Đầu năm 2021, Đồng Nai đặt mục tiêu sẽ giải ngân đạt trên 95% tổng nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến hết tháng 11-2021, toàn tỉnh chỉ mới giải ngân nguồn vốn gần 11 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 45% kế hoạch vốn trong năm...
Dựa trên thực tế giải ngân 11 tháng của năm, tỉnh đã “chốt” mục tiêu thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong năm 2021.
Công nhân thi công trên công trường xây dựng cầu Vàm Cái Sứt, TP.Biên Hòa. Ảnh: P.TÙNG |
* Giải ngân từ 90-95% nguồn vốn ngân sách địa phương
Năm 2021, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh sau điều chỉnh là hơn 24,4 ngàn tỷ đồng. Trong số này, nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí cho năm 2021 hơn 5,1 ngàn tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương bố trí trong năm 2021 gần 8 ngàn tỷ đồng; phần còn lại là nguồn vốn kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2021.
Ngày 15-12, tại cuộc họp trực tuyến kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đối với một số bộ, cơ quan và địa phương gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Khánh Hòa, Phó thủ tướng Chính phủ LÊ VĂN THÀNH yêu cầu các đơn vị phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý không chạy theo chỉ tiêu mà buông lỏng, để xảy ra sai phạm. Mục tiêu giải ngân là gắn với tiến độ thực tế thi công tại công trường để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình, phát huy hiệu quả vốn đầu tư. |
Đầu năm 2021, Đồng Nai đặt mục tiêu sẽ giải ngân đạt trên 95% tổng nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến hết tháng 11-2021, toàn tỉnh chỉ mới giải ngân nguồn vốn gần 11 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 45% kế hoạch vốn trong năm. Trong số này, nguồn vốn ngân sách trung ương mới chỉ giải ngân được hơn 1 ngàn tỷ đồng, đạt gần 21% kế hoạch và nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân được khoảng 4,6 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 58% kế hoạch.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cùng với đó là nhiều cuộc họp giao ban với các địa phương, chủ đầu tư để triển khai các giải pháp, biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong năm 2021. Tuy nhiên, đến hết tháng 11-2021, kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt thấp. “Đây là một trong 3 chỉ tiêu không hoàn thành theo nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh trong năm 2021. Công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong năm 2021 cũng sẽ không đạt được mục tiêu đã đề ra từ đầu năm” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết.
Đánh giá về các nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát khiến Đồng Nai phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch trong thời gian dài đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư công. Sau khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội, các dự án lại phải đối mặt với các khó khăn do thiếu lực lượng lao động, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Cùng với đó, một số vấn đề vướng mắc thường xuyên xảy ra nhiều năm qua như: khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị dự án chưa đạt chất lượng dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, công tác thẩm định của các cơ quan chuyên môn kéo dài khiến tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn bị chậm. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất khiến kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp được UBND tỉnh nhìn nhận chính là sự thiếu quyết liệt, thiếu chủ động trong việc giải ngân nguồn vốn được bố trí của các chủ đầu tư. “Đến cuối tháng 11, vẫn còn 5 đơn vị chưa giải ngân nguồn vốn” - Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết, đánh giá trên mặt bằng chung của toàn tỉnh, Đồng Nai sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu giải ngân đạt từ 90% trở lên đối với nguồn vốn ngân sách địa phương do UBND tỉnh và UBND cấp huyện giao chỉ tiêu. “Các địa phương đã cam kết sẽ giải ngân đạt từ 90-95% nguồn vốn ngân sách địa phương. Riêng H.Định Quán cam kết giải ngân đạt từ 85-86%” - ông Hồ Văn Hà cho biết.
Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, ông Hồ Văn Hà cho rằng, chỉ thực hiện giải ngân theo số liệu thực tế chứ không đặt mục tiêu đạt từ 90% kế hoạch được giao trở lên. “Tỉnh không đặt mục tiêu đối với nguồn vốn ngân sách trung ương do nguyên nhân khách quan là chúng ta không thực hiện 2 dự án thành phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội khu tái định cư Bình Sơn thuộc dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành” - ông Hồ Văn Hà lý giải.
