Trong các chính sách tiếp sức cho doanh nghiệp (DN) vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 mang lại, các chính sách về vay vốn với lãi suất ưu đãi hoặc hỗ trợ giảm lãi suất cho DN để DN có nguồn vốn tái sản xuất, kinh doanh là những chính sách rất được quan tâm.
Trong các chính sách tiếp sức cho doanh nghiệp (DN) vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 mang lại, các chính sách về vay vốn với lãi suất ưu đãi hoặc hỗ trợ giảm lãi suất cho DN để DN có nguồn vốn tái sản xuất, kinh doanh là những chính sách rất được quan tâm.
Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại chung tay trợ lực cho DN thông qua nhiều gói hỗ trợ đặc thù như: giảm lãi suất, tái cơ cấu nợ, miễn các loại phí, cho vay trả tiền ngừng việc cho người lao động…
Theo báo cáo, thống kê từ các ngân hàng thì nhiều DN cũng đã nhận được hỗ trợ, song thực sự vẫn còn một khoảng cách khá xa từ chủ trương đến thực tế. Nhiều DN cho biết, để nhận được ưu đãi, nhiều ngân hàng yêu cầu phải chứng minh “đủ loại thủ tục” để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng. Một số ngân hàng tỏ ra không mặn mà trong việc giúp đỡ DN tiếp cận các khoản hỗ trợ này. Các gói tín dụng “tung” ra cho nhiều đối tượng khách vay, trên thực tế cũng không ưu đãi gì nhiều so với các ưu đãi bình thường của các ngân hàng trong một thị trường vốn đã cạnh tranh nhau mạnh mẽ để cho vay. Các thủ tục vay cũng không được đơn giản hóa so với bình thường.
Nhiều DN trải nghiệm các gói hỗ trợ này qua các đợt khủng hoảng kinh tế trước nhận xét rằng chúng chỉ mang tính “động viên” là chính, vì số DN thực sự được hưởng lợi không nhiều.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, bản thân các ngân hàng cũng là DN, họ kinh doanh một loại “hàng hóa” đặc biệt là tiền. Các ngân hàng cũng chịu sự chi phối bởi các quy định nghiêm ngặt để bảo toàn đồng vốn, chịu áp lực về chỉ tiêu lợi nhuận và nhiều ràng buộc khác. Do đó, mấy ai dám “vượt rào” theo kiểu “đơn giản hóa” các thủ tục, hồ sơ chứng minh năng lực khách hàng đủ điều kiện để cho vay?
Nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ nên sử dụng ngân sách để “bù” thẳng vào lãi suất ngân hàng nhằm “cứu” DN thay vì dựa vào nguồn lực của từng ngân hàng. Tuy nhiên, kể cả cách làm này cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Còn nhớ cách đây 12 năm, khi kinh tế Việt Nam gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ cũng áp dụng chính sách “bù lãi suất” bằng ngân sách để hỗ trợ DN với sự tham gia của hệ thống ngân hàng. Song khi áp dụng vào thực tế, nhiều nơi chính sách này bị lạm dụng và công tác thanh tra, kiểm toán sau đó trở thành nỗi “ám ảnh” của cả DN lẫn ngân hàng.
Ở một góc nhìn rộng hơn, nếu DN phá sản hay thua lỗ nhiều, phía ngân hàng cũng phát sinh nợ xấu, nợ khó đòi và chịu ảnh hưởng trực tiếp. Vì vậy, ngân hàng mong muốn DN vượt qua khó khăn và làm ăn thuận lợi. Mong muốn là giống nhau, nhưng “niềm tin” lẫn nhau buộc phải dựa trên giấy tờ, sổ sách, tài sản đảm bảo… để đồng tiền đi đúng nơi, đúng chỗ, hỗ trợ đúng đối tượng cần. Giải pháp ở đây có lẽ không phải là những giải pháp mang tính áp đặt, mà trái lại, chỉ cần cả DN lẫn ngân hàng hành động linh hoạt, gặp khúc mắc thì cùng tháo gỡ, trao đổi, lắng nghe, hỗ trợ nhau để cùng đi đến một kết quả hài hòa nhất.
Vi Lâm