2 năm trở lại đây, ngành Nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu,…
[links()]2 năm trở lại đây, ngành Nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và thị trường tiêu thụ… Dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ nông sản, nhất là hoạt động xuất khẩu ngày càng khó lường.
Một số kết quả đạt được trong năm 2021 và mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp tỉnh trong giai đoạn mới. Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân) |
Nông dân, doanh nghiệp (DN) lại chậm thích nghi và thay đổi nên gánh chịu nhiều thiệt hại. Tình hình mới yêu cầu phải có sự thay đổi căn cơ từ tổ chức sản xuất đến xây dựng chuỗi liên kết với tiêu thụ, bảo quản, chế biến nông sản...
* Bị động khi không còn thị trường dễ tính
Trung Quốc giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Riêng với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước.
Ông Đinh Cao Khuê, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, với giá trị xuất khẩu rau quả đạt khoảng 1,7 tỷ USD trong năm 2021 (chiếm hơn 48% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả), Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển hàng hóa đi các nước tăng rất cao, như đi châu Âu tăng gấp 10 lần, sang Mỹ tăng gấp 13 lần, nhưng với thị trường Trung Quốc nhờ thuận lợi về mặt địa lý nên chi phí vận chuyển chỉ tăng khoảng 0,3 lần. “Trung Quốc với ưu thế là thị trường lớn, sát sườn của Việt Nam nên xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường này vẫn rất quan trọng trong thời gian tới” - ông Khuê khẳng định.
Gần cả tháng qua, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc xảy ra tình trạng ùn tắc chỉ vì nguyên nhân một số lái xe, chuyên trách hàng hóa nông sản nhiễm Covid-19. Đây cũng là nguyên nhân Trung Quốc vừa thông báo tạm ngưng nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam trong 4 tuần tới. Nhiều mặt hàng nông sản khác cũng sẽ rơi vào tình trạng này với quy định hàng hóa dây chuyền lạnh nhập khẩu từ nước ngoài (bao gồm cả bao bì, xe) khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 từ 3 lần trở lên sẽ ngay lập tức ngừng kinh doanh tờ khai nhập khẩu loại hàng này và đình chỉ nhập khẩu, kinh doanh trong 4 tuần.
Nông dân trồng mít tại xã Phú Cường, H.Định Quán lo lắng vì giá mít liên tục giảm sâu. Ảnh: L.Quyên |
Nông sản ùn ứ ở cửa khẩu không còn là chuyện mới xảy ra mà đã trở thành điệp khúc đến hẹn lại lên nhiều năm nay và câu chuyện này diễn ra thường xuyên hơn khi xảy ra dịch Covid-19. Việc ùn tắc nông sản tại cửa khẩu Trung Quốc không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho DN, thương lái xuất khẩu mà ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường tiêu thụ nông sản nói chung. Vì nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây tươi, có tính mùa vụ nên ngay khi xảy ra việc xuất khẩu bị đình đốn, các mặt hàng trái cây tươi, nông sản xuất khẩu lập tức rớt giá, thậm chí không tiêu thụ được.
Ngoài chính sách nói không với Covid-19, từ ngày 1-1-2022, Trung Quốc đã áp dụng hàng loạt quy định mới với các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước. Trong đó, các tiêu chuẩn về kiểm soát an toàn thực phẩm, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa... gắt gao hơn; việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch cũng sẽ ngày càng khó khăn. Nhưng cả DN, thương lái và nông dân đều thiếu sự chủ động trong việc tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới; nhất là vẫn chậm trong việc chuyển đổi sang hướng xuất khẩu theo kênh chính ngạch, chậm nắm bắt những yêu cầu mới của Trung Quốc và nhiều thị trường khác. Trong khi đó, DN Thái Lan mượn cửa khẩu Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc rất nhiều, rất thuận lợi theo đường chính ngạch.
Bà Ngô Tường Vi, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), DN đang hợp tác bao tiêu nhiều sản phẩm trái cây tươi xuất khẩu ở Đồng Nai chia sẻ, thời gian gần đây, khi Trung Quốc kiểm tra về đóng gói cũng như mã số vùng, rất nhiều lô hàng xuất khẩu rau, trái cây của Việt Nam không đạt tiêu chuẩn. Cả DN, thương lái đến nông dân cần nhận thức rõ Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Đặc biệt, các cơ quan chức năng địa phương cần phải rà soát nghiêm ngặt hơn, chỉn chu hơn về các tiêu chuẩn nông sản trước khi thông qua sự kiểm tra của phía Trung Quốc, hạn chế tỷ lệ các lô hàng trái cây Việt Nam không đạt kiểm dịch, đặc biệt là về chỉ tiêu sinh vật có hại trong trái cây gây chậm trễ trong thông quan.
