Bắt đầu từ ngày 13-10, vận tải hành khách liên tỉnh chính thức khởi động trở lại theo hướng dẫn tạm thời của Bộ GT-VT. Đây là tín hiệu vui cho thấy hoạt động vận tải hành khách đang từng bước được khôi phục.
Bắt đầu từ ngày 13-10, vận tải hành khách liên tỉnh chính thức khởi động trở lại theo hướng dẫn tạm thời của Bộ GT-VT. Đây là tín hiệu vui cho thấy hoạt động vận tải hành khách đang từng bước được khôi phục. Việc này đáp ứng nhu cầu đi lại giữa các tỉnh, thành của người dân, doanh nghiệp; phù hợp với chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội, từng bước phục hồi kinh tế trong trạng thái “bình thường mới” sau thời gian dài nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, thời gian đầu trở lại hoạt động, vận tải hành khách liên tỉnh chưa kịp mừng đã lo vì có quá nhiều khó khăn trước mắt. Cụ thể như: dịch bệnh còn diễn biến phức tạp khiến người dân ngại di chuyển xa nên số lượng hành khách còn hạn chế, nguy cơ thua lỗ cao; quy định phòng dịch của mỗi tỉnh, thành còn khác nhau (về xét nghiệm virus SARS-CoV-2, yêu cầu cách ly y tế…).
Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” quy định, các tỉnh, thành phố xác định cấp độ dịch trên địa bàn. Nhưng theo Bộ GT-VT, đến nay chỉ có một số tỉnh, thành phố công bố cấp độ dịch, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các tuyến vận tải đến các địa phương này.
Ngoài ra, tình hình dịch bệnh tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp nên nhiều tỉnh, thành chưa mở lại hoạt động vận tải hành khách công cộng, trong đó có vận tải hành khách công cộng liên tỉnh. Trong khi nhu cầu của người dân di chuyển bằng phương tiện vận chuyển hành khách công cộng ngoại tỉnh bằng xe buýt khá lớn. Nhất là các tuyến kết nối từ các tỉnh, thành trọng điểm phía Nam đến TP.HCM và ngược lại.
Trên đây là những khó khăn, hạn chế cần được các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành quan tâm tháo gỡ để từng bước phục hồi hoạt động của vận tải hành khách liên tỉnh trên tinh thần thống nhất chung quy định phòng, chống dịch của Nghị quyết 128. Bên cạnh đó, ngành GT-VT cần có Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động GT-VT an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện chung trong trên cả nước. Trong đó, quy định thống nhất các điều kiện được tham gia lưu thông, cũng như các biện pháp phòng dịch an toàn… Có như vậy mới tạo được sự tin tưởng cho người dân khi lựa chọn di chuyển bằng các phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh.
Để khôi phục hoạt động vận tải nói chung và vận tải hành khách liên tỉnh nói riêng, điều quan trọng nhất vẫn là hiệu quả công tác phòng, chống, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Hiệu quả của công tác này càng cao thì mọi hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh càng nhanh chóng trở lại bình thường; thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp trong việc đi lại, làm ăn, kinh doanh, góp phần quan trọng trong việc phục hồi kinh tế - xã hội.
Đặng Ngọc