Khác với mọi năm, những tháng cuối năm 2021, không khí làm việc tại nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải khá ảm đạm. Thay vì tất bật tính toán đến việc tăng phương tiện, nhân sự để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách tăng cao vào những tháng cuối năm, nhất là khi Tết Nguyên đán sắp đến gần, các DN lại tính toán giảm phương tiện, cắt giảm nhân sự, thậm chí bán bớt phương tiện để "cắt lỗ", cũng như để có kinh phí duy trì hoạt động.
Khác với mọi năm, những tháng cuối năm 2021, không khí làm việc tại nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải khá ảm đạm. Thay vì tất bật tính toán đến việc tăng phương tiện, nhân sự để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách tăng cao vào những tháng cuối năm, nhất là khi Tết Nguyên đán sắp đến gần, các DN lại tính toán giảm phương tiện, cắt giảm nhân sự, thậm chí bán bớt phương tiện để “cắt lỗ”, cũng như để có kinh phí duy trì hoạt động.
Sau nhiều tháng liền phải ngừng hoặc hạn chế hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đến khi được phép hoạt động trở lại, các DN vận tải đối diện với quá nhiều khó khăn khi giá xăng, dầu liên tục tăng cao; cung nhiều hơn cầu khiến nhiều DN vận tải lỗ nặng thu không đủ chi; có quá nhiều khoản chi phí dù không hoạt động, các DN vẫn phải đóng như: chi phí bảo trì, phí thuê sân bãi, chỗ đậu xe, phí mua bảo hiểm…
Trước thực trạng đó, hiện các bộ, ngành liên quan đã đưa ra hoặc đang đề xuất Chính phủ những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó có đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch bệnh; giảm giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách; giảm lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến ngày 31-12-2021; không thu phí dừng, đậu, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách; giảm lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến ngày 31-12-2021…
Qua đó cho thấy nỗ lực của các bộ, ngành liên quan trong việc cứu DN vận tải vì cứu DN vận tải cũng là cứu nền kinh tế. Ngành vận tải luôn được coi là huyết mạch của nền kinh tế, nếu vận tải hoạt động không ổn định, giá vận chuyển hàng hóa, hành khách tăng cao sẽ có tác động tiêu cực đến giá cả thị trường, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
Chính vì vậy, bên cạnh việc thúc đẩy, mau chóng triển khai các chính sách, gói hỗ trợ DN vận tải thì các ngành chức năng cũng cần quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; kịp thời điều chỉnh các quy định cho phù hợp thực tế khi triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cụ thể như xem xét tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay; cải cách thủ tục hành chính trong việc triển khai chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho các DN vận tải bị ảnh hưởng bởi đại dịch với lãi suất 0% để có nhiều DN vận tải tiếp cận được nguồn vốn vay này...
Đặc biệt, để duy trì hoạt động, tự thân các DN vận tải phải tiếp tục năng động, nỗ lực vượt khó, đổi mới trong hoạt động, tăng cường tìm các thị trường mới… Trong đó, công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh vẫn phải đưa lên hàng đầu, nhất là với loại hình vận tải hành khách, để từng bước lấy lại niềm tin của hành khách khi sử dụng dịch vụ. Đơn cử như mới đây, ngành đường sắt đưa ra gói dịch vụ bán nguyên khoang, nguyên toa cho nhóm hành khách với giá giảm từ 10-15% cũng là một hình thức kinh doanh linh động, thích ứng với tình hình dịch bệnh. Một cách làm hay trong việc khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ nhưng cũng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến khá phức tạp.
Đặng Ngọc