Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài toán khó của ngành Xây dựng

08:10, 20/10/2021

Cách đây vài ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã ký ban hành một quyết định khá đặc biệt: thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Cách đây vài ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã ký ban hành một quyết định khá đặc biệt: thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Tổ công tác này do Giám đốc Sở KH-ĐT làm Tổ trưởng, đại diện Sở Tài chính làm Tổ phó và các thành viên gồm đại diện 8 sở, ngành và UBND 11 huyện, thành phố. Tổ công tác đặc biệt được thành lập trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 - khi tất cả các công trường gần như phải “đóng băng” trong 3 tháng giãn cách xã hội. Hết 9 tháng của năm 2021, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công của tỉnh đạt khoảng 40% kế hoạch được giao.

Nhiệm vụ của tổ công tác là thúc đẩy thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đối với các dự án do UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình giải ngân.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại Đồng Nai đang thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước (47,38%). Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định rõ trong hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công diễn ra vào cuối tháng 8-2021 vừa qua là phải bằng mọi cách đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bởi nguồn vốn đầu tư công còn là động lực để giúp các địa phương phục hồi kinh tế sau giãn cách.

Như vậy, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cũng có nghĩa là phải đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trong hơn 2 tháng còn lại của năm 2021. Một nhiệm vụ khá nặng nề và nhiều thách thức khi thực tế là sau nhiều tháng dài giãn cách xã hội, Đồng Nai từ một “đại công trường” nhộn nhịp thì nay lại vắng bóng người do nhân lực ngành Xây dựng đang thiếu trầm trọng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã yêu cầu các nhà thầu thi công phải lập tiến độ thi công chi tiết trong 3 tháng 10, 11 và 12 của năm 2021. Trong đó phải thể hiện được đầy đủ nguồn lực như: vật tư, vật liệu, máy móc thi công, nhân công... Tiến độ thi công phải thể hiện được tăng ca, kíp thi công để bù tiến độ đã bị chậm trễ do giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, thực tế là các dự án hiện không đủ người để tăng ca. Là một dạng lao động khá đặc thù, nhân công ngành Xây dựng đa số là nhân công ngoại tỉnh, ở hoàn cảnh bình thường họ cũng thực hiện “3 tại chỗ” do tính chất của ngành Xây dựng là “rày đây mai đó”. Song khi đại dịch xảy ra, một lượng lớn lao động ngành này đã về quê và hiện tại hầu hết chưa trở lại. Vậy nên bài toán khó càng thêm khó khi đã vào dịp cuối năm, khan hiếm lao động diễn ra, lưu thông liên tỉnh vẫn khó khăn nên tâm lý người lao động chưa muốn quay trở lại.

Do đó, để giải quyết tình huống cấp bách này, có lẽ cần đến những giải pháp tức thời, trong đó có cả việc ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19, đảm bảo tăng thu nhập, có kế hoạch tuyển dụng nhanh nhân công đặc thù… thì may ra mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công vào cuối năm 2021 mới có thể thực hiện được.

Vi Lâm

Tin xem nhiều