Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần giải pháp tăng thu nhập, giữ chân nhân viên y tế

08:01, 02/01/2022

Năm 2021 được xem là năm khó khăn nhất với ngành Y tế Đồng Nai từ trước đến nay bởi phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 khốc liệt chưa từng có. Cán bộ, nhân viên y tế trong tỉnh phải làm việc rất vất vả với công suất gấp nhiều lần so với bình thường.

Năm 2021 được xem là năm khó khăn nhất với ngành Y tế Đồng Nai từ trước đến nay bởi phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 khốc liệt chưa từng có. Cán bộ, nhân viên y tế trong tỉnh phải làm việc rất vất vả với công suất gấp nhiều lần so với bình thường.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các cán bộ, nhân viên y tế có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các cán bộ, nhân viên y tế có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Mặc dù khối lượng công việc gấp nhiều lần nhưng thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế ở nhiều nơi lại giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, hiệu quả công việc.

* Hàng trăm bác sĩ, nhân viên nghỉ việc

TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, trong năm 2021, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện luôn trong tình trạng căng thẳng vì vừa phải lo ứng phó, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ( từ mức độ trung bình ở Bệnh viện Dã chiến số 3 đến bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch ở Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19) vừa phải lo thực hiện khám bệnh, cấp cứu, điều trị thường quy cho bệnh nhân tại bệnh viện.

Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất có 1.255 cán bộ, nhân viên, trong đó có 267 bác sĩ, 400 điều dưỡng. Trước áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại thấp, bệnh viện đã và đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn là bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên xin nghỉ việc. Từ tháng 1-2021 đến nay, toàn bệnh viện có 114 viên chức, người lao động (trong đó có 34 bác sĩ, 42 điều dưỡng, 38 nhân viên) thôi việc, bỏ việc. Hiện tại có 10 bác sĩ, điều dưỡng, cử nhân đang xin nghỉ việc nhưng bệnh viện chưa giải quyết. Ngoài ra, có 13 người khác đang xin nghỉ không lương; 6 người xin chuyển công tác.

Sở Y tế vừa có văn bản gửi lãnh đạo các đơn vị trực thuộc đề nghị thống kê số lượng cán bộ, viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc kể từ ngày 1-1-2021; nguyên nhân thôi việc, bỏ việc, biện pháp khắc phục của đơn vị nhằm hạn chế tình trạng cán bộ, viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc; đề xuất kiến nghị với UBND tỉnh, Bộ Y tế và Chính phủ.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết, các y, bác sĩ, nhân viên xin nghỉ việc phần lớn là do không chịu nổi áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Vấn đề cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc do thu nhập thấp không phải chỉ diễn ra trong năm 2021 mà đã diễn ra từ nhiều năm nay tại các bệnh viện công lập hạng 1 của tỉnh. Tuy nhiên, đến năm 2021 khi dịch bệnh bùng phát dữ dội, áp lực công việc quá lớn, nhiều cán bộ, nhân viên y tế quyết định “dứt áo ra đi” để tìm bến đỗ mới ít áp lực hơn hoặc làm công việc khác có thu nhập cao hơn. Tổng cộng trong 5 năm nay, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã “mất” khoảng 300 bác sĩ có tay nghề cao, điểm đến của đa số các bác sĩ nghỉ việc tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là các bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ về vấn đề thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế trong năm 2021, BS Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, từ tháng 6-2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các y, bác sĩ lúc nào cũng phải trong trạng thái “trực chiến” để làm nhiệm vụ. Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được chia đôi thành 2 khu vực. Bệnh nhân khi vào cấp cứu sẽ được làm xét nghiệm test nhanh miễn phí. Trường hợp nào có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì được đưa vào cấp cứu tại khu sàng lọc Covid-19 với đầy đủ trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác điều trị. Bệnh nhân nào có kết quả âm tính với thì điều trị ở khu vực cấp cứu thông thường. Từ cuối tháng 10 đến nay, khi tỉnh bước vào trạng thái bình thường mới, số bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tăng cao, trung bình mỗi ngày có từ 40-60 bệnh nhân. Trong đó, đa phần là bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền kèm theo nhiễm Covid-19.

“Mặc dù làm việc trong điều kiện nguy cơ lây nhiễm cao, áp lực lớn nhưng thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế lại giảm. Bản thân tôi ở điều kiện làm việc bình thường khi chưa có dịch Covid-19 có thu nhập khoảng 18 triệu đồng/tháng. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, thu nhập giảm chỉ còn 14 triệu đồng/tháng” - BS Hoàng chia sẻ.

