có địa bàn rộng nhất và dân cư đông nhất. Mặc dù vậy, dân cư trên địa bàn xã Thanh Sơn không tập trung mà sống rải rác khiến công tác tiêm vaccine gặp vô vàn khó khăn.
BS Nguyễn Thị Đại Na, Trưởng trạm Y tế xã Thanh Sơn (H.Định Quán) bộc bạch, toàn xã có hơn 14,2 ngàn người từ 18 tuổi trở lên. Đến nay, đã có khoảng 8 ngàn người được tiêm vaccine mũi 3. Để có thể đạt được kết quả này, toàn thể 13 cán bộ, nhân viên của trạm y tế đã làm việc không ngừng nghỉ suốt thời gian qua, cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo xã, sự chung tay góp sức của các cơ quan, đoàn thể trong xã.
Từ Trạm y tế xã Thanh Sơn ở ấp 1 đến ấp xa nhất là ấp 5 (giáp xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) dài 26km, ấp 7 là 20km, điểm xa nhất của ấp 7 giáp xã Tà Lài (H.Tân Phú) dài 23km. Với quãng đường khá xa nên không thể tổ chức 1 điểm tiêm cố định, trạm y tế phải triển khai 7 điểm tiêm tại các ấp 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8 để đến gần người dân, tạo thuận lợi cho người dân.
Để chuẩn bị cho 1 buổi tiêm, trạm y tế sắp xếp địa điểm tiêm, thời gian tiêm, sau đó báo cáo UBND xã để phát lên loa đài, đi tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… để người dân biết và đến điểm tiêm. Mỗi lần di chuyển đến các điểm tiêm ở các ấp, trạm y tế phải chuẩn bị đầy đủ vật tư, con người, máy móc… rồi phân công nhau chở đồ đến các điểm tiêm. Các trưởng ấp có nhiệm vụ đến từng nhà dân để rà soát xem còn ai trong độ tuổi mà chưa tiêm vaccine để vận động đi tiêm. Nếu ai còn băn khoăn, lo lắng về các tác dụng phụ của vaccine thì nhân viên y tế, ban ấp tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu. Kết quả cho thấy, hầu hết người dân sau khi được tuyên truyền đều đồng ý tiêm vaccine mũi 3. Sau 1 buổi tiêm, các nhân viên y tế tranh thủ ăn cơm hộp, nghỉ ngơi ngay tại điểm tiêm trong vòng ít phút, nếu có người dân đến lại tổ chức tiêm ngay.
Bà Trần Thị Mỹ Phúc, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho hay, xã đang dốc toàn lực cho công tác tiêm vaccine phủ mũi 3. Lãnh đạo xã động viên các ban ấp, cán bộ các đoàn thể chịu khó đi từng góc, từng nhà để rà soát, vận động người dân đi tiêm. Đồng thời huy động lực lượng tình nguyện viên, cán bộ, công chức tham gia nhập dữ liệu tiêm chủng. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, có những trường hợp người dân không có đủ giấy tờ tùy thân nhưng xác định rõ đang sinh sống, làm việc trên địa bàn, xã vẫn tổ chức tiêm để đảm bảo quyền lợi được chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Còn tại xã Phú Lợi, theo bà Đặng Thị Duy Hiền, Phó chủ tịch UBND xã, trên 85% người dân trên địa bàn là người dân tộc Hoa. Người dân chủ yếu sống ở trong rẫy xa nên việc đi lại tổ chức tiêm cho người dân rất khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, xã đang tích cực tuyên truyền, vận động để người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ.
Hạnh Dung
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:
Rà soát, thống kê chính xác số lượng người dân
Thời gian trước đây khi vaccine phòng Covid-19 còn khan hiếm, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều địa phương lo lắng, xin cấp vaccine nhiều hơn số lượng thực tế để trừ hao. Đến nay, khi vaccine không thiếu, các địa phương cần nỗ lực để tiêm cho hết vaccine đã được cấp, không được để quá hạn sử dụng, dư thừa, lãng phí vaccine.
Việc để lãng phí vaccine là có tội lớn vì nhiều nước trên thế giới hiện còn chưa có đủ vaccine để dùng. Các địa phương phải rà soát thật kỹ số lượng người dân trong độ tuổi đang sinh sống, làm việc ở địa phương để tính tỷ lệ bao phủ vaccine chính xác.
Bà NGUYỄN THỊ DIỄM CHÂU, Phó chủ tịch UBND H.Định Quán:
Đưa kết quả tiêm vaccine vào tiêu chí thi đua
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, huyện xác định công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng dịch và tiêm vaccine là 2 nhiệm vụ trọng tâm. Lãnh đạo huyện đặc biệt rất quan tâm đến công tác tiêm chủng nên đã đưa chỉ tiêu tiêm chủng vaccine mũi 3 vào tiêu chí thi đua, để đánh giá về mặt Đảng, chính quyền.
Huyện chỉ đạo từng xã phải khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tiêm. Nếu xã nào tiêm không đạt phải lập danh sách những người không tiêm, lý do vì sao không tiêm và cho người dân ký cam kết. Huyện sẽ cố gắng hết sức để tiêm vaccine mũi 3 đạt kết quả tốt nhất.
Ông MAI VĂN HANH (ngụ KP.9, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa):
Gia đình tham gia tiêm chủng đầy đủ
Gia đình tôi có 7 người từ 12 tuổi trở lên, trong đó người già nhất là mẹ tôi năm nay 81 tuổi. Thời điểm chưa được tiêm vaccine, mẹ tôi bị nhiễm Covid-19, diễn tiến nặng phải điều trị trong một thời gian rất dài tại nhiều cơ sở y tế trong tỉnh. Khi đó gia đình tôi rất lo lắng.
Rất may, được sự hỗ trợ nhiệt tình của lực lượng y tế địa phương, các bệnh viện, mẹ tôi hồi phục sức khỏe và xuất viện. Khi được thông báo tiêm vaccine, gia đình tôi đã tích cực tham gia để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, người thân và cộng đồng. Đến nay, 6 người trong gia đình đã tiêm đủ 3 liều vaccine, riêng mẹ tôi đã tiêm 2 liều, đến khi đủ thời gian sẽ tiêm tiếp liều thứ 3.
Lộc Dung (ghi)