Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo động lực ngay từ đầu năm

07:03, 09/03/2022

Bước vào năm 2022, hầu như các doanh nghiệp (DN), địa phương đều quyết tâm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh để hồi phục sau hơn 1 năm lao đao vì chống dịch Covid-19. Đã chuẩn bị sẵn tinh thần, nhân lực, củng cố lại thị trường nên những kết quả của 2 tháng đầu năm là khá khả quan.

Bước vào năm 2022, hầu như các doanh nghiệp (DN), địa phương đều quyết tâm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh để hồi phục sau hơn 1 năm lao đao vì chống dịch Covid-19. Đã chuẩn bị sẵn tinh thần, nhân lực, củng cố lại thị trường nên những kết quả của 2 tháng đầu năm là khá khả quan.
Ở tầm quốc gia, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2022 đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 10,2%, kim ngạch nhập khẩu tăng 15,9%, chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm đến 93,8% tổng kim ngạch (tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước).

Đặc biệt, trong tháng 2-2022, các giải pháp, chính sách điều hành của Chính phủ đã tạo sự yên tâm, tin tưởng cho cộng đồng DN vào khả năng phục hồi, phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới. Ước tính tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 42,6 ngàn, tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có gần 20,3 ngàn DN đăng ký thành lập mới, tăng gần 12%; 22,3 ngàn DN quay trở lại hoạt động, tăng 102,5%. Đây là tín hiệu khả quan cho phát triển DN trong năm 2022 (nguồn: Tổng cục Thống kê).

Tại Đồng Nai, tình hình sản xuất của các DN đã đi vào ổn định, xuất khẩu hàng hóa vẫn tiếp tục tăng trưởng, nhiều DN đã ký được các đơn hàng mới với giá trị lớn và mở rộng quy mô sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 của năm 2022 trên địa bàn đạt hơn 2,17 tỷ USD, tăng 52,16% so với tháng 2-2021. Lũy kế 2 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt trên 4,42 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, khó khăn của năm 2022 đã sớm xuất hiện vào cuối tháng 2, khi căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraikne đẩy giá xăng dầu lên cao chưa từng thấy. Giá xăng dầu tăng kéo giá gas, giá vận chuyển, giá các loại nguyên liệu sản xuất, giá hàng tiêu dùng tăng theo. Một số mặt hàng mang tính chiến lược có sức ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá cả như: sắt thép, nhôm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… cũng đang trên đà tăng mạnh.

Câu hỏi đặt ra là DN nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ chịu ảnh hưởng đến mức nào từ những căng thẳng nêu trên? Câu trả lời là quá sớm để có thể đo lường được những tác động đó. Vậy nên, tất cả những gì có thể làm lúc này là DN nỗ lực nâng cao nội lực, tái cơ cấu sản xuất, mở rộng thị trường, cố gắng giữ lợi nhuận… Còn về phía Nhà nước, vẫn là những gì đã và đang làm: đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, giảm thuế, phí, hạ lãi suất, giãn nợ, bình ổn giá nguyên liệu đầu vào, xây dựng và triển khai các giải pháp cấp bách để ứng phó với khó khăn…

“Mục tiêu kép” năm 2022 vừa thực hiện vài tháng thì đã xuất hiện “thách thức kép” với những tác động liên tục của chiến tranh và dịch bệnh. Do đó, có lẽ hơn lúc nào hết, mọi động lực có thể làm để tạo nền tảng cho kinh tế phải được thực thi ngay từ lúc này, xuyên suốt năm 2022 và thực hiện nhất quán từ Trung ương đến địa phương.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều