Cuối năm 2025, cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Chính vì vậy, hơn 4 năm tới chính là quỹ thời gian mà hàng loạt dự án kết nối hạ tầng, hỗ trợ dịch vụ phải "chạy đua" theo tiến độ của siêu dự án này.
Cuối năm 2025, cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Chính vì vậy, hơn 4 năm tới chính là quỹ thời gian mà hàng loạt dự án kết nối hạ tầng, hỗ trợ dịch vụ phải “chạy đua” theo tiến độ của siêu dự án này.
Đường vành đai 4 đoạn qua địa bàn tỉnh có điểm cuối tại cầu Thủ Biên là tuyến đường đóng vai trò quan trọng trong kết nối giao thông cho sân bay Long Thành |
* Không để “lệch pha” trong kết nối sân bay
Dự án Xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã được chính thức khởi công vào đầu năm 2021. Theo kế hoạch, cuối năm 2025, dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Để đảm bảo dự án Xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành đúng tiến độ, thời gian qua, Bộ
GT-VT đã đốc thúc chủ đầu tư kịp thi công hoàn thành các công trình theo đúng kế hoạch.
Đối với dự án thành phần 3, chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã triển khai công tác rà phá bom mìn ngay từ tháng 11-2020. Đến nay, công tác rà phá bom mìn đã thực hiện khoảng 65% diện tích đất được bàn giao và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021. Cùng với đó, ACV cũng đã hoàn thành khoảng 5,7/8,6km tường rào và 6,5/8,6km móng tường rào (đạt 71,81% khối lượng). Dự kiến việc xây dựng hàng rào sẽ hoàn thành trong tháng 9-2021. Công tác thiết kế kỹ thuật, san nền cho khu vực nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay cũng đã cơ bản hoàn thành và sẽ triển khai thi công trong tháng 11 này.
Ngoài các dự án hạ tầng giao thông kết nối, các dự án về cung cấp dịch vụ logistics, kho vận quốc tế, xây dựng đô thị, outlet (cửa hàng bán lẻ) để khai thác lợi thế phát triển từ sân bay Long Thành theo quy hoạch Vùng H.Long Thành cũng sẽ được Đồng Nai sớm triển khai kêu gọi đầu tư để kịp đồng bộ khai thác khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác. |
Đối với hạng mục nhà ga hành khách, dự kiến sẽ được khởi công trong tháng 2-2022 và hoàn thành trong tháng 6-2025; các hạng mục công trình nhà để xe, nhà ga hàng hóa số 1, các khu bảo trì… đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu thiết kế cơ sở dự kiến hoàn thành thiết kế trong tháng 12-2022. Các công tác thiết kế kỹ thuật hạ tầng (công trình khu bay, hệ thống giao thông nội cảng, hạ tầng kỹ thuật điện nước viễn thông...) đang được ACV thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu thiết kế kỹ thuật, đảm bảo tiến độ khởi công các hạng mục trong năm 2022, hoàn thành trong tháng 6-2025.
Tương tự, theo Bộ GT-VT, các dự án thành phần còn lại cũng đang được triển khai thực hiện đúng tiến độ để đảm bảo đưa vào khai thác vào cuối năm 2025.
Theo thiết kế, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ có công suất 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Để có thể khai thác được sân bay Long Thành đòi hỏi hệ thống hạ tầng cũng như các dịch vụ đi kèm bên ngoài sân bay phải được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối.
Đối với hệ thống đường bộ, có 4 tuyến đường cao tốc và đường vành đai 4 sẽ đóng vai trò kết nối cho sân bay Long Thành. Cùng với đó, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành cũng sẽ đảm nhận việc kết nối giữa sân bay Long Thành với trung tâm TP.HCM.
Về phía Đồng Nai, để đảm bảo kết nối cho sân bay Long Thành cũng như phục vụ khai thác tốt các tiềm năng phát triển mà dự án này mang lại, tỉnh đã tính toán để đầu tư nâng cấp các tuyến đường trong thời gian tới như đường 25B, 25C.
