Thời gian qua, giá nhiều loại mặt hàng, sản phẩm tiêu dùng, nguyên liệu sản xuất, kinh doanh liên tục tăng ở mức cao do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn..., đã gây áp lực lớn tới đời sống của người dân, doanh nghiệp
Thời gian qua, giá nhiều loại mặt hàng, sản phẩm tiêu dùng, nguyên liệu sản xuất, kinh doanh liên tục ở mức cao do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn.
Đồ họa thể hiện biến động giá bán lẻ các loại xăng từ tháng 5-2021 đến nay (Đồ họa: Hải Quân) |
Đặc biệt, trong đợt điều chỉnh giá gần nhất trong tháng 10-2021, giá các loại xăng dầu, gas bán lẻ tiếp tục tăng cao. Điều này gây ra áp lực lớn tới đời sống của người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh mới chỉ mở cửa trở lại sau nhiều tháng tạm ngưng hoạt động vì tình hình dịch bệnh phức tạp.
* Giá bán lẻ xăng, dầu, gas tăng kỷ lục
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, tháng 9 vừa qua, trong các nhóm hàng hóa chính, có 5 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng 8. Trong đó, nhóm mặt hàng may mặc, mũ, giày dép có chỉ số giá trong tháng 9 tăng nhẹ 0,01%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%…
Đặc biệt, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống so với tháng trước tăng 0,27%. Riêng mặt hàng lương thực tăng 0,46% do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, nhu cầu mua sắm tăng cao. Giá các mặt hàng lương thực chế biến tiếp tục tăng 0,91% so với tháng 8, trong đó các mặt hàng như: bún, phở… tăng 1,69% do nguồn cung trên thị trường giảm. Các mặt hàng mì sợi, phở, cháo ăn liền cũng tăng 1,19% so với tháng trước đó.
Tương tự, đối với nhóm hàng thực phẩm, chỉ số tăng 0,46% so với tháng 8. Chủ yếu tăng vẫn là các mặt hàng rau củ quả tươi và chế biến. Các mặt hàng sữa, bơ, phô mai tăng 0,61% so với tháng trước đó, phần lớn tăng ở khu vực nông thôn do chi phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác tăng. Mặt hàng trứng các loại cũng tăng hơn 2% so với tháng trước đó. Riêng chỉ số giá các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm lại giảm 0,33% so với tháng 8.
Nổi bật nhất trong thời gian gần đây là giá bán lẻ các loại xăng, dầu, gas tăng cao kỷ lục. Theo đó, trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ gần nhất của Liên bộ Tài chính - Công thương, giá các loại xăng tăng gần 1 ngàn đồng/lít. Cụ thể, xăng E5 RON92 tăng 934 đồng/lít, xăng RON95 tăng 967 đồng/lít. Sau khi điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa đối với xăng E5 RON92 là 21.683 đồng/lít và xăng RON95 là 22.879 đồng/lít.
Đây là mức giá xăng cao nhất trong vòng 7 năm qua và là lần thứ 3 liên tiếp giá xăng tăng kể từ cuối tháng 8-2021 đến nay. Trong vòng gần 1 năm qua, giá bán lẻ các loại xăng trong nước đã tăng 16 lần, giảm 3 lần và 3 lần giữ nguyên giá. Trong đó, xăng E5 RON92 tăng tổng cộng gần 7,8 ngàn đồng/lít, xăng RON95 tăng hơn 8,1 ngàn đồng/lít.
Tương tự, giá các mặt hàng dầu cũng tăng khá mạnh trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ vừa qua. Cụ thể, giá dầu diesel tăng 959 đồng/lít, dầu hỏa tăng 979 đồng/lít và dầu mazut tăng 517 đồng/kg. Sau khi điều chỉnh, giá dầu diesel là 17.545 đồng/lít, dầu hỏa là 16.622 đồng/lít và dầu mazut là 17.097 đồng/kg.
Từ đầu tháng 10-2021, giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục tăng mạnh, thêm 42 ngàn đồng/bình đối với loại bình 12kg, giá các loại gas phổ biến dao động khoảng 460-484 ngàn đồng/bình 12kg tùy loại. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp giá gas bán lẻ trong nước tăng với tổng mức tăng khoảng 100 ngàn đồng/bình 12kg. Tính chung từ đầu năm 2021 đến nay, giá gas bán lẻ đã có 8 lần tăng.
Bà Thanh Hồng (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) chia sẻ, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng vẫn giữ ở mức cao trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của gia đình bà, nhất là mức chi tiêu hằng ngày tăng, trong khi nguồn thu nhập lại thu hẹp vì tình hình dịch bệnh phức tạp. Điều này khiến gia đình bà buộc phải tính toán, thắt chặt chi tiêu để vượt qua giai đoạn này.
* Doanh nghiệp, HTX gồng gánh nhiều chi phí
Giá các loại nhiên liệu liên tục tăng cao và tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường đã khiến không ít doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, chấp nhận chịu lỗ, gồng gánh nhiều chi phí phát sinh để duy trì hoạt động, nhất là các doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực vận tải, logistics...
Giá xăng dầu tiếp tục tăng trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ mới đây của Liên bộ Công thương - Tài chính. Ảnh: H.Quân |
Theo ông Nguyễn Xuân Thiện, Giám đốc HTX Dịch vụ - vận tải Thống Nhất (H.Trảng Bom), hiện nay HTX đã hoạt động trở lại đối với loại hình vận tải đưa rước công nhân với công suất khoảng 50% so với trước dịch và thực hiện giãn cách hành khách trên xe. Các loại xe tải hiện đang hoạt động cầm chừng, chủ yếu là các loại xe tải cỡ nhỏ, trong khi các tuyến xe buýt của HTX vẫn đang tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch. “Các chi phi về xăng, dầu chiếm tỉ trọng cao trong chi phí vận hành của HTX. Do đó, khi giá xăng, dầu liên tục tăng cao trong thời gian gần đây khiến cho tình hình hoạt động của HTX đã khó lại càng khó hơn, nhất là khi nhu cầu vận tải, lượng khách chưa thể phục hồi vì tình hình dịch bệnh” - ông Thiện cho biết.
Tương tự, do tình hình dịch bệnh Covid-19, nguồn cung nhiều loại thực phẩm, rau củ quả chịu nhiều tác động, chi phí vận tải và một số chi phí phát sinh khác tăng khiến cho các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng suất ăn công nghiệp phải lo lắng.
Ông Đào Văn Hợp, Giám đốc Công ty TNHH Hỗ trợ công nghiệp Thành Công (TP.Biên Hòa) chia sẻ, hiện công ty cung ứng suất ăn công nghiệp chủ yếu ở các khu vực, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với công suất khoảng 18 ngàn suất/ngày, giảm khoảng 2 ngàn suất so với trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Thời gian gần đây, giá các loại nguyên liệu đầu vào, giá gas, chi phí vận chuyển tăng khoảng 10-15% đã khiến cho công ty phải chủ động cân đối các khoản phí vận hành để giữ giá đầu ra và đảm bảo duy trì cung ứng.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, hiện giá thức ăn chăn nuôi đang chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất. Giá cám giữ mức “đỉnh” trong nhiều tháng gần đây và tăng khoảng 40% so với thời điểm cuối tháng 10 năm ngoái. Hiện giá cám trung bình vào khoảng 300 ngàn đồng/bao 25kg. Ngoài ra, các chi phí vận chuyển, nhân công… cũng tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong khi giá heo hơi hiện tại lại giảm mạnh. Điều này gây ra nhiều áp lực, khó khăn cho người chăn nuôi.
Hải Quân
Áp lực cho nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ
Nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ mới chỉ được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, giá nhiều loại nguyên, vật liệu vẫn còn ở mức cao sau thời gian bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, thêm vào đó là giá các loại xăng, dầu, gas liên tục leo thang đã tạo sức ép không nhỏ lên người kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ.
Bà Thúy Vân, chủ một tiệm kinh doanh điểm tâm sáng ở P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho biết, các tiểu thương như bà chưa kịp vui mừng vì hàng quán được phép bán hàng mang đi thì giá gas tăng mạnh chưa từng có, loại bình 12kg bà thường dùng có giá 485 ngàn đồng/bình. Mấy tháng trước, bà còn kỳ vọng khi mở cửa trở lại, các loại giá cả sẽ “hạ nhiệt”, việc kinh doanh cũng thuận lợi hơn bởi lúc đó khách hàng chi tiêu cho ăn ngoài nhiều. “Tuy nhiên, hiện giá gas tăng cao cùng với giá các loại nhiên liệu tăng đã “đội” phí vận chuyển, giá mua nguyên liệu, thực phẩm tăng theo khiến việc kinh doanh ăn uống gặp nhiều khó khăn. Giờ quán chỉ bán mang đi nên lượng khách cũng chưa nhiều. Tiệm cố gắng duy trì hoạt động giữ mối quen, thời gian này chủ yếu “lấy công làm lời” để bù đắp lại các chi phí đầu vào. Tôi mong chờ sắp tới tình hình dịch bệnh được kiểm soát để mọi thứ “hạ nhiệt” sẽ dễ thở hơn” - bà Vân chia sẻ.
Tương tự, một số chủ cửa hàng vật liệu xây dựng ở TP.Biên Hòa cho hay, dù được phép hoạt động trở lại nhưng những ngày qua lượng khách tới mua các loại vật liệu xây dựng vẫn chưa nhiều. Trong khi đó, giá nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng vẫn đang ở mức cao vì chi phí vận chuyển tăng trong thời gian qua do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Đối với các loại hình dịch vụ giao hàng, shipper, giá xăng tăng cũng tác động không nhỏ tới chi phí vận hành, thu nhập của những người vận chuyển hàng hóa. Ông Thành Đức, nhân viên giao hàng của Công ty vận chuyển S. cho hay, ông được công ty phân công giao hàng ở khu vực P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa). Trung bình mỗi ngày, nếu thời tiết thuận lợi ông giao được khoảng 80-100 đơn, mỗi đơn hàng thành công ông nhận được 4,5 ngàn đồng, trong đó bao gồm cả tiền xăng xe, điện thoại. Hiện tại, giá xăng tăng mạnh thì sau khi trừ chi phí nhiên liệu, cước điện thoại ông chỉ còn khoảng 3-3,5 ngàn đồng/đơn, thấp hơn khá nhiều so với trước. “Giao hàng là nghề vất vả, nhất là trong thời gian dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Tình hình xăng tăng như vậy mà giá ship đang thấp, thu nhập mỗi đơn bị sụt giảm nhưng vì đã quen việc nên tôi phải cố gắng trụ tiếp và chờ đợi tình hình khả quan hơn trong thời gian tới” - ông Đức bộc bạch.