Sở hữu nhiều tiềm năng, nhưng để xây dựng thành công đô thị sân bay Long Thành đòi hỏi phải có một quy hoạch tổng thể tốt và huy động được các nguồn vốn đầu tư.
[links()]Sở hữu nhiều tiềm năng, nhưng để xây dựng thành công đô thị sân bay Long Thành đòi hỏi phải có một quy hoạch tổng thể tốt và huy động được các nguồn vốn đầu tư.
Để xây dựng thành công đô thị sân bay, sân bay Long Thành cần phải trở thành cửa ngõ giao thương của cả nước. Ảnh: TƯ LIỆU |
* Đưa sân bay Long Thành trở thành cửa ngõ giao thương
Theo GS Ha Hun Koo (Trường cao học về logistics, Đại học Inha, Hàn Quốc), sở hữu nhiều tiềm năng, nhưng để có thể xây dựng thành công đô thị sân bay Long Thành cần phải đưa ra được một quy hoạch tổng thể phát triển theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên phải làm sao đưa sân bay Long Thành trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng và hiệu quả của cả nước cũng như của khu vực.
Sau khi hoàn thành mục tiêu ở giai đoạn đầu tiên mới đặt ra mục tiêu đưa khu vực sân bay Long Thành trở thành một trung tâm logistics. Trong quá trình phát triển thành phố xung quanh sân bay Long Thành trở thành một trung tâm logistics, Đồng Nai có thể kêu gọi được các nhà đầu tư trong các ngành công nghiệp logistics, các ngành công nghiệp cần vận chuyển nhanh. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trở thành một trung tâm logistisc, đô thị sân bay Long Thành còn phải đáp ứng thêm một số yếu tố khác như: trung tâm phân phối các cụm kho cảng, chợ đầu mối, các cụm về phát triển logistics và các ngành công nghiệp phụ trợ.
Từ những cơ sở nền tảng này, mục tiêu tiếp theo cần đạt đến chính là đưa khu vực sân bay Long Thành trở thành một trung tâm công nghiệp. Khi hình thành trung tâm công nghiệp ở đô thị sân bay Long Thành, chính quyền địa phương cần thu hút đầu tư vào những ngành công nghiệp về công nghệ thông tin, nghiên cứu sinh học, công nghiệp nano. Khi đã trở thành một trung tâm công nghiệp thì những yếu tố tiếp theo như: tài chính, giải trí, khách sạn, hệ thống GD-ĐT cũng sẽ bắt buộc phải hình thành, phát triển theo.
Như vậy, lúc này đô thị sân bay Long Thành sẽ trở thành một trung tâm thương mại, trung tâm kinh tế xung quanh sân bay. Từ đó, sẽ hình thành một thành phố lớn có trọng tâm là sân bay Long Thành. “Có thể nói rằng, quan trọng nhất trong tầm nhìn và phát triển thành phố sân bay thì bước đầu tiên là quan trọng nhất” - GS Ha Hun Koo nhấn mạnh.
* Huy động được các nguồn lực tham gia phát triển
Ngoài việc có được một quy hoạch tổng thể đúng đắn và bài bản, để xây dựng thành công đô thị sân bay Long Thành đòi hỏi phải có thêm một số yếu tố như: cơ sở hạ tầng vùng phụ cận sân bay, hệ thống công nghệ thông tin và nguồn lực thực hiện các quy hoạch.
Do nguồn lực để xây dựng một đô thị sân bay là rất lớn nên ngoài nguồn lực nhà nước cũng cần phải huy động được nguồn lực tư nhân tham gia. Lấy dẫn chứng cho yếu tố này, GS Ha Hun Koo cho biết, tuyến đường cao tốc và đường sắt nối từ sân bay Incheon đến thủ đô Seoul của Hàn Quốc là những dự án do các nhà đầu tư tư nhân thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, mong muốn của Đồng Nai là phải lan tỏa được động lực phát triển từ dự án Sân bay Long Thành một cách rộng lớn. Do đó, địa phương cũng đã quy hoạch để xây dựng hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối cho sân bay Long Thành. “Cứ đi vào là kẹt, đi ra là kẹt thì sân bay không thể phát triển được” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trong định hướng quy hoạch, Đồng Nai cũng sẽ tính toán những dự án nào Nhà nước sẽ thực hiện, những dự án nào sẽ huy động các nguồn lực xã hội, trong đó có nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân.
Hiện nay, việc huy động các nguồn lực đầu tư cho hệ thống hạ tầng kết nối sân bay Long Thành cũng đang được Đồng Nai khởi động thực hiện. Theo đó, 2 trong số các dự án giao thông kết nối sân bay Long Thành là đường vành đai 4 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đang được tỉnh tính toán để thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH, dự kiến đến cuối năm 2025, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác. Tương lai, dự án này sẽ tạo động lực phát triển cho Đồng Nai cũng như khu vực lân cận. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ tới, Đồng Nai xác định sân bay Long Thành là động lực giúp cho các huyện, thành phố xung quanh phát triển. Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là quy hoạch một mạng lưới giao thông đô thị đồng bộ hiện đại để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế mà sân bay Long Thành mang lại. |
Quỳnh Nhi