Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan từng nhiều lần nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt là một trong những giải pháp để bảo đảm tính minh bạch của toàn bộ chuỗi cung ứng nông sản...
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan từng nhiều lần nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt là một trong những giải pháp để bảo đảm tính minh bạch của toàn bộ chuỗi cung ứng nông sản nên các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Kết quả thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh. Nguồn: Sở NN-PTNT (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân) |
Đồng Nai cũng đang tập trung đẩy mạnh thực hiện TXNG sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, nhất là hỗ trợ nông dân thực hiện việc cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực của địa phương.
* Minh bạch về sản phẩm
TXNG sản phẩm đang trở thành xu hướng tất yếu, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiều chương trình, đề án giao Bộ KH-CN, Bộ NN-PTNT thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tại các địa phương trên cả nước ứng dụng công nghệ hiện đại xây dựng hệ thống TXNG.
Trong lĩnh vực trồng trọt, mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho việc TXNG. Việc cấp mã số vùng trồng cũng như thực hiện tốt việc TXNG là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Ở đây, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm, TXNG cây trồng. Để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác...
Theo Bộ trưởng NN-PTNT LÊ MINH HOAN, một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu. Vì chính người tiêu dùng trong nước còn quay lưng với nông sản nội địa vì lo sản phẩm không an toàn. Mù mờ trong trạng thái bình thường đã khó điều hành, khi có nhiều yếu tố tác động mà càng mù mờ thì càng dễ bị đứt gãy, sự điều phối không đúng nơi, đúng chỗ. Do đó, thực hiện tốt việc TXNG nông sản, lấy lại niềm tin trên thị trường là rất quan trọng. |
Theo đó, việc cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng TXNG, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu thông qua việc sản xuất theo quy trình nhất định có kiểm soát dịch hại và đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, mà còn giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Có thể xem đây là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (H.Xuân Lộc) cho biết, HTX là một trong những đơn vị tiên phong trên địa bàn tỉnh trong thực hiện việc cấp mã số vùng trồng. Tham gia chương trình, nông dân được hỗ trợ rất nhiều, nhất là về kinh phí thực hiện. Có mã số vùng trồng, thương hiệu trái xoài Suối Lớn cũng được cả thị trường nội địa và xuất khẩu nhận biết tốt hơn; đặc biệt, hiện trái xoài Suối Lớn đã đủ điều kiện xuất khẩu đi các nước, trong đó có những thị trường khó tính.
Với vai trò là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, Đồng Nai nằm trong tốp các tỉnh, thành đi tiên phong thực hiện việc ứng dụng công nghệ cao trong TXNG cho sản phẩm chăn nuôi. Từ nhiều năm trước, Đồng Nai đã tích cực triển khai các đề án TXNG sản phẩm chăn nuôi như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm… Cụ thể như: đề án đeo vòng TXNG heo từ trại nuôi; sử dụng mã QR để TXNG thực phẩm; chương trình Te-food (phần mềm TXNG, quản lý chăn nuôi) bằng công nghệ blockchain…
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh cho biết, chương trình thực hiện TXNG sản phẩm heo, gà trên địa bàn tỉnh ngày càng thu hút đông đảo doanh nghiệp, cơ sở giết mổ và các trang trại chăn nuôi tham gia.
Công ty TNHH Trang Trại Việt thực hiện đăng ký mã số vùng trồng cho sản phẩm rau củ quả sạch của trang trại để xuất khẩu đi các thị trường khó tính. Ảnh: B.NGUYÊN |
Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 90% tổng đàn heo và 37,5% tổng đàn gà thực hiện việc TXNG. Riêng chương trình Te-food được triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh vào năm 2019 cũng thu hút nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi tham gia. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 272 cơ sở khai báo việc TXNG qua phần mềm Te-food. Mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng, ứng dụng vào các trang trại và hộ chăn nuôi gia đình. Việc thực hiện tốt TXNG chăn nuôi sẽ giúp quản lý chăn nuôi thuận lợi hơn, đồng thời nâng giá trị cho thịt heo, gà của Đồng Nai và hướng đến xuất khẩu.
Tỉnh cũng đang triển khai dự án TXNG thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, dự kiến nhiều kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống trong tỉnh sẽ được tăng cường, mở rộng hoạt động TXNG các sản phẩm chăn nuôi theo hướng công nghệ cao; quản lý sản phẩm từ trang trại, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến đến các kênh phân phối, bán lẻ.
* Chất lượng phải kèm uy tín
Với việc người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, không chỉ những đơn vị giết mổ, kinh doanh mà các hộ chăn nuôi cũng quan tâm thực hiện TXNG sản phẩm.
Nguồn heo giết mổ tại các cơ sở giết mổ Lifsap của tỉnh cung cấp vào thị trường TP.HCM đều được truy xuất nguồn gốc. Trong ảnh: Giết mổ heo tại lò giết mổ Lifsap Thy Thọ, TP.Long Khánh |
Ông Nguyễn Quang Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Thy Thọ (xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) cho biết, khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, nguồn heo đưa về tiêu thụ tại thị trường TP.HCM được kiểm soát gắt gao hơn nên heo an toàn, truy xuất được nguồn gốc có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường. “Sản phẩm truy xuất được nguồn gốc rõ ràng là căn cứ quan trọng nhất để kiểm soát chất lượng và dịch bệnh trên sản phẩm động vật. Tuy nhiên, để chứng nhận này được khách hàng ngày càng tin tưởng, nguồn gốc sản phẩm từ hộ chăn nuôi đến lò giết mổ và phân phối ra thị trường cần được quản lý chặt chẽ, có hiệu quả thực chất hơn” - ông Thọ nói.
Tại hội thảo trực tuyến TXNG - nâng tầm nông sản Việt diễn ra vào tháng 11-2021 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, thị trường quốc tế đòi hỏi rất khắt khe về TXNG hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại; muốn tham gia thị trường này, cả nông dân và doanh nghiệp đều phải thực hiện nghiêm túc việc TXNG nông sản.
Ngoài ra, người tiêu dùng trong nước cũng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm thì TXNG được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Điều này giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được bảo đảm; đồng thời, giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), giai đoạn 2021-2030, Bộ NN-PTNT xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, xây dựng và vận hành hệ thống TXNG nông sản là một trong những định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành, kết nối với Cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa quốc gia và góp phần không nhỏ xây dựng thương hiệu nông sản Việt. Như vậy, TXNG là xu thế của cả sản xuất nông sản trong nước chứ không chỉ với hàng hóa xuất khẩu.
Ông Toản khẳng định: “TXNG hơn bao giờ hết là nội dung hết sức quan trọng, đòi hỏi sự cố gắng của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ KH-CN, Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan trong hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Tới đây, việc TXNG phải được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, khả thi hơn, đáp ứng được đầy đủ và không để bị động trước bất cứ đòi hỏi, tiêu chuẩn của thị trường nào”.
Bình Nguyên