Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều yêu cầu mới khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

03:11, 16/11/2021

Những năm qua, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc liên tục phát triển và trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nơi đây không còn là thị trường dễ tính trong nhập khẩu hàng hóa, nhất là nhóm sản phẩm nông, thủy sản...

Những năm qua, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc liên tục phát triển và trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Từ năm 2020 đến nay, trong khi hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì thị trường “sát sườn” Việt Nam là Trung Quốc càng thể hiện các ưu thế khi xuất khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt.

Đóng chuối xuất khẩu tại xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên
Đóng chuối xuất khẩu tại xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên

Tuy nhiên, đây không còn là thị trường dễ tính trong nhập khẩu hàng hóa, nhất là nhóm sản phẩm nông, thủy sản. Đặc biệt, từ đầu năm 2022, Trung Quốc sẽ ban hành nhiều quy định mới về nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản.

* Thị trường lớn “sát sườn”

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu toàn cầu, Trung Quốc với ưu thế là thị trường lớn của Việt Nam nên xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường này là điểm sáng về tăng trưởng.

Tại tọa đàm trực tuyến thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc do Bộ NN-PTNT và Bộ Ngoại giao vừa phối hợp tổ chức, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai chứng minh, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng của năm 2021, thương mại hai chiều giữa 2 nước đạt trên 186,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu 112,8 tỷ USD và xuất khẩu hơn 7,3 tỷ USD. Trong 10 tháng qua, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam với vốn đăng ký gần 2,5 tỷ USD, xếp thứ 7 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đang nhập khẩu khoảng 2,5 ngàn tỷ USD hàng hóa/năm, riêng nông sản nhập khoảng 180 tỷ USD/năm.

Ông Phạm Sao Mai cho hay: “Chính sách nhất quán và định hướng xuyên suốt của Trung Quốc trong 10-15 năm tới là tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các kênh nhập khẩu, nhất là từ các nước láng giềng. So với các nước láng giềng khác, Việt Nam với vị trí sát sườn Trung Quốc có lợi thế lớn nhất về vị trí địa lý cả ở đường bộ, đường biển và đường hàng không. Đây là thị trường rất lớn, rất tiềm năng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới”.

Nông dân xã Phú Ngọc (H.Định Quán) thu hoạch xoài xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc
Nông dân xã Phú Ngọc (H.Định Quán) thu hoạch xoài xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc

Cùng quan điểm, ông Đinh Cao Khuê, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, trong 9 tháng của năm 2021, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt trên 1,5 tỷ USD, chiếm hơn 53% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chi phí vận chuyển hàng hóa đi các nước tăng rất cao, như đi châu Âu tăng gấp 10 lần, sang Mỹ tăng gấp 13 lần, nhưng với thị trường Trung Quốc, nhờ thuận lợi về mặt địa lý nên chi phí vận chuyển chỉ tăng khoảng 0,3 lần.

“Không chỉ nông sản tươi, xuất khẩu rau quả chế biến cũng có nhiều thuận lợi nhờ giá bán hợp lý, các đối tác ở Trung Quốc thanh toán rất tốt mà chi phí vận chuyển lại không cao. Một thuận lợi nữa là bạn hàng Trung Quốc đã quen với sản phẩm của Việt Nam. Do vậy, chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường này” - ông Khuê nói.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc nhận xét, với hơn 1,4 tỷ dân, sức mua và tiêu thụ hàng hóa, trong đó có nông, thủy sản của thị trường này là rất lớn và đa dạng. Nhiều năm qua, nhóm hàng xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và đóng vai trò quan trọng, nhất là góp phần giảm nhập siêu từ thị trường này. Chỉ tính 1 tỉnh của Trung Quốc đã có hơn 100 triệu dân, nhu cầu với các sản phẩm nông, thủy sản của từng tỉnh, từng vùng của Trung Quốc là khác nhau.

