Báo Đồng Nai điện tử
En

Không chủ quan với dịch bệnh Covid-19

03:03, 03/03/2022

Những ngày gần đây, số ca mắc mới Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, mặc dù số ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19 đã giảm sâu so với trước. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng lưu ý, cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch...

 

[links()]Những ngày gần đây, số ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn Đồng Nai có dấu hiệu gia tăng, mặc dù số ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19 đã giảm sâu so với trước. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng lưu ý, ngành Y tế, GD-ĐT, các sở, ngành liên quan, các địa phương và người dân cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan, bởi nếu số ca bệnh tăng cao sẽ gây quá tải y tế và nhiều vấn đề liên quan.

Bệnh nhân Covid-19 nặng được chăm sóc, điều trị tại Khu hồi sức Covid-19 Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: Hạnh Dung
Bệnh nhân Covid-19 nặng được chăm sóc, điều trị tại Khu hồi sức Covid-19 Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: Hạnh Dung

Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir cần tuân theo hướng dẫn của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn, tránh những sự cố đáng tiếc.

* Số ca F0 trong trường học và cộng đồng gia tăng

Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, từ ngày 21 đến 27-2, số ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn tỉnh dao động từ 497-1.675 ca/ngày. Ngày ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất là ngày 25-2 với 1.675 ca. Đến ngày 28-2, số ca mắc Covid-19 mới trong ngày là 1.118 ca. Nguồn lây tiếp tục ghi nhận phần lớn từ các cán bộ, giáo viên, học sinh đang thực hiện dạy và học trực tiếp tại các trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Tính đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 313 ngàn ca mắc Covid-19. Trong đó, hơn 302 ngàn trường hợp đã khỏi bệnh, chiếm tỷ lệ hơn 96,6%. Hiện còn gần 500 bệnh nhân Covid-19 đang được theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế, hơn 8 ngàn trường hợp đang điều trị tại nhà. Lũy kế số ca tử vong do Covid-19 đến nay là 1.825 ca, chiếm tỷ lệ 0,58% tổng số ca bệnh Covid-19 toàn tỉnh.

Trước diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, ngày 28-2, UBND TP.Biên Hòa đã có văn bản thống nhất tạm dừng đến trường đối với trẻ em các trường mầm non và tổ chức dạy, học trực tuyến đối với học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT đóng trên địa bàn các phường: Hiệp Hòa, Bửu Long, Tân Hiệp. Thời gian thực hiện từ ngày 1-3 cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, giao UBND các phường nói trên khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn quản lý; phối hợp với Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa triển khai đến các trường học trên địa bàn thực hiện.

Giáo viên chủ nhiệm ở một trường THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa cho biết, từ khi dạy, học trực tiếp trở lại đến nay, lớp đã ghi nhận 4 học sinh nhiễm Covid-19. Cùng với đó là hơn 10 trường hợp F1 nguy cơ cao. Những em này được bố trí cách ly tại nhà và học online, chỉ được đến trường học lại khi đã đủ ngày cách ly và có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Theo giáo viên này, mặc dù giáo viên và phụ huynh đã căn dặn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại trường học nhưng nhiều học sinh vẫn rất “vô tư” quên lời dặn. Điển hình như 6 em cùng uống chung 1 chai nước, trong đó có trường hợp F0.

Chị Hoàng Thị Bích Ngọc (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, để đề phòng con bị nhiễm bệnh khi đi học trực tiếp, mỗi sáng trước khi con đi học, chị đều chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn, bình nước uống riêng cho con. Đồng thời, dặn dò con nên giữ khoảng cách khi tiếp xúc với bạn, nhưng điều này rất khó vì các con đang ở tuổi hiếu động, sau nhiều tháng học online, được đến trường thì rất vui và tiếp xúc gần với nhau mà không đeo khẩu trang hay dùng chung đồ ăn, bình nước uống là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, theo chị Ngọc, do các con đã được tiêm 2 mũi vaccine nên chị cũng đỡ phần nào lo lắng và nếu chẳng may con có nhiễm bệnh thì cũng không trở nặng.

* Lo ngại những biến chứng hậu Covid-19

Ông N.V.Q. (60 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, ông bị nhiễm Covid-19 vào cuối tháng 11-2021. Sau gần 1 tháng điều trị tại nhà, ông xét nghiệm cho kết quả âm tính với Covid-19. Gần đây, ông cảm thấy sức khỏe không được tốt, thường xuyên ho khan, khó thở, tức ngực khi gắng sức. Sau khi đi khám tại bệnh viện, chụp X-quang phổi, ông Q. được bác sĩ chẩn đoán bị xơ phổi.

BS Ngô Thúy Hằng, Khoa Nội tổng quát Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho hay, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận, khám và điều trị cho nhiều trường hợp bị di chứng hậu Covid-19. Mức độ nặng, nhẹ của từng người khác nhau, có người bị trầm cảm, khó ngủ, người mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, nổi mẩn trên da, có người bị tức ngực, khó thở, mệt mỏi, nhịp tim không đều… Với những trường hợp có dấu hiệu viêm phổi, bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân đi chụp X-quang phổi và các xét nghiệm liên quan để đánh giá mức độ tổn thương và có hướng điều trị phù hợp.

Các chuyên gia cho biết, xơ phổi là một trong những biến chứng hậu Covid-19 đáng lo ngại nhất, gặp ở những bệnh nhân có viêm phổi. Do đó, những bệnh nhân sau điều trị viêm phổi do Covid-19 nếu xuất hiện ít nhất một trong các dấu hiệu sau thì nên đi khám tình trạng xơ phổi. Đó là khó thở, sút cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi kéo dài, ho khan kéo dài, đau nhức khắp cơ thể kéo dài, đầu ngón tay ngón chân tròn như dùi trống.

Nhiều trường hợp cảm thấy khó thở, tức ngực sau khi điều trị khỏi Covid-19
Nhiều trường hợp cảm thấy khó thở, tức ngực sau khi điều trị khỏi Covid-19

Với những trường hợp viêm phổi do Covid-19 điều trị tại nhà, dấu hiệu nhận biết quan trọng để đi khám xơ phổi là nhịp thở tăng (trên 60 lần/phút với trẻ dưới 2 tháng tuổi, trên 50 lần/phút với trẻ từ 2-11 tháng tuổi, trên 40 lần/phút với trẻ từ 12-60 tháng tuổi, trên 30 lần/phút với trẻ lớn và người lớn), và chỉ số nồng độ oxy trong máu SpO2<94%. Các bác sĩ đặc biệt lưu ý, những trường hợp đã điều trị khỏi Covid-19 nếu có tình trạng khó thở, thở hổn hển thì phải đi khám ngay.

Để khắc phục tình trạng xơ phổi, ngoài việc tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, người dân nên tập thể dục hằng ngày, thực hành kỹ thuật thở, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung vitamin đầy đủ. Đồng thời, thực hiện các biện pháp nâng cao miễn dịch, không hút thuốc lá và tránh hút thuốc lá thụ động.

* Sử dụng thuốc kháng virus đúng theo khuyến cáo

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa đưa ra khuyến cáo người dân cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir để điều trị bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Khuyến cáo này được đưa ra sau khi Cục Quản lý dược chính thức công bố giá thuốc Molnupiravir trong điều trị người mắc Covid-19 đối với 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước.

Theo đó, thuốc Molnupiravir được sử dụng để điều trị cho người trưởng thành nhiễm Covid-19 mức độ từ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

Về giới hạn sử dụng, thuốc Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày. Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp, không sử dụng sau hay trước phơi nhiễm để phòng Covid-19.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung cho người dân trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: CDC Đồng Nai
Tiêm vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung cho người dân trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: CDC Đồng Nai

Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Thuốc Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.

Nam giới dùng thuốc Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Cục Quản lý dược khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc nêu trên. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Cục Quản lý dược đặc biệt lưu ý người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.

Theo Cục Quản lý dược, thuốc chứa Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành.

Theo đánh giá phân loại cấp độ dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đến ngày 27-2 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, toàn tỉnh có 11 xã, phường xếp ở cấp độ 3 (nguy cơ cao). Trong đó, TP.Biên Hòa có 3 phường: Tân Hiệp, Hiệp Hòa, Bửu Long; H.Trảng Bom có 2 xã: Trung Hòa, Đông Hòa; H.Xuân Lộc có xã Xuân Thành; H.Cẩm Mỹ có xã Xuân Mỹ; H.Nhơn Trạch có xã Vĩnh Thanh; H.Tân Phú có 2 xã Phú Trung và Đắk Lua; H.Long Thành có xã Lộc An.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều