Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021 được các cấp Công đoàn tỉnh đặc biệt quan tâm đó là tập trung sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình lao động, việc làm của người lao động (NLĐ)...
Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021 được các cấp Công đoàn tỉnh đặc biệt quan tâm đó là tập trung sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình lao động, việc làm của người lao động (NLĐ) và tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp (DN).
Liên đoàn Lao động tỉnh khảo sát về nhu cầu nhà ở và nắm bắt tình hình lương, đời sống người lao động tại các doanh nghiệp. Ảnh: LAN MAI |
Trong đó, chỉ đạo các cán bộ Công đoàn cơ sở (CĐCS) nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn để khéo léo thương lượng các chính sách nhằm cải thiện cuộc sống của NLĐ. Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền để công nhân tăng cường sản xuất, chủ động phòng dịch Covid-19, cùng DN nhanh chóng khôi phục sản xuất.
* Đảm bảo các chế độ, chính sách cho NLĐ
Theo LĐLĐ tỉnh, trong 9 tháng của năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ ngừng việc tập thể với 9.005/10.913 công nhân lao động tham gia. Trong đó, trên địa bàn TP.Biên Hòa có 5 vụ, TP.Long Khánh 1 vụ, H.Long Thành 3 vụ, H.Trảng Bom 2 vụ, H.Nhơn Trạch 1 vụ và H.Vĩnh Cửu 1 vụ.
Nguyên nhân ngừng việc tập thể chủ yếu liên quan đến vấn đề nâng lương định kỳ hằng năm, nợ lương, chậm trả lương, tiền thưởng Tết Nguyên đán, cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca, phụ cấp cho NLĐ trong thời gian 14 ngày nghỉ việc để thực hiện giãn cách xã hội, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ...
Nằm trong kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng, nhu cầu của NLĐ và thực hiện tốt vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, công nhân lao động. Chú trọng xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ trong tình hình mới và đẩy mạnh giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ tại DN. |
Khi sự việc xảy ra, các cấp Công đoàn đã cùng đoàn công tác của địa phương đến làm việc với lãnh đạo các công ty; đồng thời, vận động NLĐ trở lại làm việc. Theo đó, sau khi người sử dụng lao động đối thoại với NLĐ và thông báo giải quyết chế độ, chính sách theo đúng quy định, NLĐ đã trở lại làm việc bình thường. Mặc dù các vụ ngừng việc tập thể diễn ra đều được tổ chức Công đoàn và ngành chức năng làm việc với DN kịp thời và giải quyết ổn thỏa, song tình hình bất đồng trong quan hệ lao động ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác phòng dịch của các DN và tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Cao điểm của các vụ ngừng việc tập thể thường vào dịp cuối năm vì liên quan đến việc chi trả lương, thưởng Tết, các chế độ, chính sách của DN trên địa bàn tỉnh đối với NLĐ.
Riêng năm nay, thời điểm dịch bệnh khó khăn, NLĐ đều trông chờ vào thưởng Tết để trang trải cuộc sống, trong khi DN cũng trong quá trình khôi phục sản xuất, nếu không tính toán hợp lý các chế độ, chính sách rõ ràng, rất dễ xảy ra mâu thuẫn.
Trước thực trạng này, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, việc làm và thu nhập của NLĐ; đồng thời, đẩy mạnh thương lượng với DN để sớm có kế hoạch chăm lo Tết cũng như việc chi trả chế độ, chính sách đầy đủ, giúp NLĐ yên tâm gắn bó, giữ ổn định quan hệ lao động.
Chủ tịch LĐLĐ H.Trảng Bom Lê Đức Thụy cho hay, từ đầu tháng 7 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các DN và việc làm NLĐ trên địa bàn huyện đều bị ảnh hưởng. Cụ thể, trên 100 ngàn lao động bị ảnh hưởng việc làm, 161 DN phải tạm dừng hẳn hoạt động và 184 DN thu hẹp sản xuất để thực hiện “3 tại chỗ”. Đến nay, tín hiệu đáng mừng là trên địa bàn huyện, nhiều DN đã khôi phục sản xuất và tăng tốc sản xuất các đơn hàng cuối năm. Một số DN đã có nhiều đơn hàng trở lại và đang tăng cường tuyển dụng lao động.
