Báo Đồng Nai điện tử
En

Giá vật liệu xây dựng tăng, nhiều dự án lo giãn tiến độ

09:11, 18/11/2021

Sau thời gian dài bị chậm tiến độ vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các công trình xây dựng, nhất là các công trình thuộc các dự án đầu tư công, lại tiếp tục đối mặt với nỗi lo giãn tiến độ vì giá các loại vật liệu xây dựng liên tục tăng cao.

Sau thời gian dài bị chậm tiến độ vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các công trình xây dựng, nhất là các công trình thuộc các dự án đầu tư công, lại tiếp tục đối mặt với nỗi lo giãn tiến độ vì giá các loại vật liệu xây dựng liên tục tăng cao.

Các nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công vì giá vật liệu xây dựng tăng Trong ảnh: Thi công dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt, TP.Biên Hòa
Các nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công vì giá vật liệu xây dựng tăng Trong ảnh: Thi công dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt, TP.Biên Hòa. Ảnh: QUỲNH NHI

* Giá vật liệu đồng loạt tăng

Công ty CP Đầu tư xây dựng Hồ Gia Huy là đơn vị trúng thầu thi công công trình Trường mầm non số 3 tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (H.Long Thành). Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc thi công bị ngưng trệ, đầu tháng 10 vừa qua, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng dần, doanh nghiệp đã chủ động tăng cường thêm nhân công, máy móc để tăng tốc thi công công trình. Tuy nhiên, mục tiêu tăng tốc thi công trở lại của nhà thầu tiếp tục gặp trở ngại khi trong thời gian này, giá các loại vật liệu xây dựng đồng loạt tăng cao.

“Để đảm bảo tiến độ công trình, chúng tôi phải nỗ lực tăng cường nhân lực, vật lực để thi công. Thế nhưng, giá các loại vật liệu xây dựng liên tục tăng cao là một trở ngại lớn với nhà thầu” - ông Lê Hoàng Nhi, Chỉ huy trưởng công trình Trường mầm non số 3, khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cho biết.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ số giá xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tác động chính là do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng đầu vào như: giá thép xây dựng tăng 30-40% (mức tăng này được xem là không theo quy luật thông thường), giá nhựa đường tăng 9-10%, giá xi măng tăng 3-5%...

Theo các nhà thầu xây dựng, từ đầu tháng 10, khi các biện pháp giãn cách xã hội dần được nới lỏng thì cũng chính là thời điểm giá các loại vật liệu xây dựng bắt đầu tăng mạnh. Trong đó, thép xây dựng là mặt hàng có mức tăng “sốc” với khoảng 3 lần tăng giá chỉ trong hơn 1 tháng qua. Hiện nay, giá thép xây dựng đang ở mức từ 18-19 ngàn đồng/kg, tức kể từ thời điểm đầu tháng 10 đến nay, giá mỗi tấn thép xây dựng đã tăng lên khoảng 1 triệu đồng.

Không chỉ mặt hàng thép, phần lớn các loại vật liệu xây dựng đều tăng giá kể từ thời điểm đầu tháng 10 đến nay. Cụ thể, giá xi măng đã tăng thêm khoảng 100 ngàn đồng/tấn; cát xây dựng tăng khoảng 30 ngàn đồng/khối, gạch lót nền tăng từ 20-25%, giá các thiết bị vệ sinh tăng khoảng 20-25%…

Ông Ngô Đông Chí, Giám đốc Ban điều hành liên doanh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 và Công ty TNHH Phúc Hiếu, nhà thầu thi công dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt, TP.Biên Hòa cho hay, tính mặt bằng chung, giá các loại vật liệu xây dựng trong hơn 1 tháng qua đều tăng ở mức từ 20-30%, cá biệt giá thép xây dựng đã tăng khoảng 50% khiến các đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn.

Giá các loại vật liệu xây dựng, nhất là sắt thép tăng cao có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình
Giá các loại vật liệu xây dựng, nhất là sắt thép tăng cao có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình. Ảnh minh họa: TTXVN

Đáng nói, đây đã là đợt tăng giá thứ 2 của các mặt hàng vật liệu xây dựng trong năm 2021. Trước đó, vào đầu năm, giá thép xây dựng đã bắt đầu tăng cao so với năm 2020. Thời điểm tháng 5-2021, giá thép xây dựng được ghi nhận đã tăng đến 100% so với mức giá vào thời điểm đầu năm. Tương tự, trong khoảng thời gian này, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng khác như: cát, đá, xi măng cũng đều tăng. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và tìm biện pháp bình ổn giá, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến nay, các mặt hàng vật liệu xây dựng lại bước vào đợt tăng giá mới.

Theo nhiều nhà thầu xây dựng, việc đứt gãy chuỗi cung ứng và giá sắt thép thế giới tăng mạnh là nguyên nhân khiến giá thép xây dựng trong nước tăng cao. Đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng khác, do nhu cầu xây dựng phục hồi sau dịch Covid-19 nên giá cũng tăng theo. Mặt khác, hiện nay việc vận chuyển, cung ứng các loại vật liệu xây dựng vẫn gặp một số khó khăn cũng là nguyên nhân khiến các mặt hàng này tăng giá.

* Nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ thi công

Đầu tháng 10 vừa qua, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 được nới lỏng dần thì 3 tháng cuối năm được xem là thời điểm để các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công tăng tốc bù tiến độ. Thế nhưng, với việc giá các mặt hàng vật liệu xây dựng liên tục tăng cao trong thời điểm này thì việc tăng tốc thi công của các nhà thầu lại tiếp tục gặp trở ngại. Kéo theo đó là nguy cơ các công trình tiếp tục bị chậm tiến độ sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Giá các loại vật liệu xây dựng, nhất là sắt thép tăng cao có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình. Trong ảnh: Công nhân thi công dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 768, H.Vĩnh Cửu
Giá các loại vật liệu xây dựng, nhất là sắt thép tăng cao có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình. Trong ảnh: Công nhân thi công dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 768, H.Vĩnh Cửu

Trên thực tế, với mức giá các mặt hàng vật liệu xây dựng như hiện nay, một số nhà thầu đang rơi vào cảnh “càng thi công càng lỗ”.

Ông Ngô Đông Chí cho hay, ngoài giá các loại vật liệu xây dựng tăng, thực trạng khan hiếm lao động cũng khiến cho việc tăng ca gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc tăng ca buộc nhà thầu phải chịu thêm chi phí nhân công do tiền công làm thêm ngoài giờ phải trả cho người lao động cao hơn so với làm các ca chính trong ngày. “Chúng tôi đã thực hiện tăng ca, tăng đội thi công để tăng tiến độ công trình. Tuy nhiên, với tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng, giá nhân công tăng thì nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn. Để thực hiện tăng ca, nhà thầu đã phải bù lỗ khi thi công” - ông Chí cho hay.

Theo nhiều nhà thầu thi công, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình tài chính của các doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Do đó, với việc giá các loại vật liệu xây dựng liên tục tăng cao như hiện nay, việc tăng tốc tiến độ dù muốn nhưng cũng rất khó để thực hiện đồng bộ. Đặc biệt, dù mức giá tăng nhưng chủng loại cũng như số lượng một số mặt hàng vật liệu xây dựng hiện nay vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Một số mặt hàng do các doanh nghiệp sản xuất chưa thể phục hồi như thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 nên nguồn cung còn khan hiếm. Điều này cũng khiến cho quá trình thi công tại một số công trình bị chậm trễ.

Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay, trong khoảng 3 tháng áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, tiến độ thi công các dự án đầu tư công bị ảnh hưởng lớn. Dù các nhà thầu đã nỗ lực duy trì thi công “3 tại chỗ” nhưng khối lượng thi công bị ảnh hưởng lớn do thiếu nhân công, nguồn cung và việc vận chuyển các mặt hàng vật liệu xây dựng bị hạn chế. Khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng thì giá các loại vật liệu xây dựng lại tăng cũng ảnh hưởng lớn đến việc thi công các công trình.

Thực tế hiện nay, dù các nhà thầu đang rất nỗ lực để tăng tiến độ thi công các công trình nhưng với việc giá các mặt hàng vật liệu xây dựng “leo thang”, một số nhà thầu cũng đã bắt đầu có tâm lý chờ các giải pháp bình ổn giá từ các cơ quan chức năng. Chính vì vậy, nếu không có những giải pháp kịp thời để hãm đà tăng, bình ổn giá các mặt hàng vật liệu xây dựng, nguy cơ các công trình tiếp tục bị chậm tiến độ là rất lớn.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều