Báo Đồng Nai điện tử
En

Chậm tiến độ lắp đặt camera đối với xe kinh doanh vận tải

03:12, 18/12/2021

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là hết hạn lắp đặt camera giám sát đối với xe kinh doanh vận tải, nhưng tại Đồng Nai số phương tiện đã lắp đặt rất thấp, chưa tới 10%. Điều đó đòi hỏi các ngành và đơn vị vận tải đẩy mạnh thực hiện,...

[links()]Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là hết hạn lắp đặt camera giám sát đối với xe kinh doanh vận tải (KDVT), nhưng tại Đồng Nai số phương tiện đã lắp đặt rất thấp, chưa tới 10%. Điều đó đòi hỏi các ngành và đơn vị vận tải đẩy mạnh thực hiện, nếu không sẽ có nguy cơ vỡ tiến độ.

Đồ họa thể hiện thông tin số lượng phương tiện phải lắp camera giám sát và phương tiện đã thực hiện lắp đặt. (Thông tin: Thanh Hải - Đồ họa: Dương Ngọc)
Đồ họa thể hiện thông tin số lượng phương tiện phải lắp camera giám sát và phương tiện đã thực hiện lắp đặt. (Thông tin: Thanh Hải - Đồ họa: Dương Ngọc)

Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện KDVT bằng xe ô tô (gọi tắt là Nghị định 10) thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP nêu rõ, ô tô KDVT hành khách từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.

* Số lượng xe lắp đặt thấp

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản đề nghị UBND 15 tỉnh, thành phố chỉ đạo việc lắp đặt camera trên xe ô tô KDVT theo quy định tại Nghị định 10 về kinh doanh và điều kiện KDVT. Các tỉnh, thành phố được điểm tên gồm: Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An và TP.Hà Nội.

Theo thống kê, cả nước có khoảng 200 ngàn phương tiện phải lắp camera, trong đó có khoảng 80 ngàn phương tiện là xe đầu kéo, container và 120 ngàn xe khách. Hiện số xe tải hoạt động gần như 100%, trong khi xe khách ở nhiều nơi chỉ khoảng 10-30%. Như vậy, bình quân có khoảng 55% phương tiện hoạt động và 45% không hoạt động.

Nghị định 10 quy định, trước ngày 1-7-2021, ô tô KDVT hành khách từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera. Sau đó, Chính phủ gia hạn, cho phép từ ngày 1-7 chưa xử lý vi phạm hành chính, nhưng tiến độ thực hiện phải xong trước ngày 31-12-2021. Từ ngày 1-7-2022 mới bắt đầu xử lý vi phạm đối với xe chưa lắp camera.

Quy định lắp camera cho xe tải nặng và xe khách từ 9 chỗ trở lên được Chính phủ giữ lập trường trong suốt 3 năm dự thảo. Đầu năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 10 nhằm nâng cao an toàn giao thông, trật tự xã hội, bảo vệ hành khách và hậu kiểm. Đến tháng 6-2021, nhiều doanh nghiệp (DN) kêu “khó” bởi chi phí cao 10-12 triệu đồng/xe trong bối cảnh dịch bệnh, lại chưa có tiêu chuẩn nên khó chọn và kiến nghị xin lùi thời hạn lắp camera.

Nhằm tháo gỡ khó khăn và để DN có lộ trình thực hiện, Chính phủ họp bàn và ra Nghị quyết 66/NQ-CP có nội dung cho lùi thời hạn lắp camera đến ngày 31-12-2021. Bên cạnh đó, Bộ KH-CN cũng đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia về camera vào ngày 4-11-2021, để các DN vận tải chủ động lựa chọn. Động thái này khiến giá lắp đặt giảm còn khoảng 3-5 triệu đồng/xe.

Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện (Sở GT-VT) Lê Văn Đức cho biết, trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 DN vận tải với 10 ngàn xe thuộc đối tượng ô tô KDVT phải lắp camera giám sát. Tuy nhiên, đến nay số lượng xe đã lắp đặt camera giám sát còn rất hạn chế. Tính đến cuối tháng 11-2021, mới có khoảng 600-700 xe (đạt 6-7%) đã lắp camera, nhiều DN chưa báo cáo.

Lý giải về nguyên nhân số lượng xe lắp camera thấp, ông Đức cho rằng, thời gian qua, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội trong 3 tháng liên tục khiến tiến độ bị chậm. Từ khi triển khai quy định này, Sở GT-VT đã có 9 văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX nhanh chóng triển khai, nhưng tiến độ vẫn rất chậm.

Theo Nghị định 10, ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera giám sát. Trong ảnh: Một xe buýt ở TP.Biên Hòa đã lắp camera trong quá trình hoạt động. Ảnh: T.Hải
Theo Nghị định 10, ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera giám sát. Trong ảnh: Một xe buýt ở TP.Biên Hòa đã lắp camera trong quá trình hoạt động. Ảnh: T.Hải

“Sau khi có chủ trương lắp camera giám sát, Sở đã nhiều lần tuyên truyền, đôn đốc các chủ xe, đơn vị KDVT khẩn trương thực hiện theo tiến độ quy định. Đây là chủ trương của Chính phủ thực hiện trên cả nước, hiện tại chưa có quyết định nào thay thế các quyết định theo Nghị định 10 nên bắt buộc DN, chủ xe phải tuân thủ” - ông Đức nói.

* Doanh nghiệp vận tải nhiều lý do xin khất

Không phải đến bây giờ mà trước đây, không ít DN vận tải cũng đã chủ động lắp camera giám sát trên xe. Việc này giúp DN giám sát được tài xế, phụ xe và dịch vụ hành khách. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh như hiện nay, nó càng hữu ích. Ngoài ra, hình ảnh do camera lưu lại đã giúp DN giải quyết rất nhiều vụ việc phát sinh trong quá trình hoạt động.

Tuy nhiên, đến nay việc triển khai lắp đặt camera trên xe ô tô KDVT theo Nghị định 10 gặp một số khó khăn. Cụ thể, thời điểm triển khai đúng vào lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp khiến hoạt động vận tải gián đoạn. Một khó khăn nữa đó là do hiện chưa áp dụng thực hiện các biện pháp chế tài, xử phạt vi phạm hành chính nên việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện.

Mặt khác, trong thời gian này, sản lượng vận tải được tổng hợp từ các đơn vị KDVT trên địa bàn cho thấy giảm liên tục từ 30-50%, trong khi đó họ phải gánh chịu nhiều chi phí như: thuê bến, bãi đỗ xe, chi các khoản như: lương nhân viên, chi phí đóng bảo hiểm xã hội, thuế, phí bảo hiểm tai nạn dân sự, bảo hiểm vật chất thân xe, trả nợ gốc, lãi ngân hàng và một số chi phí khác.

Ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Trường An (TP.Biên Hòa) cho rằng, hiện DN có khoảng 3 ngàn xe, trong đó 1 ngàn đầu xe thuộc đối tượng phải lắp camera giám sát. Giá 1 bộ camera (đủ chuẩn kết nối đường truyền dữ liệu) trên thị trường hiện vào khoảng 5-7 triệu đồng, nếu nhân lên số đầu xe kinh phí lắp đặt không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh khó khăn “bủa vây” các DN vận tải. Vì lẽ đó, các đơn vị hầu như chưa thực hiện việc lắp đặt camera theo quy định.

Tương tự, ông Nguyễn Thiên, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Long Khánh cho hay, đơn vị có 130 xe thì chỉ có khoảng 40 xe tải vận chuyển hàng hóa hoạt động, còn lại gần như ngưng chạy. Hiện nay, nhiều chủ xe buýt, xe khách đang kiệt quệ về tài chính, xe phải nằm bãi khiến chủ xe không mặn mà lắp camera giám sát dù thời gian đã cận kề. “Nút thắt lớn nhất hiện nay cần tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt camera đó là thực hiện đồng bộ khôi phục các tuyến xe khách nội tỉnh, liên tỉnh. Xe không xuất bến, chủ xe không có nguồn thu, gặp khó khăn về tài chính nên vẫn chưa lắp camera” - ông Thiên nói.

Thanh Hải


Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Trường An (TP.Biên Hòa) PHẠM THANH HẢI:

Tránh tình trạng tăng giá camera ồ ạt vì nhu cầu lớn

Những tháng qua, hầu hết DN vận tải đều lao đao vì dịch bệnh Covid-19 nhưng đơn vị chúng tôi vẫn tuân thủ chủ trương lắp đặt camera giám sát. Tuy nhiên, DN vận tải có số phương tiện lắp đặt nhiều, do đó chí phí bỏ ra rất lớn, mong cơ quan chức năng có chính sách bình ổn giá để hỗ trợ DN, chủ xe trong lúc gặp khó khăn vì kinh doanh không thuận lợi. Đồng thời, có biện pháp kiểm soát chặt chất lượng và tránh tình trạng nhà xe lắp ồ ạt trong giai đoạn nước rút thì mặt hàng camera lại tăng giá vô tội vạ.

Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Long Khánh NGUYỄN THIÊN:

Linh hoạt phương án hỗ trợ

Thực tế, thời gian qua HTX đã thông báo, yêu cầu các xã viên thực hiện lắp camera giám sát nhưng họ không chấp hành vì không đủ tài chính. Sau ngày 31-12-2021 có thể điều chỉnh linh hoạt phương án hỗ trợ như những phương tiện nào đang trực tiếp tham gia hoạt động KDVT trên đường bắt buộc phải lắp camera, còn những phương tiện dù đăng ký xe kinh doanh nhưng vẫn dừng hoạt động thì nên gia hạn thêm.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Tường Gia Thịnh Phát (TP.Biên Hòa) Hà Văn Thịnh:

Kiến nghị tiếp tục lùi thời hạn lắp camera với xe khách

 Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhu cầu đi du lịch và sân bay của người dân giảm sút. Bên cạnh đó, những đợt giãn cách xã hội, hạn chế đi lại cũng khiến cho doanh thu của đơn vị sụt giảm nghiêm trọng. 30 xe khách của DN đến nay gần như không hoạt động, đặc biệt là đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 này diễn biến phức tạp, kéo dài nhiều tháng khiến cho DN vẫn chưa biết khi nào mới có thể hồi phục. Để hỗ trợ DN vận tải, Chính phủ có thể tiếp tục lùi thời hạn bắt buộc phải lắp camera giám sát với xe chở khách đến giữa năm 2022, chỉ bắt buộc thực hiện với xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo, bởi loại phương tiện này không bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh.

Hải Dương


 

Tin xem nhiều