Tuy nhiên, theo ông Thụy, để đảm bảo ổn định sản xuất, đáp ứng yêu cầu các đơn hàng gấp rút cuối năm, giữ nguồn lực lao động, LĐLĐ huyện đã chỉ đạo các CĐCS cần ổn định tâm lý làm việc của NLĐ, phối hợp với DN thực hiện các quy định phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe NLĐ. Cùng với đó, quan tâm đến chế độ phúc lợi và thực hiện đúng các chính sách như đã cam kết với NLĐ tại thỏa ước lao động tập thể. Nếu làm tốt vấn đề này, chắc chắn DN sẽ có đội ngũ lao động gắn bó, giữ chân được lao động lành nghề, cùng DN phát triển sản xuất sau những ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trong khi đó, đại diện LĐLĐ H.Nhơn Trạch cho hay, hiện hầu như các DN trên địa bàn huyện đều hoạt động trở lại. Tuy nhiên, việc các ca F0 xuất hiện trong DN và khu nhà trọ nhiều cũng gây tâm lý hoang mang ở NLĐ. Để NLĐ yên tâm làm việc, DN cần có nhiều giải pháp phòng dịch cũng như đảm bảo các chính sách cho NLĐ lâu dài, đặc biệt là các chế độ ưu đãi nhằm giữ chân lao động. Ngoài ra, để hạn chế tình trạng ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động những tháng cuối năm, các DN cần thông báo công khai cho NLĐ biết về kế hoạch sản xuất, việc điều chỉnh tiền lương, mức thưởng, làm thêm giờ cho NLĐ. Quan tâm lắng nghe kiến nghị của NLĐ để giữ quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Phó chủ tịch LĐLĐ TP.Long Khánh Lê Thanh Tùng cho biết, ngoài đi sâu, đi sát cơ sở nắm bắt tình hình, LĐLĐ thành phố thường xuyên kết nối thông tin và nắm chắc tình hình quan hệ lao động từ các CĐCS để có hướng giải quyết kịp thời, hạn chế tranh chấp lao động xảy ra dịp cuối năm. Đối với các DN đang gặp khó khăn, CĐCS chủ động bàn với chủ DN tìm biện pháp, tạo nguồn để trả lương, thưởng đầy đủ, kịp thời cho NLĐ.
Theo Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, đời sống, việc làm, thu nhập của NLĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Để tiếp tục đồng hành với chính quyền và DN trong việc ổn định lao động, các cấp Công đoàn trong tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp chăm lo, hỗ trợ NLĐ và DN, giữ ổn định lao động để cùng DN khôi phục sản xuất, đảm bảo các quyền lợi và chia sẻ khó khăn với NLĐ.
* Đảm bảo phúc lợi cho NLĐ
Theo LĐLĐ tỉnh, trong năm 2021, các cấp Công đoàn tỉnh đã bám sát mục tiêu hoạt động, đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, sát cánh cùng NLĐ vượt qua khó khăn của đại dịch. Nhiều CĐCS đã trở thành cầu nối giữa người sử dụng lao động và NLĐ, luôn sát sao, đưa tâm tư, nguyện vọng của NLĐ vào các cuộc họp, buổi đối thoại với chủ DN nhằm đảm bảo lương cho NLĐ trong thời gian tạm ngừng việc để phòng dịch. Từ đó, góp phần tạo động lực thi đua, tăng năng suất lao động, duy trì sản xuất của các DN ngay sau khi hoạt động trở lại.
Công nhân Công ty TNHH MTV Nhất Gỗ (H.Trảng Bom) trong giờ làm việc |
Trong năm, dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động Công đoàn nhưng các CĐCS đã nỗ lực thương lượng, đại diện NLĐ ký kết thỏa ước lao động tập thể với DN đảm bảo các phúc lợi cho NLĐ... Riêng 9 tháng của năm 2021, toàn tỉnh ký mới, tái ký và sửa đổi, bổ sung được 210 bản thỏa ước lao động tập thể, trong đó ký mới 46 bản; sửa đổi, bổ sung 164 bản. Tổng số bản thỏa ước lao động tập thể toàn tỉnh là 1.251 bản/1.602 DN có CĐCS.
Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh tổ chức hội nghị ký kết biên bản ghi nhớ tham gia dự án Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc, thương lượng tập thể hiệu quả trong ngành Dệt may trên địa bàn H.Trảng Bom với 7 DN tham gia ký kết.
Hiện LĐLĐ tỉnh đang tiếp tục rà soát các bản thỏa ước hết hạn và ở những DN chưa ký kết thỏa ước để tiến hành thỏa thuận ký lại và ký mới nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ. Trong đó, đôn đốc, hướng dẫn các CĐCS dựa vào tình hình sản xuất thực tế tại DN để thương lượng nhiều chính sách có lợi cho công nhân, đảm bảo việc làm, thu nhập và các chính sách liên quan đến NLĐ.
Theo các cán bộ CĐCS, năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và việc làm của NLĐ nên việc thương lượng về nâng lương, thưởng Tết với chủ DN rất khó khăn, nhất là ở các DN tình hình sản xuất chưa ổn định. NLĐ đều mong muốn DN có một khoản thưởng Tết để giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt nên việc tìm ra phương án thương lượng thấu tình hợp lý rất quan trọng trong thời điểm này, góp phần ổn định quan hệ lao động khi NLĐ vừa được đảm bảo về phúc lợi, DN vừa giữ được nguồn nhân lực trước và sau Tết.
Ngoài ra, việc tạo dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại DN ngoài sự vào cuộc, gắn kết của Công đoàn thì cả chủ DN và NLĐ cần phải nâng cao ý thức cùng hợp tác, thông hiểu vì lợi ích đôi bên. Chủ DN cần dành thời gian khảo sát ý kiến NLĐ trước khi đưa ra các chính sách liên quan đến lương, thưởng để điều chỉnh phù hợp với tình hình hoạt động của DN. Bên cạnh đó, NLĐ cần có sự trao đổi thông tin để Công đoàn nắm bắt, truyền tải đến DN. NLĐ phải giữ vững tâm lý làm việc và không nghe những thông tin thất thiệt về ảnh hưởng đến việc làm của mình. Có như vậy, những mâu thuẫn, xung đột nhỏ sẽ dễ dàng giải quyết nhanh chóng, quan hệ lao động sẽ phát triển bền vững.
Anh Nguyễn Đức Kim, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH KoBe EN&M Việt Nam (TP.Biên Hòa) cho hay, hiện công ty có trên 200 công nhân lao động, trong những tháng qua, Công đoàn luôn sát cánh để chăm lo cũng như đảm bảo việc làm cho NLĐ. Công đoàn đã chuẩn bị khá kỹ để thương lượng với chủ DN nhằm đảm bảo mức thưởng tết, động viên tinh thần làm việc của NLĐ. Ngoài ra, Công đoàn sẽ lên kế hoạch chăm lo Tết, quan tâm đến lao động khó khăn để NLĐ được chia sẻ nhiều hơn trong dịp cuối năm.
Tại buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh để nắm bắt tình hình đời sống NLĐ mới đây, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị các cấp Công đoàn Đồng Nai cần theo dõi sát tình hình quan hệ lao động trong các DN, hạn chế ngừng việc tập thể xảy ra trước, trong và sau dịp Tết. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp gặp gỡ người sử dụng lao động để nghe ý kiến, hỗ trợ các bên tìm biện pháp giải quyết, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành pháp luật lao động của các DN, nhất là việc thanh toán tiền lương, thưởng, không để xảy ra tình trạng nợ đọng tiền lương, tiền thưởng của NLĐ trong các tháng giáp Tết.
Lan Mai
Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu:
Tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ
Từ đầu năm đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Tổng LĐLĐ Việt Nam rất biểu dương những nỗ lực của các cấp Công đoàn Đồng Nai trong việc đồng hành cùng địa phương phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; chăm lo đời sống đoàn viên, NLĐ. Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, Công đoàn Đồng Nai cần đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng dịch để đoàn viên, NLĐ không chủ quan, bình tĩnh làm việc trong tình hình mới ngay sau khi trở lại DN.
Ngoài ra, tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đoàn viên, NLĐ, ổn định tình hình quan hệ lao động cuối năm và tập trung mọi nguồn lực chăm lo Tết Nguyên đán 2022 chu đáo, thiết thực cho đoàn viên, NLĐ.
Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Harada Việt Nam Mai Thanh Thúy:
Thương lượng tăng chính sách đãi ngộ cho NLĐ
Công ty hiện có trên 1,5 ngàn lao động làm việc, đa số là lao động trẻ. Sau khi trở lại hoạt động gần 2 tháng, đến thời điểm này, công việc, thu nhập và quan hệ lao động tại công ty rất ổn định, công nhân đều bắt nhịp nhanh với công việc.
Để giữ nhịp ổn định như hiện nay, CĐCS công ty sẽ đẩy mạnh công tác thương lượng, đối thoại với chủ sử dụng lao động xây dựng các chính sách tốt để giữ chân NLĐ thông qua chính sách tiền lương, thưởng Tết và các phúc lợi khác.
Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH KoBe EN&M Việt Nam (TP.Biên Hòa) Nguyễn Đức Kim:
Công đoàn góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ
Để xây dựng mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và NLĐ, CĐCS đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối đoàn kết đôi bên. Một thuận lợi đối với hoạt động Công đoàn tại công ty đó là tất cả cán bộ Công đoàn đều làm việc trực tiếp tại xưởng sản xuất nên hiểu hơn đời sống, mong muốn, nguyện vọng của NLĐ. Bất cứ chính sách nào liên quan đến NLĐ đều được Công đoàn ghi nhận, giải đáp kịp thời.
Nhờ đó, trong năm nay, tình hình quan hệ lao động khá ổn định, DN ngày càng hiểu và chia sẻ với NLĐ nhiều hơn.
Công nhân Bùi Thị Tanh, làm việc tại Công ty TNHH Nasan HCM Việt Nam (TP.Biên Hòa):
Mong việc làm, thu nhập ổn định
Sau gần 4 tháng tạm nghỉ việc ở nhà để phòng dịch, hiện tôi đã trở lại công ty làm việc được 3 tuần. Những tháng qua, thật sự đời sống rất khó khăn vì DN cũng bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên không hỗ trợ về lương cho NLĐ.
Trở lại với công việc, tôi mong DN quan tâm nhiều hơn đến đời sống NLĐ để giúp tôi và nhiều lao động khác vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đặc biệt, DN cần công bố sớm cho NLĐ hoặc gặp gỡ công nhân trao đổi về kế hoạch chăm lo Tết, kế hoạch sản xuất cuối năm và năm 2022 tới để công nhân yên tâm làm việc, gắn bó với DN trước và sau Tết.
Thảo My (ghi)