Báo Đồng Nai điện tử
En

Quan tâm chăm sóc bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà

11:12, 15/12/2021

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, có đến 80% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng hoặc chỉ mắc một số triệu chứng nhẹ, có thể hết và bình phục sau khoảng 5-10 ngày.

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, có đến 80% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng hoặc chỉ mắc một số triệu chứng nhẹ như: sốt, ho, mệt mỏi, ho khan, đau đầu, chảy nước mũi, tiêu chảy... Những triệu chứng này có thể hết và bình phục sau khoảng 5-10 ngày. Tuy nhiên, vẫn có 15-20% trường hợp bệnh nhân có triệu chứng trung bình, diễn tiến nặng. Mức độ diễn tiến bệnh nặng phụ thuộc vào sức đề kháng và cơ địa của từng người.

Cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai chuẩn bị các túi thuốc đông y để cấp phát, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 mức độ trung bình, nhẹ. Ảnh: A.Yên
Cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai chuẩn bị các túi thuốc đông y để cấp phát, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 mức độ trung bình, nhẹ. Ảnh: A.Yên

* Theo dõi sát sức khỏe người bệnh

BS Nguyễn Tất Trung, Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, đối với những F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ cách ly điều trị tại nhà, việc điều trị chủ yếu tập trung điều trị triệu chứng. Nếu F0 sốt trên 38,50C, có thể dùng thuốc Paracetamol, liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2g/ngày với người lớn. Trẻ em không uống quá 4 lần trong 1 ngày. Người bệnh có thể dùng các thuốc giảm ho thông thường nếu có biểu hiện ho.

Trong quá trình cách ly, bệnh nhân cố gắng ăn uống đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin C bằng cách uống nước cam, nước chanh, C sủi, uống nhiều nước, giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ để tăng cường miễn dịch. Lưu ý tập các động tác thể dục vừa sức, không tập thể dục nặng, thư giãn để giảm stress, không nên căng thẳng, lo lắng.

Nếu bệnh nhân Covid-19 có các biểu hiện dưới đây tức là tình trạng bệnh đang diễn tiến nặng. Đó là thở nhanh, cảm giác khó thở, hụt hơi, đau tức ngực, tím tái, suy hô hấp, viêm phổi, viêm phổi nặng... Những bệnh nhân, gia đình bệnh nhân có người bệnh trên 65 tuổi, có bệnh nền, cơ địa béo phì… cần theo dõi sát sao diễn tiến sức khỏe của người bệnh, đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) thường xuyên, kịp thời báo cho nhân viên y tế để được cấp cứu, xử trí kịp thời.

* Điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng virus

Bộ Y tế vừa có thay đổi phác đồ điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng virus đối với 3 loại thuốc kháng virus gồm: Favipiravir, Remdesivir và Molnupiravir.

Theo đó, thuốc kháng virus Favipiravir 200mg được dùng cho bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và trung bình, thời gian điều trị giảm xuống còn 5-7 ngày thay vì 7-14 ngày như trước kia.

Thuốc Remdesivir vẫn dùng cho bệnh nhân nặng, thời gian điều trị 5-7 ngày thay vì chỉ 5 ngày như hướng dẫn trước. Thuốc Molnupiravir thì chỉ định, chống chỉ định và liều dùng như đang áp dụng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho hay, Molnupiravir và Favipiravir là hai loại thuốc kháng virus dạng viên, dùng theo đường uống, dễ dàng cho F0 điều trị tại nhà, giúp bệnh nhân giảm triệu chứng, ngăn nguy cơ chuyển nặng dẫn đến tử vong. Trong khi đó, Remdesivir là thuốc tiêm bắp, dùng cho bệnh nhân nặng, được sử dụng trong bệnh viện, ở các cơ sở điều trị tầng 2, tầng 3 của tháp điều trị.

Kết quả đánh giá sơ bộ của Bộ Y tế sau một thời gian sử dụng thí điểm thuốc Molnupiravir cho thấy, sau 5 ngày điều trị với Molnupiravir, tỷ lệ bệnh nhân âm tính tăng từ 72% lên 93%, tỷ lệ tử vong giảm 50% so với nhóm không sử dụng. Sau khi sử dụng hết 600 ngàn viên thuốc Molnupiravir, mới đây tỉnh Đồng Nai đã được Bộ Y tế cấp thêm 100 ngàn viên thuốc này. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế của tỉnh cao hơn rất nhiều.

Sau khi tiếp nhận 100 ngàn viên thuốc Molnupiravir để thí điểm điều trị có kiểm soát cho bệnh nhân Covid-19, Sở Y tế đã phân bổ số thuốc này cho 21 đơn vị, gồm: 7 bệnh viện công lập, 3 bệnh viện ngoài công lập và 11 trung tâm y tế. Số thuốc này ưu tiên sử dụng sớm cho bệnh nhân Covid-19 là người từ 50 tuổi trở lên, có bệnh nền, được điều trị tại các cơ sở thu dung điều trị tầng 1 (điều trị tại nhà, tại các cơ sở điều trị F0 cấp huyện) và tầng 2. Lãnh đạo các đơn vị tiếp nhận cần giám sát, theo dõi số lượng thuốc đã tiếp nhận, đã sử dụng, số thuốc còn dự trữ thực tế, kết quả sử dụng thuốc. Nghiêm cấm việc lạm dụng, sử dụng thuốc sai mục đích. Đơn vị nào để xảy ra tình trạng lạm dụng, sử dụng thuốc sai mục đích phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế, UBND tỉnh và Bộ Y tế.

An Yên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích