Tăng tốc sản xuất để đáp ứng các đơn hàng đang bị trễ hạn giao hàng; tìm cách huy động đủ lao động, nguyên vật liệu để dồn sức cho mùa sản xuất cuối năm; chuẩn bị tìm kiếm và đón nhận các đơn hàng cho giai đoạn đầu năm 2022 trong bối cảnh phải phòng, chống dịch bệnh một cách nghiêm túc, hiệu quả - là những điều mà tất cả doanh nghiệp (DN) sản xuất trên địa bàn Đồng Nai đang tập trung thực hiện.
Sự tháo gỡ kịp thời của Chính phủ và tỉnh Đồng Nai trong phục hồi sản xuất, các quy định trong việc di chuyển của người lao động thông thoáng hơn, lưu thông hàng hóa nguyên vật liệu thông suốt hơn… cơ bản đã tạo điều kiện đủ để nhiều DN tái sản xuất sau một thời gian dài buộc phải dừng hoạt động. Các DN giảm công suất sản xuất trong suốt thời gian qua cũng nhanh chóng bổ sung lao động để nâng công suất lại như thời gian trước khi xảy ra dịch bệnh.
Tại Đồng Nai, vaccine ngừa Covid-19 hiện đã phủ rộng cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi, mũi 1 đã đủ thời gian tạo kháng thể và tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2, trong đó nhấn mạnh ưu tiên vaccine cho khối DN sản xuất, kinh doanh để họ chủ động hơn trong phòng dịch và sản xuất. Nhiều DN cho rằng chính sách này là kịp thời, phù hợp khi thời gian cao điểm sản xuất hàng xuất khẩu đang “sát nút”, nhất là khi những thị trường xuất khẩu truyền thống của Đồng Nai như: Hoa Kỳ, châu Âu… sắp bước vào mùa mua sắm cuối năm.
Trong 9 tháng qua, dù dồn lực chống dịch, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai lại có bước tăng trưởng khả quan với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020 (mục tiêu cả năm tăng 8,1-8,5%). Ngoài 2 ngành chủ lực là giày dép và dệt may sụt giảm thì các ngành chủ lực còn lại đều có mức tăng khá như: sản phẩm gỗ tăng 29%; xơ, sợi dệt các loại tăng 67%; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng tăng 23%... Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên xuất siêu chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD, giảm khoảng 34,8% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế, một số tập đoàn gia công hàng tiêu dùng quy mô lớn đặt nhà máy tại Việt Nam đã từng tính đến chuyện tạm dời đơn hàng đi các quốc gia khác để kịp sản xuất cho các hợp đồng đã ký. Thời gian giãn cách phòng, chống dịch kéo dài, nhiều nhà máy buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc giảm công suất chỉ còn 20-30%. Nếu dịch bệnh chưa kiểm soát tốt, vaccine chưa phủ rộng, nguy cơ dời đơn hàng trở thành “xu hướng” rộng thì thiệt hại cho nền kinh tế sẽ thành thiệt hại lâu dài. Vậy nên việc kiểm soát dịch bệnh tốt của Đồng Nai và các địa phương lân cận để DN có thể tái sản xuất là điều vô cùng quan trọng, có ý nghĩa. Hy vọng từ nay đến cuối năm, nhiều DN sẽ dồn sức tăng tốc và phục hồi tăng trưởng thành công dù phía trước còn khá nhiều thách thức.
Vi Lâm