Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn các bộ, ngành liên quan về thực trạng thiếu hụt lao động tại các tỉnh, thành phía Nam do người lao động (NLĐ) về quê tránh dịch Covid-19....
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu đã chất vấn các bộ, ngành liên quan về thực trạng thiếu hụt lao động tại các tỉnh, thành phía Nam do người lao động (NLĐ) về quê tránh dịch Covid-19. Các đại biểu cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần có nhiều giải pháp an sinh để thu hút NLĐ trở lại làm việc, tránh làm đứt gãy thị trường lao động và ảnh hưởng tới quá trình khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp (DN).
Công nhân Công ty TNHH MTV Thế Linh (TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai |
Tình hình dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp đã khiến cho lực lượng lao động trở về quê phòng dịch tương đối lớn, khoảng 1,3 triệu người. Con số này chiếm 60% trong tổng số người dân di chuyển từ TP.HCM và các tỉnh thuộc Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam về quê.
* Chủ động kết nối
Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, qua khảo sát cho thấy, khoảng 30% người dân các địa phương đã về quê có nhu cầu quay trở lại TP.HCM và các tỉnh phía Nam làm việc; 30% muốn chuyển sang lĩnh vực khác ở các địa bàn khác, còn lại phần đông muốn ở lại quê làm việc. TP.HCM và các tỉnh lân cận đã có kết nối để vận động, thuyết phục, giới thiệu NLĐ quay trở lại làm việc.
Theo Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, để NLĐ yên tâm quay lại làm việc phải kiểm soát tốt dịch bệnh, mở lại trường học, nhất là mẫu giáo và tiểu học. Ngoài ra, DN cam kết tiếp tục trả một phần lương trong trường hợp phải tạm nghỉ do dịch bệnh bùng phát trở lại. Trước mắt, các địa phương, nhân dân rất quan tâm đến việc giải quyết cho khoảng 1,3 triệu lao động từ một số địa bàn, chủ yếu từ các tỉnh Đông Nam bộ đi về các tỉnh được quay lại làm việc, vừa phục hồi hoạt động sản xuất, vừa bảo đảm quyền lợi cho họ và gia đình.
Phó thủ tướng cho rằng, cần phân loại các nhóm NLĐ để có biện pháp giải quyết phù hợp. Cụ thể là lao động có hợp đồng chính thức, ổn định và dài hạn, làm việc ở các DN lớn, các khu chế xuất, các khu công nghiệp; lao động làm việc ở các xí nghiệp nhỏ, các công trường, có tính thời vụ; lao động tự do… Ngoài ra, phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, không để NLĐ vừa quay lại làm thì phải tạm nghỉ do dịch bùng phát.
Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) tăng cường tuyển dụng lao động |
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương chủ động hơn nữa trong kết nối, đưa đón NLĐ từ nơi khác quay lại làm việc bằng cách thông tin đầy đủ về nhu cầu lao động, chỗ ở, tiêm vaccine… Cùng với đó, Bộ LĐ-TBXH xây dựng các gói hỗ trợ riêng cho NLĐ, trong đó tính đến cả người nhà đi theo để trông con cái cho NLĐ.
