Báo Đồng Nai điện tử
En

Xăng tăng giá, ngành vận tải gặp khó

03:12, 09/12/2021

Ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động vận tải (hành khách và hàng hóa) chưa thể phục hồi, giá xăng dầu lại tăng cao liên tiếp trong thời gian gần đây khiến hoạt động của các doanh nghiệp (DN) vận tải trên địa bàn Đồng Nai gặp rất nhiều khó khăn.

[links()]Ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động vận tải (hành khách và hàng hóa) chưa thể phục hồi, giá xăng dầu lại tăng cao liên tiếp trong thời gian gần đây khiến hoạt động của các doanh nghiệp (DN) vận tải trên địa bàn Đồng Nai gặp rất nhiều khó khăn.

Đồ họa thể hiện thông tin diễn biến giá xăng, dầu những lần điều chỉnh gần đây. Đồ họa: DƯƠNG NGỌC
Đồ họa thể hiện thông tin diễn biến giá xăng, dầu những lần điều chỉnh gần đây. Đồ họa: DƯƠNG NGỌC

Các DN mong muốn sớm có biện pháp hỗ trợ, giúp DN vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

* DN gồng mình hoạt động

Khoảng 2 tháng trở lại đây, giá bán lẻ xăng, dầu liên tục tăng cao. Dù mới đây, vào cuối tháng 11-2021, Liên bộ Tài chính - Công thương đã có đợt điều chỉnh giá bán lẻ các loại xăng, dầu trong nước theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, giá xăng E5 RON92 giảm 752 đồng/lít, giá xăng RON95 1.094 đồng/lít. Sau khi điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON92 là 22.917 đồng/lít và xăng RON95 là 23.902 đồng/lít. Tương tự, giá bán lẻ các loại dầu cũng giảm từ 334-440 đồng/lít. Giá bán sau khi điều chỉnh đối với mặt hàng dầu diesel hiện còn 18.382 đồng/lít; dầu hỏa là 17.197 đồng/lít và dầu mazut là 16.477 đồng/kg.

Như vậy, giá xăng trong nước có lần giảm đầu tiên kể từ cuối tháng 8-2021. Tuy nhiên, mức bán lẻ xăng, dầu vẫn ở mức cao nhất so với trước đây. Trong vòng 1 năm qua, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 15 lần, giảm 4 lần và giữ nguyên 3 lần, với xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 9.775 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 10.289 đồng/lít.

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, so với thời điểm trước dịch, sản lượng vận tải hành khách giảm sút 30-45%; vận tải hợp đồng du lịch gần như “đóng băng”; doanh thu vận tải hàng hóa giảm sút 20-30%. Số lượng xe phải nằm bãi có thời điểm lên tới hơn 50%.

Theo đánh giá, DN phải tạm dừng hoạt động mấy tháng do giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, khi vừa mới hoạt động trở lại thì giá xăng dầu tăng liên tục khiến cho DN tiếp tục gặp khó khăn hơn. Trong khi chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35% cơ cấu giá thành vận tải. Khi xăng dầu tăng thêm từ 1-1,5 ngàn đồng/lít, tỷ lệ này tăng lên khoảng 50% với giá thành vận tải.

Ông Nguyễn Văn Tài, chủ một DN vận tải trên địa bàn H.Nhơn Trạch cho biết, giá xăng dầu điều chỉnh tăng mạnh tác động đến việc kinh doanh của hàng loạt DN vận tải hàng hóa vốn đã rất khó khăn trong thời gian dịch bệnh vừa qua. DN có lượng xe lớn, chạy nhiều sẽ mất khoản chi phí lớn cho nhiên liệu. Chi phí đầu vào phát sinh ngày càng tăng do phải áp dụng các biện pháp phòng dịch. Chưa kể, DN phải tăng chi phí phúc lợi mới giữ được chân người lao động do hiện nay rất khó tìm nhân sự lĩnh vực vận tải.

“Thời điểm cuối năm, khi hoạt động vận tải được đẩy mạnh thì lại gặp trở ngại vì chi phí nhiên liệu. Giá xăng, dầu tăng mạnh và đột ngột, DN vận tải trở tay không kịp nên ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. DN xoay xở đủ cách nhưng không hề đơn giản…” - ông Tài nói.

Giá xăng, dầu tăng cao trong thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động vận tải hàng hóa. Trong ảnh: Xe chở hàng hóa lưu thông trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa)Ảnh: Thanh Hải
Giá xăng, dầu tăng cao trong thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động vận tải hàng hóa. Trong ảnh: Xe chở hàng hóa lưu thông trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải

Giám đốc Công ty TNHH Quang Phát (TP.Biên Hòa) Bùi Ngọc Quang cho rằng, hằng ngày, mỗi đầu xe trong tổng số gần 15 chiếc đang hoạt động của công ty phải chịu thêm khoảng 1 triệu đồng tiền dầu. Giá xăng, dầu “nhảy múa” cùng giá cả phụ tùng ô tô, chi phí bảo trì, phí thuê sân bãi, chỗ đậu xe… cũng tăng theo khiến DN rất khó khăn.

Theo ông Quang, trong gần 2 năm qua, khi dịch  bệnh Covid-19 bùng phát, DN đã phải “gồng mình” cầm cự mới có thể duy trì hoạt động. Để có doanh thu và việc làm cho người lao động, công ty đã mở rộng thêm các hoạt động dịch vụ khác cũng như đa dạng loại hàng hóa vận chuyển theo nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, dù “cơ cấu” lại hoạt động kinh doanh nhưng tình hình vẫn không được cải thiện bởi hơn 4 tháng qua khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, phần lớn phương tiện phải nằm bãi.

“Một nghịch lý là trong khi các đầu xe phải ngừng chạy do không có hàng nhưng DN vẫn phải đóng đủ các loại thuế, phí khác. Nhiều loại thuế, phí, lãi ngân hàng, các loại phí bảo hiểm không được giảm; tiền thu kho bãi cũng tăng cao từ đầu năm 2021 đến nay. Đến khi hoạt động vận tải vào guồng hoạt động ổn định lại phải chịu sức ép của giá xăng, dầu tăng phi mã” - ông Quang chia sẻ.

* Xe khách lăn bánh là lo lỗ

Không chỉ vận tải hàng hóa mà DN xe khách cũng đau đầu với việc khó khăn tiếp tục bủa vây. Một DN vận tải hành khách liên tỉnh có quy mô lớn cho biết, để hòa vốn cho 1 xe lăn bánh phải đạt từ 60% số ghế trở lên. Tuy nhiên, chỉ cần lượng khách bằng con số này thì việc có lãi để duy trì hoạt động cho công ty là cả vấn đề khi giá xăng, dầu tăng cao. Đơn cử như mới đây, DN bắt đầu nối lại hoạt động từ Đồng Nai đi một số tỉnh miền Bắc, miền Trung nhưng chỉ mới chạy vài chuyến đã phải tạm dừng vì thu không đủ chi.

Đặc biệt, từ đây đến cuối năm 2021 là cao điểm đi lại trong vận tải khách, nhưng qua đánh giá nhu cầu của thị trường không có nhiều khởi sắc. Chưa kể, dịch bệnh đang ngày càng phức tạp, nhiều nơi không thể dừng đón, trả khách do thuộc cấp độ dịch nguy cơ cao nên phải bỏ bến, mất khách rất lớn. Nhiều DN lo lắng, xe chưa lăn bánh đã sợ lỗ, không dám chạy.

Xe khách, xe buýt chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và giá xăng, dầu tăng cao. Trong ảnh: Xe buýt dừng đậu tại bến xe Biên Hòa. Ảnh: Thanh Hải
Xe khách, xe buýt chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và giá xăng, dầu tăng cao. Trong ảnh: Xe buýt dừng đậu tại bến xe Biên Hòa. Ảnh: Thanh Hải

Ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoàng Hà (TP.Biên Hòa) cho biết, dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến các DN vận tải khách cạn kiệt nguồn lực, số lượng xe được phép hoạt động trở lại khá khiêm tốn. Công ty có gần 90 xe vận chuyển khách theo hợp đồng với các DN đưa đón công nhân, chạy các tuyến cố định, đưa đón khách du lịch. Hiện chỉ có mảng vận chuyển lao động cho các công ty hoạt động tương đối ổn định, riêng xe hợp đồng chạy cho các công ty du lịch gần như tê liệt.

Ông Phạm Minh Hiển, Giám đốc Công ty CP Vận tải taxi Long Thành cho biết, xe taxi cũng trong tình trạng khó khăn suốt thời gian qua. Lượng khách đi lại bằng taxi chưa nhiều, nhưng giá cả không thể tùy tiện điều chỉnh. Việc điều chỉnh giá cước không dễ dàng do người dân vẫn còn e ngại đi lại bằng phương tiện công cộng, chỉ cần nhích tăng giá là lượng khách sẽ càng ít hơn.

Theo ông Hiển, để có được khách hàng hiện đã là điều rất khó với vận tải hành khách, nhưng để giá cước tăng theo giá xăng dầu thì sẽ khiến DN mất khách hàng. Song nếu không thể tăng giá cước, đồng nghĩa với việc DN phải đối mặt với tình trạng lỗ chi phí, thu không đủ chi. Thực tế, thời gian qua khi lượng khách sụt giảm nghiêm trọng rất khó để có lợi nhuận nhưng công ty vẫn chấp nhận chạy và kiếm lời bằng cách không tính tỷ lệ khấu hao xe, không tính đến những rủi ro, tiết kiệm tối đa chi phí nhiên liệu.

“Tăng giá vé trong điều kiện kinh tế khó khăn và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các DN vận tải trên địa bàn tỉnh là việc chúng tôi chưa dám thực hiện ngay bây giờ. Còn trong thời gian tới, trường hợp không thể tăng giá cước, DN e dè trở lại hoặc phải bán bớt phương tiện, thu hẹp hoạt động” - đại diện một DN vận tải khách (TP.Biên Hòa) cho hay.

Thanh Hải

 

 

Tin xem nhiều