Phó giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Bôn cho biết, cùng với 2 tuyến đường trên, Sở GT-VT đã trình UBND tỉnh phê duyệt đầu tư nâng cấp, mở mới 4 tuyến trục giao thông lấy sân bay Long Thành làm trung tâm. Các tuyến đường này sẽ góp phần hoàn thiện, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ khai thác sân bay Long Thành khi hoàn thành xây dựng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, để phát huy lợi thế của sân bay Long Thành, vấn đề kết nối hạ tầng là rất quan trọng, bởi không có hạ tầng thì cũng không thể phát huy được sân bay. “Cứ đi ra là kẹt, đi vào là kẹt thì rất khó để phát triển” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay.
Với quỹ thời gian đến khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành và đưa vào khai thác không còn dài, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, vấn đề hiện nay là phải tính toán nguồn lực để sớm triển khai thực hiện các dự án. “Phải tính toán chương trình cụ thể, không để lệch pha khi bên trong sân bay đã hình thành hết mà bên ngoài sân bay chưa có gì thì rất nguy hiểm” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
* Đồng Nai sẽ chủ động làm đường sắt nhẹ, xây đường vành đai 4
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, đối với hệ thống các tuyến đường tỉnh đóng vai trò kết nối giao thông cho sân bay Long Thành, hiện nay Đồng Nai cũng đã tính toán nguồn lực để thực hiện. Tương tự, với các dự án giao thông quốc gia đóng vai trò kết nối cho sân bay, Đồng Nai sẽ tính toán để chủ động phối hợp thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ.
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là trục kết nối giao thông quan trọng của sân bay Long Thành nên cần được sớm đầu tư mở rộng |
Trong các tuyến đường cao tốc có vai trò kết nối giao thông cho sân bay Long Thành, hiện đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. 2 tuyến đường cao tốc khác gồm: Phan Thiết - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành đã được triển khai xây dựng và dự kiến hoàn thành vào các năm 2022 và 2023. Riêng đối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trong tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 1 của dự án. Như vậy, đối với hệ thống hạ tầng kết nối cho sân bay Long Thành, hiện nay chỉ có tuyến đường vành đai 4 và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành chưa được “khởi động”.
Với mục tiêu “không thể chờ đợi thêm”, đối với 2 dự án này, Đồng Nai hiện đang tính toán phương án để phối hợp thực hiện sớm nhằm đồng bộ khai thác khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành xây dựng.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành khi hoàn thành xây dựng sẽ giải quyết rất tốt việc đi lại giữa sân bay với TP.HCM. Do đó, dự án này cần được khởi động sớm. “Hiện nay, tuyến đường sắt này đã có trong quy hoạch, nhiều nhà đầu tư cũng đã tìm hiểu và bày tỏ mong muốn được tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Tương tự, tuyến đường vành đai 4 đã có một số nhà đầu tư tìm hiểu và bày tỏ mong muốn đầu tư. Xét về mặt kết nối giao thông, đường vành đai 4 đóng vai trò rất quan trọng khi có thể kết nối trực tiếp từ sân bay Long Thành đến các tỉnh, thành Đông Nam bộ như: Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM cũng như các tỉnh miền Tây Nam bộ…
Với tầm quan trọng đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, UBND tỉnh đang xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy để thống nhất việc Đồng Nai sẽ đứng ra nhận làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chủ động thực hiện 2 dự án nói trên theo hình thức đầu tư PPP. “Các dự án phải chạy đua với tiến độ của sân bay Long Thành. Không thể chờ đến năm 2025 mới bắt đầu triển khai thực hiện thì sẽ không kịp”- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đầu tháng 10 vừa qua, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã có tờ trình số 2735/PMUMT-KTTH đề xuất dự án Đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Cùng với đó, đơn vị này cũng đề nghị Bộ GT-VT xem xét có văn bản gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính về đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo phương án sử dụng nguồn vốn ODA của JICA để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến giao thông trục chính kết nối với sân bay Long Thành sau này. Do đó, việc mở rộng quy mô tuyến cao tốc này sẽ đảm bảo việc kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ khi sân bay Long Thành đi vào khai thác. |
Phạm Tùng