Quan niệm "thương cho roi cho vọt", không làm chủ được cảm xúc, không kiềm chế được cơn nóng giận, thiếu kỹ năng trong quá trình giáo dục con… là những nguyên nhân dẫn đến nạn bạo hành trẻ em trong gia đình.
Quan niệm “thương cho roi cho vọt”, không làm chủ được cảm xúc, không kiềm chế được cơn nóng giận, thiếu kỹ năng trong quá trình giáo dục con… là những nguyên nhân dẫn đến nạn bạo hành trẻ em trong gia đình. Điều này không chỉ vi phạm quyền trẻ em mà còn tạo nên những tổn thương tâm lý khó chữa lành cho trẻ.
Giao diện ứng dụng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Tổng đài 111) trên điện thoại. Ảnh chụp màn hình |
Cha mẹ cần trang bị thêm kiến thức, kỹ năng để giáo dục con đúng cách. Chỉ có giáo dục trẻ bằng sự mềm mỏng, tình yêu thương đúng cách mới mang lại kết quả, giúp trẻ không chỉ tiến bộ mà còn được vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày.
* Những vết thương khó chữa lành
ThS tâm lý Hà Văn Phúc, Giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển giáo dục Vlife (TP.Biên Hòa) đã tiếp nhận và tham vấn cho nhiều học sinh, trong đó có những trường hợp tìm đến chuyên gia tâm lý vì bạo hành gia đình. Những ca tham vấn này có hoàn cảnh khá điển hình và phổ biến trong xã hội hiện nay: cha mẹ không hòa hợp, bị áp lực về mặt kinh tế dẫn đến thường xuyên cãi vã rồi “giận cá chém thớt” nên thường la mắng, chửi bới, đánh đòn con; cha mẹ ly hôn, trẻ phải chọn sống với 1 trong 2 người, những lúc buồn bực, nhìn mặt con lại nghĩ đến “người cũ” nên đem bao nhiêu cảm xúc tiêu cực trút hết lên người con…
Nhiều cách kết nối với Tổng đài 111 Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Tổng đài 111) là đường dây khẩn cấp có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại, kiểm tra thông tin tố giác ban đầu. Hiện nay, người dân còn có thể kết nối với Tổng đài 111 thông qua ứng dụng Tổng đài 111 (tải trên App Store hoặc CH Play) hoặc kết nối với Tổng đài 111 trên Zalo. Không chỉ là kênh tiếp nhận thông tin, ứng dụng còn cung cấp những nguồn thông tin hữu ích liên quan đến an toàn trẻ em như: thư viện tài liệu điện tử, danh bạ các số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp, danh sách địa chỉ trang web của các đơn vị cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trẻ em |
Không phải chỉ những phụ huynh “ít chữ” mới dạy con theo cách trên, rất nhiều phụ huynh dù ý thức được việc đánh đòn con trẻ là điều không nên, đánh con xong rồi hối hận, xuýt xoa nhưng vẫn phạm phải sai lầm này.
“Bạo lực gia đình không chỉ về mặt thể xác mà còn có cả bạo lực tinh thần. Nhiều trẻ bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Có bé rơi vào trạng thái gần như trầm cảm, tự hủy hoại bản thân (rạch tay, uống thuốc ngủ …), có bé thì chọn cách bỏ nhà đi, dọn ra phòng trọ ở với bạn. Tất cả những điều này đều dẫn đến các rủi ro về sức khỏe, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Về lâu dài, những đứa trẻ hay bị đánh, chửi thường có tâm lý chống đối, tiềm ẩn nguy cơ phát triển lệch lạc, ưa bạo lực khi trưởng thành” - ông Phúc cho hay.
* Kiên nhẫn, lắng nghe và chia sẻ
Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) là một trong những trường học đầu tiên trên địa bàn tỉnh có phòng tham vấn tâm lý học đường với nhân sự phụ trách là người có chuyên môn tâm lý lâm sàng. Nhà trường còn có tiết kỹ năng sống dành cho học sinh tất cả các khối lớp. Một trong những bài học được đưa vào trong chương trình kỹ năng sống là kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình. Trẻ được cung cấp kiến thức để hiểu rằng bạo lực gia đình bao gồm cả bạo lực thể xác và bạo lực tinh thần; kỹ năng để trao đổi, trình bày suy nghĩ cùng cha mẹ. Trẻ cũng được học cách xử lý trong tình huống bị bạo lực.
Cha mẹ cần phải lắng nghe con, tìm ra những điểm tốt của con để ủng hộ con. Ảnh: H.YẾN |
Em T.Gi.H., học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng chia sẻ, bản thân em cũng có lúc bị đánh đòn: “Những lúc đó, em thấy rất buồn, bực tức nhưng em biết, một phần lỗi cũng do em và rất mong muốn cải thiện điều này. Vì vậy, các tiết học kỹ năng sống rất quan trọng và bổ ích. Em muốn được biết nhiều hơn nữa về quyền trẻ em”.
Chị Võ Thị Hoàng Yến (KP.2, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho rằng, quan điểm giáo dục “thương cho roi cho vọt” không còn phù hợp trong xã hội ngày nay. Để không phải dùng đến đòn roi, quát mắng và có thể thực hiện được phương pháp giáo dục tích cực đối với con là hành trình gian nan của cha mẹ. Yếu tố cốt lõi là cha mẹ cần có lòng kiên nhẫn và phải biết kiềm chế bản thân.
