Những năm gần đây, chương trình khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển đáng khích lệ, tạo tiền đề hình thành nên hệ sinh thái, cộng đồng DN khởi nghiệp, tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển...
Là một trong những địa phương năng động trong phát triển kinh tế, Đồng Nai cũng được xem là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp (DN), khởi nghiệp. Những năm gần đây, chương trình khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển đáng khích lệ, tạo tiền đề hình thành nên hệ sinh thái, cộng đồng DN khởi nghiệp, tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng (khi còn là Giám đốc Sở KH-CN) và bà Võ Phương Lan (trái), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía Nam ký kết hợp tác hỗ trợ, đào tạo khởi nghiệp (ảnh chụp trước tháng 4 -2021). Ảnh tư liệu |
Trong bối cảnh nền kinh tế 4.0, cách mạng số và tác động của dịch bệnh Covid-19 với những thay đổi của nền kinh tế, từ nay đến năm 2025, Đồng Nai đặt mục tiêu trở thành địa phương có cơ chế đặc thù, môi trường thuận lợi cho khởi sự DN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST).
* Tiềm năng lớn cần khai thác
Đồng Nai là địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hàng chục ngàn DN đang hoạt động, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài đang rất cần mặt hàng phụ trợ nội địa nên là cơ hội rất thuận lợi để các dự án khởi nghiệp có hàm lượng khoa học, kỹ thuật triển khai. Quy mô dân số lớn, cận kề TP.HCM, thị trường lớn cho sản xuất hàng hóa của DN, có nhiều trung tâm, viện nghiên cứu, nhà khoa học… để các DN khởi nghiệp tham vấn, học tập.
Hội nghị Định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 sẽ được diễn ra vào ngày 5-10. Hội nghị được UBND tỉnh giao Sở KH-CN tổ chức nhằm tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Đồng Nai. Do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, hội nghị sẽ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. |
Theo Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, Giám đốc Công ty CP S Furniture Huỳnh Thanh Vạn, ít có địa phương nào mang những lợi thế mà Đồng Nai sẵn có. “Dân số đông, lại sát vách với thị trường TP.HCM lớn nhất cả nước nên sản phẩm cho DN nói chung và DN khởi nghiệp nói riêng có nhiều cơ hội đến được với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế phát triển sôi động nhất cả nước, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục ngàn DN, hơn 30 khu công nghiệp có nhu cầu với những mặt hàng công nghiệp hỗ trợ, là điều kiện rất tốt để những ý tưởng khởi nghiệp mới, sáng tạo, đặc biệt là của người trẻ có đất để dụng võ” - ông Huỳnh Thanh Vạn nhận định.
Về phía địa phương, Đồng Nai xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, Đồng Nai hiện đang có nhiều dự án hạ tầng quan trọng, nổi bật là sân bay quốc tế Long Thành. Dự án này sẽ góp phần tạo ra hàng trăm ngàn việc làm liên quan, với những sản phẩm, dịch vụ mới so với sự phát triển truyền thống, do đó tạo cơ hội để DN, doanh nhân địa phương nắm bắt và khởi nghiệp. Sự đồng hành hỗ trợ qua lại giữa chính quyền địa phương cùng DN sẽ là lực đẩy xây dựng cộng đồng DN ngày càng phát triển vững mạnh.
* Thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, trong giai đoạn 2020-2025, Đồng Nai đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và ĐMST. Để làm được điều đó, phải lấy DN làm nòng cốt nhằm xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng và ĐMST dựa trên thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là những yếu tố cần thiết nhằm tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của DN.
Một số nội dung của Hội nghị định hướng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 Hội nghị sẽ được nghe cam kết của lãnh đạo tỉnh về việc đổi mới mạnh mẽ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Đồng Nai; Cách thức phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, vai trò của các chủ thể trong hệ sinh thái; Các tham luận đến từ các chuyên gia, nhà lãnh đạo những địa phương có nền tảng khởi nghiệp tốt như TP.HCM, Đà Nẵng với các nội dung về mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp, kinh nghiệm xây dựng, liên kết, tập hợp DN khởi nghiệp tại các địa phương… Bên cạnh đó là hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học ở TP.HCM và Đồng Nai cũng như hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh đoàn Đồng Nai… Mục tiêu quan trọng nữa của hội nghị là nhìn nhận lại thực trạng phát triển phong trào khởi nghiệp tại Đồng Nai thời gian qua; chỉ rõ vấn đề còn tồn tại trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và các giải pháp để đưa Đồng Nai trở thành một trong những địa phương tiên phong, mạnh về khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam. |
Riêng đối với Sở KH-CN, đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ điều phối chương trình khởi nghiệp ĐMST phải phát triển hoàn thiện hệ sinh thái, tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và ĐMST trong DN. Phấn đấu đến năm 2023, hỗ trợ thêm 30 dự án khởi nghiệp ĐMST, hỗ trợ 5 dự án ươm tạo DN khoa học công nghệ, hỗ trợ phát triển cho 3 DN khoa học công nghệ phát triển, đưa chỉ số khởi nghiệp của tỉnh tăng 20%.
Song song với việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thì ở phương diện bao quát hơn, Đồng Nai đang từng bước cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu lọt vào tốp dẫn đầu cả nước. Trên thực tế, môi trường kinh doanh của Đồng Nai đã ngày một thông thoáng, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của nhiều DN, hiệp hội DN hoạt động. Đặc biệt, trong giai đoạn trước mắt, nhiệm vụ hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, hạn chế tác động bất lợi của dịch bệnh lại càng cấp thiết.