* Cần bỏ tư duy ngắn hạn
Theo ý kiến của các chuyên gia cũng như DN xuất khẩu nông sản, để tăng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu, cần nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ từ tổ chức sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất, nhập khẩu...
Góp ý về những khó khăn của thị trường xuất khẩu nông sản, bà Ngô Tường Vi chia sẻ thêm: “Chúng ta vẫn đang bán những gì mình có chứ chưa bán những gì thị trường đang cần. Bản thân tôi cũng mong Trung Quốc là thị trường khó tính để đồng bộ hóa được tiêu chuẩn chất lượng của nông sản Việt Nam, để nông dân không còn ỷ lại, để thay đổi về tư duy cho cả DN cũng như sự quản lý của Nhà nước. Ở góc độ sản xuất, các địa phương nên quy hoạch lại các vùng nguyên liệu vì việc nông sản bị ùn ứ, khó khăn về đầu ra có nguyên nhân nguồn cung vượt quá cầu”.
Bên cạnh đó, việc tập trung hơn cho thị trường nội địa cũng như mở rộng thêm các kênh xuất khẩu sang nhiều nước cũng là giải pháp đang được nhiều DN quan tâm để có đầu ra ổn định hơn.
Giá bưởi giảm sâu vì đầu ra gặp khó. Trong ảnh: Thu hoạch bưởi tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Lê Quyên |
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Chuối Gia Huy Phát có trụ sở chính tại P.An Bình (TP.Biên Hòa) nhận định, tuy Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam nhưng trong giai đoạn thị trường xuất khẩu khó dự đoán do ảnh hưởng của dịch Covid-19, DN đầu tư mở rộng quy mô hệ thống kho lạnh để kịp thời ứng phó khi xuất khẩu gặp khó khăn. Ngoài ra, DN cũng nỗ lực mở rộng xuất khẩu sang các nước khác; đồng thời, đẩy mạnh các kênh tiêu thụ trong nước, nhất là qua hệ thống các siêu thị để chủ động hơn về đầu ra.
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan chỉ ra, điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam là nông dân còn tư duy mùa vụ, DN thì tư duy thương vụ, chính quyền thì tư duy nhiệm kỳ, mọi thứ đều ngắn hạn. Theo đó, DN và thương lái thường ở thế bị động, chờ nước đến chân mới nhảy và chậm cập nhật thông tin mới của các thị trường thế giới, không biết luật chơi của thế giới. Đầu ra của nông sản phải được tính từ khi sản xuất chứ không phải đến khi chở đến cửa khẩu, gặp tình trạng ùn ứ rồi mới ngồi tính. Ở đây, cả nông dân, DN phải chuyển đổi từ quy trình sản xuất, phải quan tâm, chủ động nắm bắt, và minh bạch mọi thông tin thì mới hạn chế những rủi ro từ chốn thương trường.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhu cầu, tiêu chuẩn của khách hàng ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với trước. Xuất khẩu nông sản không nên phân loại thị trường dễ tính, khó tính, tiểu ngạch, chính ngạch nữa mà cần đi sâu tìm hiểu, nắm được nhu cầu của từng đối tượng người tiêu dùng nam, nữ, già, trẻ, người giàu, người nghèo… Nông dân, DN, chính quyền địa phương phải nhận thức rõ vai trò của mình trong việc tối ưu hóa bài toán kinh doanh, trong xây dựng vùng nguyên liệu… DN đừng đóng vai người bán mà phải đóng cả vai người mua để biết rõ nhu cầu của thị trường; trở thành đầu tàu dẫn dắt nông dân về thị trường; đừng bán lẻ tẻ từng sản phẩm mà có một khát vọng lớn hơn, cao hơn nâng niu nông sản Việt, lan tỏa giá trị Việt và bán nông sản dựa vào giá trị chứ không chỉ là vấn đề giá cả.
Tại hội nghị tổng kết năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 ngành Nông nghiệp vào ngày 29-12-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, năm 2021, ngành Nông nghiệp đã có vai trò, đóng góp rất lớn trong sự tăng trưởng dương của toàn ngành kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp vẫn chưa thực sự chủ động để phát triển thích ứng linh hoạt với diễn biến mới. Điều này bộc lộ nhiều điểm yếu của ngành như: thị trường xuất khẩu còn chưa đa dạng, phụ thuộc nhiều vào một số thị trường truyền thống để rơi vào thế bị động; chưa dựa vào công nghệ nên còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết; phát triển công nghệ sau thu hoạch, mẫu mã, bao bì, thương hiệu chưa được chú trọng; chưa xây dựng được thương hiệu quốc tế… Ngành Nông nghiệp phải coi trọng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch thể hiện tầm nhìn xa, tư duy đổi mới sát với tình hình thực tiễn để phát triển nông nghiệp bền vững, theo chiều sâu, nâng cao giá trị sản phẩm. |
Bình Nguyên