Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Đồng Nai phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội và là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước vào năm 2025.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Đồng Nai phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội và là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước vào năm 2025.
Để thực hiện được mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ quan trọng được tỉnh quyết tâm thực hiện là hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan nhà nước; xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm khai thác thế mạnh mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại.
Thực tế, thời gian qua, Đồng Nai rất quan tâm đến việc xây dựng chính quyền điện tử, bởi đây là một trong những giải pháp quan trọng trong cải cách hành chính với mục tiêu nâng cao mức độ hài lòng của người dân, cải tiến hiệu quả và minh bạch hoạt động chính quyền; đảm bảo tính công bằng, chuẩn mực trong quản lý nhà nước. Đến thời điểm này, việc xây dựng chính quyền điện tử tại Đồng Nai đã đạt được những bước tiến đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) và ứng dụng CNTT vào quá trình vận hành của hệ thống quản lý nhà nước. Với độ “phủ” về CNTT rộng, trang bị khá đồng bộ nên hầu hết các thủ tục hành chính của Đồng Nai hiện đã giảm được tối đa những thủ tục giấy dễ gây phiền hà, đang đẩy mạnh giải quyết ở mức độ 3, 4 nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong bình đẳng tiếp cận các thủ tục phục vụ cho quá trình hoạt động của mình. Đồng Nai cũng đang tích cực triển khai chuyển đổi số ở những ngành, lĩnh vực “nóng” trong đời sống xã hội như: thông tin về đất đai, giáo dục, y tế…
Kết quả kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy có sự đóng góp tích cực của CNTT giúp cho công tác quản lý, điều tra dịch bệnh được xuyên suốt, thuận tiện, chính xác. Đặc biệt, việc áp dụng nhiều nền tảng CNTT như: khai báo y tế, quét mã QR, tiêm chủng… đã đem lại hiệu quả rõ nét trong công tác phòng, chống dịch.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng song thực tế cho thấy, để xây dựng chính quyền điện tử thành công, Đồng Nai còn rất nhiều việc phải làm, trong đó hạn chế lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn nhân lực thiếu và yếu; một số đơn vị chưa khai thác hiệu quả hạ tầng, ứng dụng CNTT, viễn thông hiện có; vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa nhìn nhận đúng vai trò của ứng dụng CNTT nên chưa quyết tâm, gương mẫu trong ứng dụng CNTT vào công việc, ngại thay đổi thói quen từ xử lý văn bản giấy sang số hóa văn bản… Chính những nguyên nhân này đã và đang là lực cản đòi hỏi tỉnh và những đơn vị có liên quan phải có những giải pháp, chiến lược mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để thực hiện một cách đồng bộ, kịp thời nhằm sớm hiện thực hóa được mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử.
Để phát triển thích ứng trong thời đại công nghệ 4.0, không có chỗ cho sự ngại ngần, e dè khi ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào quá trình quản lý, điều hành. Do vậy, nếu không muốn thụt lùi, chỉ còn cách phải chủ động tiến về phía trước để không bị lạc hậu với xung quanh.
Minh Ngọc