Thời điểm cuối năm, các hoạt động kinh doanh, nhất là các loại hàng hóa thực phẩm tiêu dùng trở nên nhộn nhịp. Lợi dụng thực tế đó, các đối tượng đầu nậu lại tìm cách "tung" nhiều loại hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm bẩn ra thị trường.
Thời điểm cuối năm, các hoạt động kinh doanh một số mặt hàng thiết yếu trở nên nhộn nhịp, nhất là các loại hàng hóa thực phẩm tiêu dùng hằng ngày. Lợi dụng thực tế đó, các đối tượng đầu nậu lại tìm cách “tung” nhiều loại hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm bẩn ra thị trường.
Đoàn liên ngành H.Thống Nhất kiểm tra và phát hiện một cơ sở giết mổ heo vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Ảnh: TỐ TÂM |
Trong những ngày qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã và đang vào cuộc một cách mạnh mẽ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ mua bán, sản xuất thực phẩm không đảm bảo chất lượng.
* Ngăn chặn thực phẩm bẩn
Theo các cơ quan chức năng, năm 2021, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm có ít hơn so với năm trước. Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm, khi hoạt động liên quan đến thực phẩm tăng cao, đòi hỏi các lực lượng chức năng tăng cường tập trung vào những việc làm cụ thể, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm các quy định.
Trong năm 2021, toàn tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm gần 15 ngàn cơ sở; số cơ sở vi phạm là gần 2,5 ngàn cơ sở, cơ sở bị xử lý hành chính là gần 500 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 2,7 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã tịch thu, tiêu hủy gần 1,6 tấn thịt heo, 2,7 tấn cút, hơn 1,5 tấn sản phẩm động vật không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và 5,4 ngàn sản phẩm các loại có giá trị hơn 110 triệu đồng. |
Điển hình như việc lập chuyên án đấu tranh triệt phá đường dây sản xuất hàng hóa, thực phẩm giả tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh những ngày đầu năm 2022 của Công an tỉnh. Cụ thể, vào ngày 5-1, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh (cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động...) đã phối hợp với công an các địa phương đồng loạt kiểm tra, khám xét nhiều địa điểm tại TP.Biên Hòa, các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán và TP.HCM, phát hiện thu giữ hàng tấn hàng hóa các loại như: bột ngọt, bột giặt, dầu ăn, mì tôm, nước mắm... nghi bị làm giả.
Trong đó, tại nhà số 1546E, ấp Phú Tân, xã Phú Cường (H.Định Quán, do bà Vũ Thị Hoa làm chủ), lực lượng công an phát hiện, thu giữ hơn 2 tấn hàng hóa các loại. Ngoài ra, nhiều tổ công tác khác cũng đồng loạt khám xét các địa điểm khác và thu giữ hơn chục tấn hàng hóa nghi bị làm giả.
Theo xác minh ban đầu của cơ quan công an, các đối tượng trong đường dây này đã mua các sản phẩm như: dầu ăn, bột ngọt, hạt nêm... trôi nổi trên thị trường, sau đó mang về dùng máy gia công đóng gói giả các nhãn hiệu nổi tiếng. Việc triệt phá đường dây sản xuất hàng giả này nằm trong cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của Công an tỉnh.
Thời gian qua, công an các địa phương cũng đã phát hiện, xử lý nhiều cơ sở giết mổ gia súc hoạt động chui, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Đặc biệt, lực lượng chức năng còn phát hiện cả những cơ sở mua heo chết về chế biến rồi bán ra thị trường.
Cụ thể, vào ngày 21-12-2021, Công an H.Trảng Bom kiểm tra nhà ông Nguyễn Mạnh Thảo (40 tuổi, ngụ xã Bình Minh, H.Trảng Bom) phát hiện hơn 250kg thịt heo đã tím tái được cất trong tủ đông. Làm việc với cơ quan công an, ông Thảo khai đã mua heo chết của hộ chăn nuôi tại các xã lân cận và xe vận chuyển heo chết rồi đem về xẻ thịt, sau đó mang đi tiêu thụ.
Còn tại TP.Biên Hòa, lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa cho biết, xác định được tình hình phức tạp của các đối tượng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, thời gian vừa qua, lực lượng Công an thành phố đã ra quân kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm. Vào sáng 29-12-2021, Công an TP.Biên Hòa phối hợp với Trạm Thú y Biên Hòa tiến hành kiểm tra xe tải 51C-226.45 do tài xế P.V.U. (47 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) điều khiển vận chuyển số sản phẩm động vật (da, mỡ bò) với khối lượng 900kg đã bốc mùi hôi thối đang trên đường đi tiêu thụ. Làm việc với lực lượng chức năng, tài xế U. khai số sản phẩm trên được mua tại các lò mổ trên địa bàn TP.Biên Hòa và H.Trảng Bom với giá từ 5-6 ngàn đồng/kg. Sau khi gom đủ chuyến hàng, tài xế U. sẽ vận chuyển lên TP.HCM bán lại cho các đầu mối kiếm lời.
* Công tác xử lý còn gặp khó khăn
Theo các cơ quan chức năng của tỉnh, để tìm cách hoạt động kinh doanh các loại hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, vi phạm VSATTP, các đối tượng đã tìm đủ mọi thủ đoạn để đối phó.
Công an H.Trảng Bom phát hiện cơ sở giết mổ, chế biến heo chết, bốc mùi hôi thối. Ảnh: TỐ TÂM |
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh cho biết, các đối tượng kinh doanh trên các lĩnh vực liên quan đến thực phẩm không đảm bảo VSATTP, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã tìm đủ mọi cách để che giấu các sai phạm của mình. Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh, giết mổ gia súc không đảm bảo VSATTP thường ẩn náu trong các khu vực hẻo lánh, cơ sở hoạt động được ngụy trang rất kỹ. Đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng cũng đã tìm cách lợi dụng thời điểm cuối năm, khi người dân có nhu cầu mua hàng nhiều để tung hàng ra thị trường.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 62 cơ sở giết mổ (cơ sở được cấp phép và tạm thời). Để đảm bảo VSATTP, lực lượng thú y luôn theo dõi, kiểm tra tại tất cả các điểm giết mổ này. Nhìn chung các hoạt động giết mổ có phép đều đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng tồn tại hơn 200 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trái phép, xuất hiện nhiều sai phạm, nhất là vấn đề VSATTP.
Theo ông Giang, do siêu lợi nhuận nên nhiều người vẫn bất chấp quy định pháp luật, thực hiện hoạt động giết mổ trái phép, không đảm bảo vệ sinh và quy trình giết mổ. Đặc biệt, có nhiều cơ sở mua động vật đã chết, bốc mùi hôi thối về chế biến thành các loại thực phẩm khác nhau bán ra thị trường, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân.
Trao đổi về thực trạng này, thượng tá Trần Anh Sơn, Trưởng Công an H.Xuân Lộc cho biết, trong năm 2021, Công an huyện phối hợp với tổ kiểm tra liên ngành của huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, cửa hàng ăn uống trên địa bàn huyện về đảm bảo VSATTP, qua đó phát hiện 4 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 9 triệu đồng. “Hoạt động kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, mua bán thực phẩm thường gặp những phản ứng, chống đối của khách hàng hoặc của chủ cơ sở. Các điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn cũng thường được thực hiện trong không gian che kín, hoạt động vào thời gian rạng sáng, rất khó để kiểm tra, xử lý. Để xác định thực phẩm bẩn cũng rất khó khăn do việc lấy mẫu thực phẩm phải có cơ quan chuyên môn thực hiện, quá trình phân tích xác định thực phẩm có nhiễm bẩn hay không khá lâu, ảnh hưởng đến quá trình xử lý vụ việc” - thượng tá Trần Anh Sơn cho hay.
Thượng tá Ngô Như Hà, Phó trưởng Công an H.Thống Nhất cũng cho biết, trên địa bàn H.Thống Nhất có nhiều cơ sở chăn nuôi và giết mổ đã kéo theo tình trạng vi phạm về VSATTP diễn biến phức tạp. Trong năm 2021, đơn vị đã phối hợp xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hành vi vi phạm VSATTP 7 vụ, 7 đối tượng với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng. “Nhiều đối tượng vì lợi nhuận đã mua động vật chết về tập kết tại những điểm vắng trong rẫy sâu, nhà được che chắn kỹ lưỡng hoặc có người cảnh giới. Trong một số trường hợp lực lượng chức năng phát hiện, tiếp cận kiểm tra thì các đối tượng khóa kín cửa, có hành vi chống đối gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm” - thượng tá Hà chia sẻ.
Tố Tâm - Trần Danh