Mới đây, trong hội thảo về mô hình và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khu công nghệ cao (CNC), các tỉnh, thành đều đề xuất Chính phủ phân cấp, ủy quyền cho địa phương để rút ngắn thời gian làm thủ tục và giảm chi phí.
Mới đây, trong hội thảo về mô hình và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khu công nghệ cao (CNC), các tỉnh, thành đều đề xuất Chính phủ phân cấp, ủy quyền cho địa phương để rút ngắn thời gian làm thủ tục và giảm chi phí. Đồng thời, các khu CNC nên thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông.
Khu nghiên cứu sản xuất hoa lan trong Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai ở H.Cẩm Mỹ. Ảnh: Khánh Minh |
Theo các tỉnh, thành thì lĩnh vực CNC tại Việt Nam do 3 bộ quản lý, gây nhiều cản trở cho quá trình phát triển. Trong đó, khu CNC thuộc Bộ KH-CN quản lý; khu nông nghiệp CNC thuộc Bộ NN-PTNT và khu công nghiệp CNC do Bộ KH-ĐT quản lý.
* Trao quyền cho địa phương để giảm chi phí
Thời gian qua, hoạt động của khu CNC, khu công nghiệp CNC, khu nông nghiệp CNC trực thuộc Chính phủ và các bộ, ngành. Do đó, khi xảy ra vấn đề vướng mắc dù lớn hay nhỏ thì các địa phương, Ban quản lý các khu CNC đều phải kiến nghị bộ, ngành liên quan và Chính phủ giải quyết. Sau đó, các địa phương, doanh nghiệp (DN) phải mất nhiều thời gian đi lại, chờ đợi tháo gỡ xong mới tiếp tục triển khai thực hiện. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của các khu CNC, cũng như các nhà đầu tư trong khu.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay: “TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định quy định về khu CNC và xác định khung mô hình quản lý nhà nước về cơ chế phân cấp, ủy quyền hoạt động dưới sự giám sát của bộ chủ quản, từng bước tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện mô hình quản lý, tạo đà phát triển các khu CNC trên cả nước. Phân cấp cho các địa phương sẽ giúp cho các nhà đầu tư giảm được chi phí và thời gian đi lại khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư”.
Đồng Nai cùng các tỉnh, thành khác có quy hoạch khu CNC, khu công nghiệp CNC, khu nông nghiệp CNC đều kiến nghị Chính phủ phân cấp cho địa phương để chủ động trong việc mời gọi đầu tư, lựa chọn các dự án CNC. Như vậy, khi DN muốn bổ sung thủ tục đầu tư hay gặp vướng mắc sẽ được giải quyết kịp thời, hoạt động sẽ hiệu quả hơn.
* Cần có hệ sinh thái cho khu CNC
Gần đây, nhiều địa phương, chuyên gia kinh tế hay nhắc đến xây dựng hệ sinh thái cho các khu CNC để khai thác hết những tiềm năng.
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các khu CNC cần có hệ sinh thái hay chính là 7 dịch vụ hỗ trợ đi kèm. Cụ thể, khu CNC phải liên kết được với các trường đại học, các viện nghiên cứu, có các phòng thí nghiệm hiện đại để thu hút các chuyên gia giỏi đến làm việc, nghiên cứu ra các sản phẩm tiên tiến. Tiếp đến phải có bộ phận chuyên tổ chức hội thảo, giới thiệu sản phẩm, mời gọi DN hợp tác đưa vào sản xuất đồng loạt và tìm thị trường tiêu thụ. Các khu CNC nên có trung tâm khởi nghiệp sáng tạo và khi quá 15 năm nên chuyển qua thành phố CNC để nâng tầm, mở rộng phát triển. Bên cạnh đó, khu CNC phải kết nối hạ tầng giao thông thuận tiện, đảm bảo nơi ở cho chuyên gia, người lao động để họ yên tâm làm việc.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy đánh giá, trong phát triển khu CNC, khu công nghiệp CNC, các địa phương chưa chú ý đến kết nối hạ tầng giao thông, nơi ở, khu vui chơi giải trí cho các chuyên gia, người lao động để tạo ra hệ sinh thái. Đồng Nai, Hà Nam, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, An Giang… có thể học hỏi, rút kinh nghiệm từ những khu CNC trong nước, nước ngoài đang hoạt động để xây dựng cho địa phương một khu CNC có hệ sinh thái tốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, trở thành khu “đầu tàu” nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế của các địa phương.
Khánh Minh