* “Chạy đua” hoàn thành mục tiêu
Chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc năm 2021, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn “chạy nước rút” để hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Lắp đặt thiết bị tại Nhà máy xử lý nước thải dự án xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn |
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết, năm 2021, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố là hơn 2,4 ngàn tỷ đồng, tương đương với khoảng 10% tổng nguồn vốn đầu tư công toàn tỉnh. Trong số này, nguồn vốn ngân sách tỉnh hơn 1,3 ngàn tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách thành phố hơn 1,1 ngàn tỷ đồng. Đến cuối tháng 11-2021, TP.Biên Hòa đã giải ngân đạt khoảng 74% kế hoạch đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh và hơn 76% kế hoạch nguồn vốn ngân sách thành phố. “UBND TP.Biên Hòa đã chỉ đạo các ngành tập trung cho công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong thời gian còn lại của năm 2021. Dự kiến, hết năm 2021, TP.Biên Hòa sẽ giải ngân đạt trên 95% và phấn đấu giải ngân đạt 100% nguồn vốn đầu tư công. Để đạt mục tiêu này, thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan củng cố hồ sơ để đảm bảo điều kiện giải ngân nguồn vốn đến hết tháng 12-2021” - ông Lộc cho biết.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC, trong tình hình, hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần to lớn trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, việc tập trung cho công tác giải ngân vốn đầu tư công phải được xem là công việc trọng tâm mang tính quyết định trong việc thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Các địa phương, chủ đầu tư phải tập trung cho các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn. Đặc biệt, các chủ đầu tư phải rà soát kỹ các điều khoản hợp đồng đã ký kết để xử lý nghiêm các đơn vị nhà thầu, đơn vị tư vấn làm chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. |
UBND TP.Long Khánh cũng cam kết sẽ giải ngân đạt trên 95% tổng nguồn vốn khoảng 467 tỷ đồng được bố trí trong năm 2021. Trong đó, TP.Long Khánh đang tập trung giải ngân nguồn vốn ngân sách tỉnh bố trí cho 3 dự án có số vốn chưa được giải ngân lớn gồm: dự án Cải tạo, nâng cấp đường Hùng Vương; dự án Đường Nguyễn Thị Minh Khai nối dài và dự án Chống ngập úng khu vực suối Cải.
Tương tự, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho hay, địa phương cam kết sẽ giải ngân đạt trên 95% nguồn vốn ngân sách huyện khi kết thúc năm 2021. Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh, năm 2021, H.Nhơn Trạch được bố trí nguồn vốn khoảng 107 tỷ đồng. Trong tháng 12-2021, H.Nhơn Trạch sẽ tập trung giải ngân cho 2 dự án lớn là dự án Đường 25C và tuyến thoát nước đường số 2 với số vốn khoảng 100 tỷ đồng. Như vậy, đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh, H.Nhơn Trạch cũng cam kết sẽ giải ngân đạt từ 95% kế hoạch trở lên.
Trong khi đó, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Ngô Thế Ân cho biết, qua phân tích chi tiết đối với từng dự án, đơn vị dự kiến chỉ giải ngân đạt khoảng 68% kế hoạch đối với nguồn vốn ngân sách trung ương và khoảng 88% kế hoạch đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh. “Tỷ lệ này thấp hơn mục tiêu của tỉnh nhưng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh sẽ cố gắng bằng mọi cách để có thể đạt được kết quả giải ngân cao hơn dự kiến” - ông Ngô Thế Ân chia sẻ.
Phạm Tùng
Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC:
Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây khó khăn, làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn
Các chủ đầu tư phải chủ động kiểm tra, giám sát triển khai việc thực hiện kế hoạch và kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ của công trình và thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về trình độ năng lực, chuyên môn hoặc suy thoái về đạo đức, nghề nghiệp gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quá trình quản lý vốn, quản lý dự án đầu tư công và trong công tác đấu thầu.
Chủ đầu tư cũng phải kịp thời chỉ đạo các nhà thầu thi công khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ trong thời hạn là 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu làm nhanh thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước tỉnh, không để dồn vào cuối năm mới thanh toán. Đề nghị Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục phê duyệt, thanh toán, quyết toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu theo hợp đồng và thực hiện theo đúng quy định.
Giám đốc Sở KH-ĐT HỒ VĂN HÀ:
Hồ sơ xong càng sớm, càng tiết kiệm
Khó khăn nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công là việc hoàn thành giải phóng mặt bằng cho các dự án. Đây là vấn đề rất rõ rồi nên phải làm sao dứt điểm được công tác bồi thường; để càng lâu thì giá trị bồi thường càng tăng, làm tăng tổng mức đầu tư dự án. Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án có những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh nên phải trình HĐND tỉnh, mất rất nhiều thời gian. Công tác triển khai lập thiết kế, dự toán… chậm cũng làm thay đổi đơn giá vật tư, nhân công, từ đó tăng giá thành. Do đó, làm hồ sơ thiết kế nhanh từng nào, khởi công công trình sớm từng đó thì dự án càng tiết kiệm.
Phó giám đốc Sở Xây dựng ĐỖ THÀNH PHƯƠNG:
Tránh việc trả hồ sơ, kéo dài thời gian ảnh hưởng đến việc giải ngân
Trong quá trình kiểm tra công tác nghiệm thu, các hồ sơ do các địa phương gửi lên ban quản lý dự án chuyển qua để làm công tác nghiệm thu thường hồ sơ bị thiếu, không đầy đủ. Điều này dẫn đến việc phải trả hồ sơ để bổ sung, làm kéo dài thời gian nghiệm thu.
Do đó, đề nghị các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án trong quá trình thực hiện thi công, thẩm định thiết kế cần phải đầy đủ hơn. Hồ sơ nghiệm thu phải đầy đủ tránh trả hồ sơ, kéo dài thời gian gây ảnh hưởng đển việc giải ngân nguồn vốn.
Lê Văn (thực hiện)