Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo tỉnh, cả hệ thống chính trị - xã hội tại Đồng Nai đã dừng tất cả mọi công việc để cùng tham gia chống dịch...
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo tỉnh, cả hệ thống chính trị - xã hội đã dừng tất cả mọi công việc để cùng tham gia chống dịch.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (giữa) cùng lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế thăm, động viên tinh thần cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 3 (ký túc xá Trường đại học Mở TP.HCM cơ sở 2, TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Dung |
Ngành Y tế với vai trò chủ công đã thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cùng với đó, lực lượng quân đội, công an, doanh nghiệp, chức sắc, tôn giáo, tình nguyện viên, các tổ chức, cá nhân… đã có những đóng góp quan trọng nhằm khống chế dịch bệnh, đưa người dân sớm trở về cuộc sống bình thường.
* Từng bước kiểm soát dịch bệnh
TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ cuối tháng 6-2021, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu có dấu hiệu lan rộng trên địa bàn tỉnh, nguồn lây từ các ổ dịch ở TP.HCM, tỉnh Bình Dương. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh chưa cao, từ ngày 9-7 đến 22-10, tỉnh Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh. Đây là giai đoạn kéo dài nhất và gây thiệt hại nặng nề nhất về con người và kinh tế của tỉnh. Dịch bệnh xâm nhập sâu vào cộng đồng, tạo nhiều ổ dịch lớn, khó kiểm soát nguồn lây, đặc biệt là tại các doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân. Thời điểm đỉnh dịch, có những ngày tỉnh ghi nhận hơn 1 ngàn ca mắc bệnh mới.
Giữa tháng 8-2021, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh thực hiện kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh làm Trưởng ban. Đồng thời, thành lập Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh do đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng làm Chỉ huy trưởng.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng động viên tinh thần lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 |
Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh thực hiện chế độ họp trực tuyến hằng ngày với ban chỉ đạo các huyện, thành phố; theo dõi, đánh giá sát tình hình diễn biến dịch bệnh và đưa ra các chỉ đạo cụ thể để triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp, hiệu quả, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì liên tục các dịch vụ thiết yếu cho xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho hay, trước mỗi cuộc họp ban chỉ đạo, đồng chí đã lắng nghe, tiếp cận thông tin từ rất nhiều nhà tư vấn, những người có chuyên môn về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và giải pháp để chỉ đạo thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự quyết tâm, đồng thuận cao của người dân, đến cuối tháng 9-2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Số ca mắc trong cộng đồng và trong khu phong tỏa giảm mạnh.
Song song với công tác cách ly, điều trị, chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 lớn nhất chưa từng có từ trước đến nay được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Lực lượng y tế, tình nguyện viên, cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành cùng tham gia chiến dịch tiêm chủng, nhập liệu…
Từ ngày 23-10 đến nay, Đồng Nai thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Chỉ thị số 20 của UBND tỉnh, dỡ bỏ dần phong tỏa, giãn cách, chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Đến nay, 90% các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở lại bình thường. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 đứng tốp đầu cả nước với hơn 100% người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 1, gần 96% đã được tiêm mũi 2 và hơn 5,5% đã được tiêm mũi 3. Công tác cách ly, điều trị F0 tại nhà được đẩy mạnh nhằm giảm tải cho ngành Y tế. Các bệnh viện dã chiến được giải thể để tập trung nhân lực phục vụ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng.
* Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, để đáp ứng công tác phòng, chống dịch, ngành Y tế đã chỉ đạo toàn bộ nhân lực y tế công lập và huy động y tế tư nhân tham gia. Cán bộ y tế từ tỉnh đến huyện, xã làm việc không kể ngày đêm, cả ngày nghỉ, ngày lễ, vừa căng mình tham gia công tác khám, chữa bệnh thông thường tại đơn vị, vừa tham gia điều tra, truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, phục vụ các bệnh viện dã chiến, hỗ trợ trạm y tế lưu động, tham gia các trạm kiểm soát dịch bệnh trên các tuyến giao thông… Nhiều cán bộ y tế nhiều tháng liền cách ly phục vụ trong các cơ sở điều trị Covid-19, dù bản thân bị nhiễm Covid-19 vẫn tình nguyện ở lại phục vụ người bệnh.
Với vai trò là người tham mưu các hoạt động chống dịch Covid-19 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) nói riêng và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh nói chung, BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC Đồng Nai chia sẻ, dịch bệnh diễn ra chưa từng có tiền lệ. Thời điểm dịch bệnh lây lan quá nhanh, số ca mắc Covid-19 tăng theo cấp số nhân mà lực lượng y tế có hạn, lực lượng chi viện chưa có để truy vết, xét nghiệm… khiến bản thân ông và nhiều cán bộ, nhân viên y tế gặp rất nhiều khó khăn và áp lực. BS Phúc cùng các đồng nghiệp đã trải qua nhiều đêm trắng để điều tra, truy vết, xử lý các ổ dịch phức tạp, điều tiết các hoạt động chuyển bệnh, phân luồng ca bệnh, chỉ định xét nghiệm. Cùng với đó là trực, trả lời thông tin đường dây nóng với hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn mỗi ngày…
Nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chăm sóc trẻ sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 |
“Suốt hơn 1 năm qua, với lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc, tôi đã đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, dành tất cả tâm trí, sức lực, thời gian để góp phần khống chế dịch bệnh, cứu người. Trong suy nghĩ và hành động của tôi chỉ còn biết đến 2 từ “chống dịch”. Trải qua những ngày tháng không thể nào quên trong cuộc đời, tôi mong sao dịch bệnh sớm được đẩy lùi để mọi gia đình đều được sum họp, quây quần bên nhau an yên, hạnh phúc” - BS Phúc bộc bạch.
Cùng với ngành Y tế, với phương châm “giúp dân là mệnh lệnh trái tim của người lính Cụ Hồ”, hơn 11 ngàn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại các chốt kiểm soát phòng dịch, các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, phong tỏa… Sau khi tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ với tổng trị giá hơn 47 tỷ đồng từ các tập thể, cá nhân, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tổ chức hỗ trợ cho người dân khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn tham gia phòng, chống dịch…
Trong khi đó, ngành Công an đã triển khai hơn 5 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an tỉnh và 919 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp cùng lực lượng chức năng tại cơ sở tham gia kiểm soát tại 1.517 chốt kiểm soát, 502 tổ tuần tra lưu động kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19; 46 tổ tuyên truyền lưu động, các tổ truy vết, tổ chức lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại các khu phong tỏa, khu cách ly y tế, cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến và các địa bàn trọng điểm. Triển khai 24 chốt kiểm soát thực hiện nhiệm vụ kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Từ ngày 2-6 đến cuối tháng 11-2021, đã kiểm soát hơn 969,8 ngàn lượt phương tiện với hơn 1,2 triệu lượt người được đo thân nhiệt, hơn 587,6 ngàn lượt người khai báo y tế.
Ngoài 3 lực lượng nòng cốt là y tế, quân đội, công an, các tổ chức tôn giáo, các sở, ban, ngành, tình nguyện viên, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức khác cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho hay, để chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, trong năm 2021, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đã phối hợp với Hội LHTN tỉnh thực hiện chương trình Tiếp sức tuyến đầu, gửi trọn niềm tin. Qua đó, định kỳ hằng tuần trong vòng 2 tháng tổ chức trao tặng thực phẩm, nước uống, các dụng cụ y tế cho các bệnh viện dã chiến với giá trị gần 300 triệu đồng. Thực hiện các chương trình Quầy hàng nhân ái, trao tặng 1,5 ngàn túi quà an sinh, 2 ngàn túi thuốc an sinh với tổng trị giá gần 750 triệu đồng; trao tặng 1 ngàn tấn gạo cho người dân tại các vùng dịch có mức độ nguy cơ cao, rất cao trị giá gần 11 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội còn triển khai Chương trình ATM F0 chống dịch, Chương trình ATM oxy nhằm hỗ trợ các bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Qua các hoạt động này đã góp phần đảm bảo tình hình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
* Thách thức lớn, cơ hội nhiều
Tại hội nghị tổng kết công tác ngành Y tế năm 2021 mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ, tất cả chúng ta đang đi chung trên một con tàu có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trước đây, chúng ta thiết kế bộ máy để chăm sóc sức khỏe nhân dân trong điều kiện bình thường. Nay đại dịch ập đến, vẫn bộ máy đó mà vẫn thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là điều rất đáng biểu dương. Mặc dù Trung ương có hỗ trợ, lực lượng tình nguyện các địa phương trong cả nước có hỗ trợ, nhưng nòng cốt vẫn là ngành Y tế và các lực lượng trong tỉnh.
Các cán bộ, nhân viên ngành Y tế đã giành giật sự sống cho từng bệnh nhân. Thời điểm mới về Đồng Nai nhận nhiệm vụ, nhận thấy số ca tử vong do Covid-19 ở TP.HCM, tỉnh Bình Dương rất lớn, Bí thư Tỉnh ủy lo ngại số ca tử vong do Covid-19 của Đồng Nai sẽ vượt tỉnh Bình Dương vì dân số của Đồng Nai gấp 1,5 lần Bình Dương. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ tử vong do Covid-19 của tỉnh ở mức 0,5% là điều rất đáng nể.
Cho rằng đời sống bác sĩ phải/được trải qua 1 đại dịch với quy mô toàn cầu là không hề đơn giản, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: “Đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các y, bác sĩ kiên cường hơn. Thế hệ bác sĩ lúc này đang là thế hệ bác sĩ vàng, có nhiều kinh nghiệm nhất, có nhiều trải nghiệm nhất. 30 năm nữa, những y, bác sĩ ngày hôm nay sẽ kể lại, truyền lại kinh nghiệm cho những thế hệ bác sĩ trẻ về đại dịch. Qua đại dịch, chúng ta biết cách tạo thêm nguồn nhân lực cho ngành Y tế. Kiến thức của nhân dân về dịch tễ, về cách chăm sóc sức khỏe cũng tăng lên. Chúng ta có mất mát nhưng cũng gặt hái được nhiều kết quả từ công tác chống dịch. Đội ngũ chúng ta kiên cường hơn, bản lĩnh hơn, kinh nghiệm chuyên môn dày dặn hơn”.
Đánh giá cao nỗ lực, kết quả mà ngành Y tế Đồng Nai đã đạt được trong năm 2021, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nói: “Tất cả cán bộ, nhân viên y tế đều xứng đáng là anh hùng, là chiến sĩ thi đua, không cần phải bình bầu, bỏ phiếu gì cho phức tạp. Tất cả các đồng chí đều xứng đáng được Đảng, Nhà nước, nhân dân tôn vinh, khen thưởng”.
Sáng nay 28-12, tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh diễn ra lễ tuyên dương, tôn vinh các lực lượng tuyến đầu, các tổ chức, cá nhân, doanh nhân, chức sắc, nhà tu hành trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Từ điểm cầu Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh sẽ truyền trực tuyến đến các điểm cầu của 11 huyện, thành phố trong tỉnh. UBND tỉnh sẽ khen thưởng hơn 2 ngàn cá nhân, tập thể. Trong đó, tại điểm cầu chính của tỉnh sẽ khen thưởng 250 cá nhân, tập thể. Còn lại các huyện, thành phố sẽ tổ chức khen thưởng tại địa phương, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. |
Hạnh Dung
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh CAO VĂN QUANG:
Huy động sức mạnh toàn dân
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát đi Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết, đồng lòng tham gia công tác phòng, chống dịch. Kết quả, toàn tỉnh đã thành lập được hơn 10,5 ngàn tổ Covid cộng đồng với hơn 40 ngàn người và 187 đội tình nguyện phòng tuyến áo xanh với hơn 2,6 ngàn tình nguyện viên tham gia… Đông đảo các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã nhiệt tình ủng hộ sức người, sức của vào công tác phòng, chống dịch.
Kết quả, đã tiếp nhận kinh phí và hiện vật hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 hơn 985,5 tỷ đồng để chăm lo cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch và công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19…
TS-BS PHẠM VĂN DŨNG, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất:
Căng mình thực hiện nhiệm vụ kép
Trong nhiều tháng qua, hơn 1,2 ngàn cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã nỗ lực gấp 2, gấp 3 so với trước và so với sức lực của mình để góp phần khống chế dịch bệnh Covid-19. Bệnh viện được giao nhiệm vụ tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương đặt tại bệnh viện; điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Dã chiến số 3; tham gia tiêm vaccine ngừa Covid-19, lấy mẫu xét nghiệm, làm xét nghiệm…
Bên cạnh đó, bệnh viện vẫn thực hiện nhiệm vụ khám, điều trị các bệnh thông thường khác cho bệnh nhân. Thời điểm này, mặc dù tỉnh đã bước vào trạng thái bình thường mới nhưng số ca bệnh nặng lại tăng, số ca tử vong do Covid-19 chưa giảm. Do đó, bệnh viện tiếp tục nỗ lực để cứu chữa cho bệnh nhân, hạn chế tối đa số ca tử vong.
ThS NGUYỄN THANH THẾ, Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh:
Chạy đua với thời gian để có kết quả xét nghiệm sớm nhất
Dịch bệnh lan rộng đồng nghĩa với mẫu bệnh phẩm được gửi đến trung tâm để làm xét nghiệm RT-PCR ngày càng tăng. Thời điểm cao điểm (tháng 8, 9, 10-2021), các kỹ thuật viên, nhân viên thực hiện xét nghiệm không kể ngày đêm chạy đua với thời gian để có được kết quả xét nghiệm nhanh nhất, chính xác nhất. Đã nhiều tháng nay, chúng tôi không biết đến ngày nghỉ, ngày lễ, luôn trong tư thế sẵn sàng để có lệnh điều động của lãnh đạo là vào việc ngay, bất kể ngày đêm, nắng mưa, lễ, tết.
Đại tá NGUYỄN VĂN DŨNG, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh:
Vượt nắng, thắng mưa, chung tay đẩy lùi dịch bệnh
Trong nhiều tháng qua, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong tỉnh đã không quản ngại hiểm nguy, khó khăn, vất vả, đồng lòng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh với mong muốn sớm đẩy lùi dịch bệnh. Các cán bộ, chiến sĩ không chỉ làm nhiệm vụ tại các bệnh viện dã chiến, các chốt kiểm soát phòng dịch mà còn tham gia nhiều hoạt động khác nhằm chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
An Yên (ghi)