Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp "tìm lại mình" ở sân nhà

03:04, 15/04/2022

Trong bối cảnh tình hình thế giới có sự biến đổi, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nên xuất khẩu hàng hóa có những khó khăn nhất định, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm hơn đến thị trường nội địa.

Với xấp xỉ 100 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người đang gia tăng nhanh, Việt Nam là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của khu vực và thế giới. Trong bối cảnh tình hình thế giới có sự biến đổi, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên xuất khẩu hàng hóa có những khó khăn nhất định, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng đã quan tâm hơn đến thị trường nội địa.

Một số thông tin tổng quan về thị trường nội địa Việt Nam. Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân
Một số thông tin tổng quan về thị trường nội địa Việt Nam. Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân

Cùng với việc nâng cao chất lượng hàng hóa, nâng sức tiêu thụ của xã hội thì các chương trình hỗ trợ hàng Việt cũng được kỳ vọng sẽ giúp hàng hóa của DN chiếm lĩnh được thị trường trong nước.

* Đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa

Là DN sản xuất, xuất khẩu cà phê, Công ty TNHH Thương mại và sản xuất thực phẩm Sơn Lâm (TP.Biên Hòa) trước đây mỗi năm xuất khẩu hơn 1 ngàn tấn cà phê sang thị trường Trung Quốc, Mỹ…

Gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và những khó khăn, tác động từ việc xuất khẩu hàng ra thế giới mà DN đã coi trọng hơn thị trường nội địa và tìm cách mở rộng các kênh phân phối, gia tăng sản lượng tiêu thụ. DN hướng tới giải pháp tiếp cận các kênh phân phối trong nước, nhất là các siêu thị, hệ thống trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi. Qua đó, DN có thể mở rộng được thị phần, nâng cao sức cạnh tranh.

“Chúng tôi thường xuyên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của địa phương, của các cơ quan để mở rộng thị trường. TP.HCM là thị trường lớn nhất cả nước nên DN đặt trọng tâm liên kết, mở rộng khâu phân phối” - bà Phạm Thị Bích Hà, đại điện DN cho hay.

Ngành gỗ Đồng Nai xếp thứ 2 cả nước về xuất khẩu gỗ. Đồng Nai cũng là địa phương có các làng nghề sản xuất gỗ truyền thống ở Biên Hòa, Trảng Bom, Xuân Lộc… Các DN trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ đang hướng mạnh tới thị trường nội địa sau thời gian dài tập trung cho xuất khẩu. Theo đánh giá, thị trường đồ gỗ trong nước hiện có giá trị thương mại hơn 4 tỷ USD và nhu cầu ngày một tăng cao do mức sống của cư dân đô thị, đặc biệt là những người trẻ được nâng lên.

Đơn cử như Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) đang thực hiện chương trình Kéo thế giới gỗ về Đồng Nai. Các DN, hội viên của Dowa đang nỗ lực liên kết với nhau để phân phối, cung ứng nguyên liệu gỗ hợp pháp và đầu tư cho khâu thiết kế sản phẩm, đẩy mạnh bán hàng ra thị trường trong nước. Việc xây dựng chỗ đứng ở thị trường trong nước là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy sức tiêu thụ của người dân và cũng nhằm tránh quá phụ thuộc vào xuất khẩu. Khi xảy ra sự cố từ thị trường thế giới, DN vẫn có thể có cơ hội để vượt qua.

Trong ngành sản xuất gỗ của khu vực cũng có các DN đã tiếp cận trở lại thị trường nội địa sau khi chỉ chuyên về xuất khẩu. Ông Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP S Furniture (tỉnh Bình Dương) chia sẻ, DN đã tạo lập thêm thương hiệu Vanilux để cung cấp các sản phẩm gỗ nội thất cho thị trường trong nước. Các thiết kế cũng như chất lượng sản phẩm đều tương đương với những mặt hàng xuất khẩu nhưng người tiêu dùng được sử dụng hàng nội với giá rẻ hơn.

Đối với các ngành sản xuất khác, nắm bắt cơ hội hợp tác từ thị trường nội địa đang được DN đẩy mạnh. Ông Dương Hải Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Dương Đăng Phát (chuyên sản xuất ngũ kim, cơ khí, bù lon, ốc vít, ở TP.Biên Hòa) cho hay, nhu cầu thị trường của các DN sản xuất nội địa đang gia tăng. Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, trong thời gian tới, DN sẽ tiếp tục nâng chất lượng sản phẩm, ứng dụng máy móc, công nghệ và số hóa quá trình sản xuất.

* Hỗ trợ DN khai thác thị trường

Đồng Nai là một trong những trung tâm của các mặt hàng nông nghiệp, tiềm năng cho việc sản xuất, chế biến các mặt hàng từ nông sản, thực phẩm là rất lớn.

Xúc tiến thương mại là giải pháp để doanh nghiệp mở rộng cung ứng hàng trong nước. Trong ảnh: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện diễn ra vào tháng 3-2022 do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức
Xúc tiến thương mại là giải pháp để doanh nghiệp mở rộng cung ứng hàng trong nước. Trong ảnh: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện diễn ra vào tháng 3-2022 do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức. Ảnh: V.GIA

Theo Sở Công thương, sản lượng heo thịt của tỉnh tiêu thụ bình quân trên 220 ngàn tấn/năm, trong đó 20% tiêu thụ trong tỉnh, 50% cung cấp cho TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Tổng đàn gia cầm 28,6 triệu con, trong đó tổng đàn gà 26,9 triệu con. Sản lượng thịt gà tiêu thụ bình quân 70 ngàn tấn/năm, hơn 60% trong số đó cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Do vậy, để hỗ trợ các mặt hàng sản xuất tại Đồng Nai chinh phục thị trường TP.HCM và khu vực, Sở Công thương tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại, hội thảo, hội chợ để DN tham gia.

Sự hợp tác giao thương hàng hóa giữa Đồng Nai với TP.HCM - thị trường lớn nhất nước, đã diễn ra từ nhiều năm qua. Việc đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, giao thương với các địa phương trong nước là giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của các DN.

Bên cạnh các chương trình xúc tiến thương mại ở các tỉnh, thành lân cận, ngành Công thương đang hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm ngay chính tại địa phương. Theo đó, khu trưng bày, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh; Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn) tạo điều kiện để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, đặc sản, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh, giúp DN có thêm điều kiện để kết nối.

Theo Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục xây dựng thêm các chương trình để đồng hành với DN trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Song song với đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt cho người Việt, tại Đồng Nai, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các DN đã thực hiện xúc tiến thương mại tại chỗ, tức là gia tăng bán hàng cho DN có vốn đầu tư trực tiếp ở địa phương cũng như trong nước.

Từ tháng 4-2021, Đồng Nai và Cục Kinh tế, thương mại và công nghiệp vùng Kansai (METI - Kansai, Nhật Bản) đã ký kết hợp tác với các nội dung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể hóa những nội dung đã ký kết, Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM thực hiện khảo sát hội viên tại Đồng Nai, qua đó nhiều DN Nhật Bản đang cần tìm nhà cung cấp cho nhiều lĩnh vực.

Từ nhu cầu nói trên, Tổ điều phối viên xúc tiến phát triển công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai đã thống nhất lựa chọn 40 DN có vốn đầu tư trong nước và 10 DN Nhật Bản để triển khai khảo sát. Thông qua khảo sát, lựa chọn các DN trong nước có thể cung ứng linh kiện/sản phẩm cho đối tác Nhật Bản. Đây là cơ hội để các DN tìm hiểu nhau, từ đó tiến tới hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Văn Gia


Ông NGÔ THANH BÌNH, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng:

Từ cung ứng hàng cho các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn, các sản phẩm máy móc tự động của chúng tôi như: phễu rung tự động, hệ thống cung cấp phôi, nguyên liệu cho quá trình sản xuất đã có được những đơn đặt hàng từ nước ngoài. DN đã từng bước mở rộng thêm các chi nhánh của mình ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Nhu cầu về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các hệ thống máy móc chính xác tự động đang rất lớn vì nhiều DN sản xuất đã và đang mở rộng quy mô. Trong khi đó, ngành sản xuất cung ứng các hệ thống như chúng tôi đang làm của DN Việt còn khiêm tốn. Đây là cơ hội để Công ty Quyết Thắng tiếp tục phát triển trong tương lai. Chúng tôi tự tin vì có bí quyết và kinh nghiệm riêng của mình.

Ông NGUYỄN HÒA AN, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp An Phát:

Muốn đầu tư cho sản phẩm chất lượng, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến yếu tố con người. Hiện chúng tôi đã trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho nhiều DN lớn trên khắp cả nước về các mặt hàng thiết bị phụ trợ ngành nhựa trong nhiều lĩnh vực như: ngành nước, thiết bị phòng cháy, chữa cháy; sản phẩm công nghiệp, điện, điện tử như nồi cơm điện, ti vi, tủ lạnh…

Hợp tác được với nhiều DN trong nước nhưng để bán được sản phẩm cho các đối tác Nhật Bản, châu Âu, chúng tôi coi việc sản xuất phải đúng chuẩn ngay từ đầu, đáp ứng khắt khe các quy chuẩn kỹ thuật là “thỏi nam châm” thu hút thêm khách hàng tìm đến hợp tác với mình.

Ông NGUYỄN VĂN TÂN, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tân Seiko:

Hiện các sản phẩm của công ty được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: y tế, điện tử, đồ gia dụng cao cấp. Mong muốn của chúng tôi là làm những sản phẩm được sáng tạo nên từ bàn tay, khối óc của con người Việt Nam. Mở rộng quy mô sản xuất, chúng tôi đã thiết lập thêm một xưởng sản xuất mới, nhập thiết bị, máy móc hiện đại hơn nhằm phát triển, tự động hóa DN, nâng cao năng lực, đáp ứng đơn hàng của đối tác.

Trong tương lai, ngoài những sản phẩm đã có trên thị trường, chúng tôi sẽ tham gia nghiên cứu, ứng dụng thêm các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống hiện đại. Yếu tố ứng dụng công nghệ sẽ là một trong những mấu chốt quan trọng. DN Việt có cơ hội lớn để tự chủ, thoát khỏi cảnh làm thuê nhưng muốn có điều đó, ngoài nỗ lực tự thân thì cần chính sách đồng hành, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ Nhà nước.

Vương Thế (ghi)


 

Tin xem nhiều