* Tổ chức đón NLĐ trở lại làm việc
Tại Đồng Nai, trong đợt dịch vừa qua đã có trên 40 ngàn lao động trở về quê phòng dịch. Đến nay, sau hơn 1 tháng kết thúc giãn cách xã hội, trên địa bàn tỉnh đã có gần 100% DN trở lại hoạt động. Tuy nhiên, hầu như các DN đều cho biết, việc thiếu hụt lao động đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc khôi phục sản xuất của các DN. Các DN đang tăng cường tuyển dụng lao động để phục vụ đơn hàng Tết và những tháng đầu năm 2022.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, chỉ tính riêng tháng 10, các DN đã có nhu cầu tuyển dụng 30 ngàn lao động, con số này tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm. Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được tuyển dụng nhiều như: may mặc, giày da, sản phẩm gỗ, điện tử, bảo hiểm, điện dân dụng... với nhiều vị trí việc làm. Trung tâm đang nỗ lực tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến để kết nối việc làm giữa NLĐ và DN. Qua đó, kịp thời hỗ trợ việc làm nhanh chóng cho NLĐ, nhất là đối tượng thất nghiệp nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho các DN phục hồi sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai Trần Thị Thùy Trâm cho biết, lao động tham gia sàn giao dịch việc làm gần đây đa số là lao động đã qua đào tạo, trong khi đối tượng tuyển dụng của DN phần lớn là lao động phổ thông. Mặt khác, lao động phổ thông bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã trở về quê, chưa kịp quay lại Đồng Nai để làm việc, dẫn đến thiếu hụt ứng viên, do đó lao động phổ thông tại sàn đáp ứng được rất ít so với nhu cầu tuyển dụng của DN. Tới đây, trung tâm sẽ tích cực tư vấn việc làm, kết nối phỏng vấn trực tuyến, hướng dẫn nộp hồ dự tuyển cho NLĐ. Ngoài ra, tăng cường kết nối các địa phương để tìm nguồn lực và hỗ trợ các DN đón lao động trở lại làm việc.
Để hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, UBND tỉnh đã giao Sở LĐ-TBXH phối hợp, hỗ trợ đón NLĐ từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu đến, trở lại tỉnh Đồng Nai làm việc. NLĐ trở lại Đồng Nai làm việc sẽ có các chính sách ưu đãi như: ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng như đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 nhanh chóng, an toàn, đảm bảo điều kiện khi trở lại DN làm việc; trường hợp NLĐ phải thuê trọ mà vẫn chưa nhận hỗ trợ của UBND tỉnh trước khi về quê sẽ được nhận hỗ trợ 300 ngàn đồng/người/lần.
Về hình thức tổ chức, DN, đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức đón NLĐ. Trong đó, với phương tiện vận chuyển bằng xe ô tô của DN, các DN, đơn vị chịu trách nhiệm đảm bảo các quy định phòng dịch Covid-19 trước khi vận chuyển NLĐ trở lại làm việc. UBND tỉnh đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện và có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ trong việc đón NLĐ từ các địa phương về lại Đồng Nai làm việc. Các sở, ngành, các đơn vị sử dụng lao động và UBND các huyện, thành phố cần bố trí kinh phí, lực lượng, phương tiện chuyên dụng dẫn đường; kết nối thông tin, tuyên truyền các chính sách ưu tiên của tỉnh Đồng Nai đến NLĐ và chuẩn bị đầy đủ phương tiện vận chuyển, xây dựng phương án, kế hoạch đón NLĐ ở các tỉnh trở lại Đồng Nai làm việc an toàn.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) Đặng Tuấn Tú cho biết, công ty hiện có trên 2 ngàn lao động ở các tỉnh chưa quay trở lại làm việc. Sự quan tâm, hỗ trợ và các chính sách ưu đãi từ tỉnh cũng như các ngành đã tạo thêm điều kiện để DN sẽ bố trí xe đi đón NLĐ trở lại làm việc. Trong đó, DN sẽ có nhiều chính sách thu hút và giữ chân lao động. Ngoài ra, quan tâm đến vấn đề phúc lợi, lương, thưởng, các gói hỗ trợ để NLĐ tin tưởng, an tâm gắn bó với DN.
Để chăm lo đời sống NLĐ yên tâm ở lại gắn bó với DN và địa phương, các cấp Công đoàn Đồng Nai đã và đang thực hiện nhiều hoạt động thiết thực và các gói hỗ trợ Công đoàn hướng đến đoàn viên, NLĐ. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến NLĐ bị ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập do đại dịch. Ngoài ra, tới đây các cấp Công đoàn dự kiến sẽ hỗ trợ quà Tết cho khoảng 800 ngàn người NLĐ. Ngoài ra, hỗ trợ thêm 100 ngàn phần quà khác cho lao động khó khăn trên địa bàn tỉnh. |
Lan Mai