* Nhiều yêu cầu mới

Cũng theo ông Nông Đức Lai, thời gian gần đây, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc có dấu hiệu chững lại. Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên Trung Quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và phương tiện nhập cảnh, thực hiện lấy mẫu kiểm tra hàng hóa nhập khẩu được vận chuyển bằng container lạnh và cả container thông thường qua biên giới, dẫn đến kéo dài thời gian thông quan, gây ùn tắc tại cửa khẩu nhập khẩu, doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí. Thị trường này đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói… Ngoài ra, nông sản của Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước có sản phẩm xuất khẩu cùng loại như của Thái Lan và ngay cả sản phẩm cùng loại do chính Trung Quốc sản xuất.

Ông Đỗ Nam Trung, Tổng lãnh sự Việt Nam tại TP.Nam Ninh cho biết, tỉnh Quảng Tây và 4 tỉnh phía Bắc Việt Nam có chung đường biên giới rất dài, là địa bàn trung chuyển đưa hàng xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập sâu vào các thị trường bên trong lục địa Trung Quốc. Tình trạng ùn ứ cục bộ trong xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc do nước này thực hiện chủ chương zero Covid-19 nên kiểm soát rất gắt gao, nhất là hàng đông lạnh, khiến thời gian thông quan kéo dài gây ùn ứ.

Nông dân xã Phú Ngọc (H.Định Quán) thu hoạch xoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh : BÌNH NGUYÊN
Nông dân xã Phú Ngọc (H.Định Quán) thu hoạch xoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh : BÌNH NGUYÊN

Theo ông Đỗ Nam Trung, khó khăn không nhỏ là trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị kiểm tra 100%, trong khi các loại trái cây có nguồn gốc từ Thái Lan và các nước ASEAN khác chỉ bị kiểm tra khoảng 30%. Tỷ lệ các lô hàng trái cây Việt Nam không đạt kiểm dịch của Trung Quốc, đặc biệt là về chỉ tiêu sinh vật có hại trong trái cây nhập khẩu từ Việt Nam cũng làm tăng tỷ lệ kiểm tra, gây chậm trễ trong thông quan.

Cung cấp thông tin về những yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc về nhập khẩu nông sản trong thời gian tới, TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN-PTNT) cho hay, trong 10 tháng của năm 2021, Trung Quốc có tổng cộng 42 thông báo về những thay đổi về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật. Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong việc xuất khẩu nông sản; đặc biệt, phải chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh, kiểm tra, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin, yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Hiện nay, câu chuyện xuất khẩu không chỉ là ở sản phẩm ngon mà chúng ta phải học kỹ năng làm giá, đàm phán của người Trung Quốc. Thị trường càng lớn, càng có cơ hội thì càng rủi ro vì nhiều nước họ cạnh tranh, quan tâm”.

Theo đó, doanh nghiệp, nông dân phải thay đổi nhận thức, chủ động nắm bắt thông tin để đáp ứng được những yêu cầu mới từ thị trường Trung Quốc đặt ra trong thời gian tới. Doanh nghiệp cần trở thành đầu tàu trong nắm bắt, tiếp cận sự thay đổi về nhu cầu của thị trường. Xuất khẩu nông sản không chỉ dừng lại ở cửa khẩu mà phải phân phối hàng sâu vào nội địa thị trường Trung Quốc. Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, đồng hành cùng doanh nghiệp, nông dân thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường lớn này.

Theo Bộ trưởng NN-PTNT LÊ MINH HOAN: “Điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam là nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp thì tư duy thương vụ, chính quyền thì tư duy nhiệm kỳ, mọi thứ đều ngắn hạn. Cần sự hiểu biết tổng quan hơn, dài hơi hơn không chỉ về nhu cầu mới của thị trường Trung Quốc mà còn phải hiểu cả thị trường, thế mạnh của những nước láng giềng đang xuất khẩu vào Trung Quốc như Thái Lan, Indonesia… Chúng ta phải đặt mục tiêu cao hơn việc bán hàng là nâng cao giá trị nông sản Việt”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích