Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi trước, mở đường cho chuyển đổi số

08:01, 05/01/2022

Tại Việt Nam, giao thông - vận tải (GT-VT) là một trong 8 lĩnh vực được Chính phủ xác định ưu tiên phát triển chuyển đổi số, tập trung vào 3 nội dung chính là phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tại Việt Nam, giao thông - vận tải (GT-VT) là một trong 8 lĩnh vực được Chính phủ xác định ưu tiên phát triển chuyển đổi số, tập trung vào 3 nội dung chính là phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, ngành GT-VT là một trong những ngành tiên phong trong việc triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành chuyên ngành thuộc lĩnh vực đường bộ, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt, đăng kiểm.

Hàng loạt giải pháp về chuyển đổi số trên lĩnh vực GT-VT đã triển khai như: đẩy mạnh quản lý qua camera giao thông, giám sát hành trình; thành lập các trung tâm điều hành giao thông thông minh; tăng cường giải quyết hồ sơ trực tuyến… Bên cạnh đó, ngành GT-VT cũng xác định rất rõ mục tiêu chuyển đổi số qua việc ban hành Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2025, sẽ hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành GT-VT, trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành GT-VT. Ngoài ra, Bộ GT-VT đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS); hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương...

Việc đã và sẽ triển khai các giải pháp nêu trên góp phần quan trọng trong giải quyết những tồn tại, vướng mắc, khó khăn, bất cập tồn tại đã lâu trong ngành GT-VT như: tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe ở các đô thị; tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp… Từ các chiến lược chuyển đổi số sẽ giúp ngành GT-VT phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông theo xu thế chung của thế giới.

Để đạt được mục tiêu trên, ngoài sự quyết tâm của người đứng đầu ngành GT-VT từ Trung ương đến địa phương, còn cần có sự phối hợp ăn ý giữa 2 ngành GT-VT và TT-TT trong việc triển khai xây dựng lộ trình chuyển đổi số lĩnh vực GT-VT phù hợp với từng địa phương, đơn vị, tạo sự đồng bộ, thống nhất cao; đồng thời, giải được các bài toán lớn của ngành GT-VT. Song song đó, việc rà soát, bổ sung hoàn thiện, xây dựng các thể chế về luật, nghị định, thông tư và hướng dẫn thi hành cũng rất cần thiết nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số.

Tại hội nghị Chuyển đổi số ngành GT-VT vừa qua, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể khẳng định, công nghệ là con đường tất yếu để đổi mới tổ chức quản lý ngành GT-VT cũng như nâng cao hiệu quả quản lý ngành. Không có công nghệ không bao giờ giải quyết được các vấn đề lớn của ngành GT-VT. Do đó, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu của toàn ngành từ nay đến năm 2030.

Có thể nói rằng, việc phát triển, đi trước mở đường trong hoạt động ứng dụng công nghệ, triển khai chuyển đổi số của ngành GT-VT sẽ góp phần quan trọng, tạo động lực cho các ngành khác phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đặng Ngọc

 

 

Tin xem nhiều