* Thu nhập tăng thêm giảm mạnh

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng, bệnh viện đang thực hiện tự chủ tài chính nhưng suốt 1 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh thực hiện giãn cách xã hội nên số lượng bệnh nhân đến bệnh viện khám, chữa bệnh thấp hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát (chỉ đạt khoảng 40-50% bệnh nhân so với trước kia). Hiện nay, bệnh nhân vào bệnh viện đa số điều trị Covid-19 nên nguồn thu của bệnh viện cũng không đáng là bao. Nguồn thu giảm dẫn đến thu nhập tăng thêm cho cán bộ, y, bác sĩ giảm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh:Huy Anh

Nhiều y, bác sĩ nghỉ việc trong khi số lượng bệnh nhân Covid-19 bị bệnh nặng và nguy kịch chưa có dấu hiệu giảm khiến lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất vô cùng “đau đầu”.

“Bệnh viện muốn phát triển được phải có 3 nền tảng vững chắc. Đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc và đặc biệt là nhân lực. Bệnh viện công lập cứ ra sức đào tạo đến khi các bác sĩ, điều dưỡng vững tay nghề lại xin nghỉ việc khiến chúng tôi rơi vào vòng luẩn quẩn. Thiếu cơ sở vật chất, máy móc có thể bổ sung nhưng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao thì không thể có ngay trong một sớm một chiều” - TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất bộc bạch.

Cùng chung “cảnh ngộ” với Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.  BS CKII Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện giảm đáng kể.

Do lượng bệnh giảm, nguồn thu giảm nên thu nhập tăng thêm của cán bộ, nhân viên y tế cũng giảm nhiều. Để khích lệ nhân viên y tế tham gia công tác phòng, chống dịch, lãnh đạo bệnh viện đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ riêng cho cán bộ, nhân viên y tế ngoài chế độ chính sách của nhà nước. Chẳng hạn, bác sĩ, điều dưỡng nào vào làm việc tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 thì được hỗ trợ ngay 2 triệu đồng. Nhân viên y tế nào tham gia hỗ trợ công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 tại một số địa phương trong tỉnh được hỗ trợ 300 ngàn đồng/ngày… Tuy nhiên, theo BS Tuấn, đây chỉ là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp lâu dài. Do đó, rất cần có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho nhân viên y tế.

“Bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính nhưng suốt nhiều tháng liền bệnh nhân đến khám bệnh giảm. Đặc biệt, số lượng bệnh nhân sản khoa giảm mạnh do bệnh nhân có nhiều lựa chọn (giảm khoảng 50% bệnh nhân). Do đó, việc cân đối nguồn thu để chi cho nhân viên y tế là cực kỳ khó” - BS Ngô Đức Tuấn nói.

* Mở khu khám, điều trị theo yêu cầu

BS CKII Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho hay, để nâng cao thu nhập, giữ chân cán bộ, nhân viên y tế, phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân, phát triển bền vững, bệnh viện đã và đang triển khai nhiều giải pháp.

Bệnh nhân nhận thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất
Bệnh nhân nhận thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã đưa vào sử dụng khu khám và điều trị theo yêu cầu chất lượng cao gồm 200 giường bệnh nội trú và khu khám bệnh dịch vụ với đầy đủ các chuyên khoa. Theo lãnh đạo bệnh viện, khu khám, điều trị theo yêu cầu được khởi công xây dựng cách đây 2 năm với hình thức xã hội hóa. Bệnh viện đã vay của ngân hàng hơn 100 tỷ đồng để xây dựng khu khám và điều trị cao cấp theo yêu cầu nhằm đa dạng các dịch vụ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Qua cơ chế hoạt động của khu dịch vụ, lãnh đạo bệnh viện mời các chuyên gia, bác sĩ giỏi ở TP.HCM về bệnh viện khám, điều trị cho người dân. Cụ thể gồm các chuyên khoa: cơ xương khớp, tim mạch, viêm gan - ký sinh trùng - tiêu hóa. Các chuyên gia sẽ khám bệnh xen kẽ vào các ngày trong tuần.

“Thông qua hợp tác này, các chuyên gia sẽ vừa chuyển giao kỹ thuật cao, vừa đào tạo nhân lực cơ hữu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Dần dần, người dân sẽ tiếp cận được với phương pháp điều trị tốt. Bác sĩ của bệnh viện cũng làm chủ được nhiều kỹ thuật cao. Các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện đa số còn khá trẻ. Khi được các chuyên gia đầu ngành ở TP.HCM về chỉ dạy, cán bộ, nhân viên y tế sẽ học được tác phong làm việc chuyên nghiệp, nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Từ đó xây dựng môi trường làm việc văn hóa, có thái độ ứng xử với đồng nghiệp, bệnh nhân tốt hơn” - BS Phan Văn Huyên chia sẻ.

BS Phan Văn Huyên cho biết thêm, với vị trí nằm ở cửa ngõ phía đông của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đảm nhiệm vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân ở TP.Long Khánh và một số địa phương lân cận.

“Để nâng cao thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế, không có cách nào khác phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để thu hút bệnh nhân đến với bệnh viện. Có như vậy, bệnh viện mới có nguồn thu, thu nhập của nhân viên y tế mới đảm bảo” - BS Huyên nói.

Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai dự kiến sẽ triển khai khám, chữa bệnh theo yêu cầu để vừa đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân vừa tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều