Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng chất đào tạo, sát hạch lái xe

07:03, 11/03/2022

2 năm gần đây, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) có nhiều thay đổi với những yêu cầu khắt khe, giám sát chặt chẽ hơn từ việc học đến thực hành và sát hạch nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, hạn chế tối đa việc gian lận trong sát hạch.

2 năm gần đây, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) có nhiều thay đổi với những yêu cầu khắt khe, giám sát chặt chẽ hơn từ việc học đến thực hành và sát hạch nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, hạn chế tối đa việc gian lận trong sát hạch.

Hàng loạt giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe đã được triển khai như: lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết; giám sát bằng camera đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe tại các khu vực có bài thi
sát hạch; lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường để giám sát số km học lái xe trên đường của học viên; bổ sung 2 môn học gồm học xử lý tình huống giao thông trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên cabin tập lái...

Việc thay đổi phương thức đào tạo và sát hạch lái xe như trên là động thái mạnh mẽ của cơ quan chức năng với quyết tâm chấn chỉnh những bất cập trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe suốt nhiều năm qua. Một số bất cập đó là nhiều học viên không nắm vững lý thuyết do học vẹt, học tủ; số giờ thực hành lái xe ít; thiếu kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh khi lưu thông trên đường...

Đó cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến thực tế trong thời gian qua, không ít người dù đã thi đậu, đã được cấp GPLX nhưng vẫn còn lóng ngóng khi điều khiển xe trên đường. Thậm chí, có người còn đạp nhầm chân ga với chân thắng, gây nguy hiểm cho bản thân và người đi đường.

Phần lớn người đi học lái xe đều mong muốn biết lái xe an toàn. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị trong thời gian tới, chương trình đào tạo, sát hạch lái xe cần tiếp tục đổi mới sát thực tế hơn nữa theo hướng tăng cường thời gian thực hành, xử lý tình huống, kỹ năng lái xe an toàn khi qua các đoạn đường đèo, dốc, trơn trượt hoặc thời tiết sương mù, mưa to, gió lớn... để các học viên rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, việc nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe giữ vai trò then chốt. Giáo viên phải dạy đúng giáo án, giáo trình theo kế hoạch đào tạo của một khóa học lái xe; không tự ý cắt giảm số tiết học cả lý thuyết lẫn thực hành; chú trọng hướng dẫn học viên kỹ năng lái xe an toàn, cũng như nắm vững Luật Giao thông đường bộ, đạo đức người lái xe. Do đó, cơ quan chức năng cần kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe, nhất là công tác tập huấn, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ đối với giáo viên dạy lái; yêu cầu các trung tâm đào tạo phải đảm bảo bố trí giáo viên có trình độ, kinh nghiệm tham gia giảng dạy cho học viên.

Song song đó, để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, ý thức học tập, rèn luyện cũng như chấp hành pháp luật giao thông của mỗi học viên đóng vai trò quyết định. Ngoài việc học thật, thi thật để được cấp GPLX thật thì mỗi người, nhất là khi mới lái xe phải không ngừng tìm hiểu, nắm vững, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về giao thông; rèn luyện thêm kỹ năng lái xe an toàn, luôn chủ động lường trước những tai nạn, rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra khi lái xe lưu thông trên đường; đặc biệt là nói không với sử dụng rượu, bia khi lái xe.

Cuối cùng, các giải pháp về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, sát hạch lái xe; quản lý GPLX… vẫn là những giải pháp khả thi trong việc đưa hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe, quản lý GPLX nghiêm túc và minh bạch, đảm bảo chất lượng học lẫn thi, đảm bảo chất lượng đầu ra, tránh việc gian lận trong công tác đào tạo, sát hạch; đưa công tác đào tạo, sát hạch lái xe ngày càng đi vào thực chất hơn.             

Đặng Ngọc

 

Tin xem nhiều