Kinh nghiệm của chị Yến để dạy con mà không phải dùng đến bạo lực đó là phải hết sức kiên nhẫn để rèn luyện cho con tính kỷ luật và thật nghiêm khắc với con. Khi con phạm lỗi, thay vì đánh đòn, chị sẽ dùng đến các hình phạt như: giảm thời gian được xem chương trình tivi, giảm thời gian chơi trò chơi yêu thích…
Theo các chuyên gia tâm lý, để giải quyết vấn đề bạo lực gia đình phải bắt đầu từ chính phụ huynh. Phụ huynh phải thay đổi quan niệm về giáo dục, hãy xem con là bạn để lắng nghe những vấn đề mà con đang gặp phải và cùng con tìm cách giải quyết hợp lý. Phụ huynh cũng cần tham khảo thêm kiến thức về tâm lý trẻ trong từng giai đoạn, các phương pháp giáo dục tích cực để áp dụng trong quá trình giáo dục con.
Hải Yến
Ông ĐỖ HUY KHÁNH, Phó giám đốc Sở GD-ĐT:
Thầy cô giáo là cầu nối để trẻ chia sẻ, tâm tình
Trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch chỉ đạo tuyên truyền, tập huấn công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trong toàn tỉnh; đưa kiến thức về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại, lạm dụng tình dục và bạo lực trẻ em, giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống đến từng em học sinh.
Chúng tôi sẽ thúc đẩy để nhà trường, các thầy cô giáo tìm hiểu được tâm tư, tình cảm, những khó khăn, vướng mắc của các em trong cuộc sống và trở thành cầu nối, giúp các em giải quyết được vấn đề, tránh để trẻ bị tổn thương về thể xác, tinh thần.
Hiện nay, nhiều em học sinh còn chưa nắm rõ về quyền trẻ em, chưa nhớ được thông tin các số điện thoại, địa chỉ cần thiết để liên lạc khi cần trợ giúp. Theo tôi, ngoài việc phổ biến thông tin, nhà trường nên dán những thông tin này ở vị trí trẻ dễ quan sát, dễ tiếp cận để ghi nhớ. Ngoài ra, thầy cô giáo nên hướng dẫn các em ghi chú các số điện thoại cần thiết trong sổ tay học đường, thậm chí là trong sổ nhật ký…
Anh VÕ VĂN TRUNG, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch HĐĐ tỉnh:
Phát huy hiệu quả mô hình Hội đồng trẻ em
Năm 2020, HĐĐ tỉnh đã tham mưu cho Ban thường vụ Tỉnh đoàn ra quyết định thành lập Hội đồng Trẻ em tỉnh Đồng Nai. Tiếp đó, HĐĐ tỉnh cũng đã chỉ đạo thành lập hội đồng trẻ em cấp huyện tại 3 huyện Xuân Lộc, Nhơn Trạch và Định Quán. Thành viên tham gia hội đồng là các em học sinh tiêu biểu xuất sắc, có kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, phát hiện và tổng hợp các vấn đề của trẻ em, có năng khiếu và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Để tăng cường thực hiện quyền trẻ em đồng thời giúp trẻ em hiểu rõ về quyền của mình, trong thời gian tới, HĐĐ tỉnh tiếp tục triển khai một số nội dung sau: thực hiện hiệu quả mô hình Hội đồng trẻ em ở cấp tỉnh và huyện, tổ chức tập huấn kỹ năng cho hội đồng trẻ em các cấp; định kỳ tổ chức Diễn đàn trẻ em để lắng nghe tiếng nói của các em; phát huy hiệu quả vai trò của CLB tư vấn, trợ giúp pháp lý cho trẻ em... Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm các giải pháp giúp nâng cao vai trò của tổ chức Đội TNTPHCM và HĐĐ các cấp, đội ngũ giáo viên làm Tổng phụ trách Đội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng.
Em BÙI TRẦN KHÁNH NGỌC, lớp 9/21 Trường THCS Trường Sa (TP.Biên Hòa), Chủ tịch Hội đồng Trẻ em tỉnh:
Cha mẹ nên tìm ra những điểm tốt để ủng hộ con
Theo quan điểm của em, cha mẹ không nên sử dụng đòn roi khi giáo dục con vì làm như vậy chỉ khiến con cái trở nên “cứng đầu” hơn. Thay vào đó, phụ huynh nên học cách lắng nghe con, tìm ra những điểm tốt của con để ủng hộ con, nói chuyện nhỏ nhẹ với con hơn. Ngược lại, bản thân trẻ em cũng phải nỗ lực, chăm ngoan hơn.
Xung quanh em, các bạn đã biết đến Hội đồng trẻ em. Em cũng được nghe nhiều bạn kể về việc cha mẹ không thấu hiểu, vẫn sử dụng phương pháp giáo dục cũ “thương cho roi cho vọt”. Em có khuyên các bạn là nên tâm sự với người thân, họ hàng hoặc giáo viên để có tiếng nói với phụ huynh. Thực tế, có bạn đã chọn tâm sự với cô giáo, kể ra tất cả những khúc mắc trong lòng và được cô giáo kết nối với phụ huynh. Nhờ đó, mối quan hệ của bạn và mẹ được cải thiện. Mẹ của bạn đã tìm hiểu về cuộc sống học đường của bạn, ngược lại bạn cũng quan tâm hơn đến mẹ. Hai mẹ con bạn thường xuyên đi chơi với nhau như những người bạn, rất vui vẻ.
Tuy nhiên, đa số các bạn học sinh đều chưa nắm được thông tin về số điện thoại đường dây nóng, cách thức để liên lạc với các tổ chức, đoàn thể có chức năng bảo vệ trẻ em để liên lạc khi cần thiết.
Tường Vi (ghi)