Giới thiệu sản phẩm Robot vệ sinh năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Công nghệ viễn thông Chí Thanh, một doanh nghiệp khởi nghiệp ngành công nghệ ở Đồng Nai (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: VĂN GIA |
Vào tháng 6-2021, UBND tỉnh đã ban hành đề án Hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn Đồng Nai giai đoạn 2021-2025. Đề án này là cơ sở pháp lý để các cơ quan liên quan của tỉnh triển khai những nhiệm vụ cụ thể, tạo điều kiện khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự DN cho người dân. Với các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, trong đó có những khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 65,5 ngàn DN nhỏ và vừa, tạo việc làm cho trên 265 ngàn lao động.
Với nhiệm vụ trước mắt, Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông cho hay, Sở sẽ tiếp tục hoàn thiện đầy đủ các thành tố còn thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh. Đó là xây dựng khu không gian làm việc chung tại Sở; kết nối với các trường đại học để hình thành cơ sở vật chất phục vụ thí nghiệm, thử nghiệm để xây dựng sản phẩm mẫu; hoàn thiện, hỗ trợ thúc đẩy hình thành các quỹ, tổ chức hoạt động tạo nguồn vốn và tài chính cho khởi nghiệp…
Văn Gia
Ông NGUYỄN HÙNG PHONG, Giám đốc Trung tâm Phát triển khởi nghiệp, Trường đại học Kinh tế TP.HCM:
Cần có “vườn ươm” để thúc đẩy hình thành DN khởi nghiệp
Có một thực tế là tại những địa phương nào xây dựng được các “vườn ươm” khởi nghiệp thì nơi đó gặt hái nhiều thành quả. Hoạt động khởi nghiệp kinh doanh bắt đầu từ những ý tưởng sáng tạo có tính mới, độc đáo và hữu ích nhưng để biến những ý tưởng sáng tạo này thành hiện thực hay thành những sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh cụ thể cần có hoạt động đổi mới để hiện thực hóa ý tưởng. Đó chính là vai trò của các vườn ươm trong việc hỗ trợ phát triển ý tưởng, hình thành khái niệm sản phẩm/dịch vụ và thử nghiệm trên thị trường trước khi thương mại hóa chúng.
Sở dĩ Hà Nội, Ðà Nẵng, TP.HCM hay Bình Dương đạt được thành công là nhờ họ có các vườn ươm khởi nghiệp. Ðồng Nai là địa phương có rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này nên cần được phát huy. Khi xây dựng được các vườn ươm DN thì chúng ta sẽ có cơ hội chứng kiến nhiều DN thế hệ mới được hình thành. Ðịa phương nào có nhiều vườn ươm DN thì chứng tỏ mức độ, sức thu hút của môi trường ở đó rất tốt.
Ông LÊ NHẬT QUANG, Phó giám đốc Khu công nghệ phần mềm (ITP), Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp ĐMST, Đại học Quốc gia TP.HCM:
Cộng sinh, hợp tác để tạo ra thị trường “cùng thắng”
Việt Nam đã bước đầu hình thành thế hệ doanh nhân có thể tạo ra những giá trị mới dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, tri thức và những mô hình sáng tạo mới. Các DN cũng đang từng bước có sự cộng sinh, hợp tác để tạo nguồn lực lớn mạnh hơn. Sự hợp tác, cộng sinh giữa các DN đã thành danh với những đơn vị nhỏ, mới thành lập tạo nên hệ sinh thái DN có khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Do đó, thị trường ngày nay không phải là “cá lớn nuốt cá bé” mà là thị trường cùng tồn tại để phát triển (cùng thắng - win-win). Chính vì vậy, yếu tố ĐMST rất quan trọng. Nếu vấn đề này được chú trọng thì sự cộng sinh, hợp tác của cộng đồng DN sẽ tạo ra thị trường rộng lớn hơn, cơ hội cùng thắng của DN cũng cao hơn.
Ông NGUYỄN VĂN TÂN, Trưởng khoa Quản trị - kinh tế quốc tế, Trưởng bộ phận Khởi nghiệp ĐMST Trường đại học Lạc Hồng:
Tạo tâm thế khởi nghiệp cho sinh viên
Trước nhu cầu của thực tế xã hội, trường đại học cần xác định mục tiêu đào tạo của mình là nâng tầm nhận thức, thay đổi suy nghĩ của sinh viên, đồng thời tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp để những sinh viên có ý tưởng, dự án mới tham gia. Qua sự gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với DN, chuyên gia, sinh viên có được những thông tin bổ ích về tìm kiếm nhu cầu thị trường, xây dựng dự án, tìm kiếm tài chính từ các nhà đầu tư, đánh giá rủi ro triển khai dự án...
Tham gia phong trào nói trên, nếu sau này các dự án khởi nghiệp có thể tiếp tục phát triển trở thành DN, tạo việc làm cho người lao động là rất tốt. Nếu không, thế hệ sinh viên mới của trường sau khi tốt nghiệp cũng sẽ không còn bỡ ngỡ, các em có thể tự tin tìm kiếm cơ hội làm việc cho mình ở những DN phù hợp vì đã có trải nghiệm thực tế ngay từ khi còn học tập trên giảng đường.
Vương Thế