Việc sắp xếp, quy hoạch lại các vùng nuôi thủy sản không chỉ giúp người nuôi giảm bớt rủi ro, mà còn giúp cải thiện môi trường nước,...
[links()]Sông Đồng Nai là nguồn cung cấp nước sạch sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp chính cho tỉnh và vùng phụ cận. Việc hình thành và phát triển nuôi cá bè theo quy mô làng, khu vực phần nào tạo sinh kế cho các hộ gia đình.
Khu vực nuôi cá bè sông La Ngà (H.Định Quán) - Ảnh chụp năm 2020. Ảnh: B.Mai |
Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra, cần sắp xếp, quy hoạch lại các vùng nuôi thủy sản để vừa bảo vệ chất lượng nguồn nước, vừa duy trì hoạt động nuôi thủy sản hiệu quả.
* Giảm, tiến tới ngưng nuôi cá bè trên sông Cái
Tại buổi khảo sát tiến độ di dời các bè cá và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân cách đây vài tuần, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, việc giải tỏa các bè nuôi cá trên sông Cái là chủ trương của thành phố, phải thực hiện để đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị.
Trước mắt, thành phố sẽ di dời, tạm ngưng nuôi cá lồng bè mỗi bên 200m tại vị trí dự kiến xây cầu Thống Nhất. Các khu vực còn lại sẽ giảm dần quy mô, tiến tới ngưng nuôi cá bè vào cuối năm 2023. Về chính sách hỗ trợ, thành phố sẽ sớm hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt đề án. Dự kiến thành phố sẽ chi ngân sách khoảng 40 tỷ đồng hỗ trợ người dân di dời, chuyển đổi nghề nghiệp.
Ông Vũ Đình Đàm, Giám đốc HTX Thủy sản sinh thái (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) chia sẻ, khi nghe tin thành phố sẽ “xóa sổ” làng cá bè, ông và các xã viên khá bức xúc vì không biết sẽ làm gì, ở đâu, bằng cách nào. Tuy nhiên, khi được tuyên truyền, phổ biến kế hoạch, các xã viên đã đồng tình ký cam kết không phát triển thêm lồng, bè; di chuyển bè từ phía P.Tân Mai sang mé bờ P.Hiệp Hòa. “Chúng tôi rất tiếc, nhưng vì cái chung của thành phố nên chúng tôi chấp hành. Nhưng chúng tôi mong các cấp chính quyền xem xét cho phép HTX chuyển đổi mô hình từ nuôi cá thương phẩm bán sang nuôi cá cảnh kết hợp kinh doanh dịch vụ trên sông, hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ ngưng nuôi cá mà không có nhà trên bờ” - ông Đàm chia sẻ.
Phó chủ tịch UBND P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) Trương Văn Khiêm cho rằng, trước khi có chủ trương sắp xếp lại làng cá bè, P.Long Bình Tân có 135 hộ với 248 bè cá chủ yếu tập trung xung quanh cù lao Ba Xê. Qua nhiều lần tuyên truyền, vận động, hiện còn 88 hộ với 88 bè, đa phần những hộ khó khăn. Phường thống nhất với chủ trương ngưng nuôi thủy sản trên sông của thành phố, nhiều hộ dân cũng mong muốn lên bờ, nhưng mong chính sách hỗ trợ thỏa đáng để người dân có điều kiện cải thiện cuộc sống.
* Tăng kiểm soát các nguồn chất thải
Việc sắp xếp, quy hoạch lại các vùng nuôi thủy sản trên sông không chỉ giúp người nuôi giảm bớt rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn giúp cải thiện môi trường nước, tạo cảnh quan để khai thác lợi thế du lịch và giao thông thủy.
Theo Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn, chất lượng môi trường nước mặt diễn biến phức tạp và khó lường, nhất là các khu vực nuôi thủy sản. Kết quả các đợt quan trắc từ đầu năm đến nay đã chỉ ra những vấn đề này. Nếu không có giải pháp cải thiện ngay, tình trạng cá chết hàng loạt khi mưa xuống, chất lượng nguồn nước đầu vào của các nhà máy không đảm bảo là điều dễ hiểu.
Do đó, Sở TN-MT đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường giám sát, hướng dẫn người dân hạn chế nguồn thải ra sông, suối; Sở NN-PTNN phối hợp với UBND H.Định Quán, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nuôi thủy sản đảm bảo đúng mật độ nuôi, giám sát chất lượng nước tại khu vực nuôi cá hồ Trị An. UBND TP.Biên Hòa, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đồng Nai cũng cần tăng cường kiểm soát chất lượng nước mặt trước và sau khi xử lý đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp cho người dân sử dụng đạt quy chuẩn, trong đó lưu ý kiểm soát chất lượng nước mặt trước khi vào Nhà máy Nước Thiện Tân, Trạm bơm nước Hóa An và Nhà máy Nước Biên Hòa.
Tại văn bản báo cáo kết quả việc thực hiện di dời bè cá trên sông La Ngà về khu quy hoạch hồ Trị An, Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài đề xuất Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai ký hợp đồng cho thuê mặt nước nuôi thủy sản lồng, bè cho các hộ đã vào vùng quy hoạch, cắm bảng cấm nuôi cá lồng, bè tại khu vực thuộc diện phải di dời để các hộ dân biết và chấp hành. Sở NN-PTNT xem xét cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè cho các hộ nuôi theo quy hoạch. Khi đã đăng ký, có giấy chứng nhận, các hộ không thể tự ý tăng lồng, bè, phải tuân thủ các quy định về mật độ, về vệ sinh môi trường; hộ không có giấy chứng nhận buộc phải chấm dứt nuôi cá...
Ban Mai